I
Tố Hữu là một nhà thơ lớn. Nói đúng hơn, ông là nhà thơ lãng mạn cách mạng. Cả cuộc đời ông gắn bó với cách mạng. Thơ với đời là một. Trước sau đều nhất quán. Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ. Thơ ông dường như chỉ có một giọng. Đó là giọng hát tưng bừng ca ngợi cách mạng. Đọc ông trong bất cứ hoàn cảnh và tâm trạng nào, ta cũng thấy phấn chấn, náo nức như đi trẩy hội. Đến đâu cũng nghe vang tiếng trống, tiếng kèn. Mà thơ ông đâu chỉ có trống phách linh đình như một đám rước, ông còn bắn cả 21 phát đại bác vang trời. Cho đến nay, chỉ có ông là nhà thơ Việt Nam duy nhất đã bắn đại bác trang trọng như thế. Trong tâm hồn lớn lộng gió của ông không có những góc khuất, những vùng tối, những nẻo đường hiu quạnh, những thành quách nhàn nhạt một màu rêu cô liêu. Nghĩa là không có chỗ nương náu cho những nốt nhạc lạc điệu, xa lạ và trầm buồn. Đôi khi, những nỗi niềm vu vơ có ở thời Từ ấy lại lần theo một con đường riêng nhuốm màu thiên nhiên, chìm lẩn trong tiềm thức mà tìm về với ông, thì ông lại tự xoá đi, để tiếng hát ông chỉ còn một âm hưởng chủ đạo. Âm hưởng vui bất tuyệt.
Nếu mỗi nghệ sĩ là một người thư ký của thời đại, theo quan niệm Balzac, thì Tố Hữu chính là người thư ký của cách mạng. Thơ ông là biên niên sử cách mạng. Có thể lần theo dấu vết thơ ông mà tìm những bước thăng trầm của cách mạng, của kháng chiến. Chính vì thế, trong những ngày cả nước long trọng kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi tìm lại thơ ông, tra cứu thơ ông, như tra cứu một cuốn tự điển cách mạng. Tôi lật trang Điện Biên Phủ và lập tức lại gặp ngay tiếng reo vui tưng bừng quen thuộc của ông: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Đây là bài thơ khá nổi tiếng của Tố Hữu. Bài thơ cung cấp cho ta nhiều con số và những tư liệu lịch sử. Qua thơ mà ta biết cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài ba ngàn ngày. Chiến dịch Điện Biên Phủ từ lúc mở màn đến khi kết thúc thắng lợi là 56 ngày đêm. Trong thời gian này, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đang ở Việt Bắc. Trên bàn làm việc dã chiến của Người có bản đồ Điện Biên Phủ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi hội đàm với Chính phủ Pháp ở Paris. Trưởng phái đoàn ngoại giao của Pháp là Biđôn (Bidault). Trưởng phái đoàn ngoại giao của Mỹ là Smit (Smith). Còn đại tướng Võ Nguyên Giáp thì dàn quân ở giữa trận tiền. Và bạt ngàn bộ đội, dân công đi tiếp lương, tải đạn, kéo pháo, mở đường. Lương thực, đạn được vận chuyển đến Điện Biên bằng hai phương tiện chính: thồ và gánh. Đời sống tinh thần của bộ đội và dân công ta ở cái thời ấy cũng được Tố Hữu ghi chép khá tỉ mỉ: người ta động viên nhau, thúc đẩy nhau bằng tiếng hát. Những điệu hò lơ, hấy lơ vang vọng khắp các triền đèo hiểm trở Lũng Lô, Pha Đin. Như thế, xem ra, việc chuẩn bị chiến đấu vất vả, gian khổ nhưng vui. Rõ ràng đi kháng chiến như đi trẩy hội. Còn khi đã chiến đấu thì thật ác liệt. Có thể nói đó là cuộc chiến đẫm máu. Người khoét núi đặt bộc phá. Người bịt lỗ châu mai. Người lấy thân chèn pháo. Và máu người đã nhuộm đỏ cánh đồng Mường Thanh. Máu trộn với bùn đất. Chỉ một chi tiết này, ta biết chiến dịch mở vào mùa mưa. Đó là một thử thách không nhỏ đối với người lính Điện Biên Phủ. Tất cả những tư liệu lịch sử có tính thông tấn báo chí ấy, đã được Tố Hữu biến thành tình cảm, giai điệu. Và bao phủ lên nó là một bầu không khí hừng hực. Bầu không khí Điện Biên.
Tố Hữu có đi chiến dịch không? Ông viết bài thơ này trong trường hợp nào? Lúc ấy ông ở đâu? Ông đang làm gì, giữ những trọng trách gì? Chiến thắng Điện Biên đến với ông ra sao? Đấy là những câu hỏi mà độc giả hôm nay tò mò muốn được giải đáp. Nhưng ai giải đáp nổi? Chỉ có thể là Tố Hữu. Và chúng tôi được giao một nhiệm vụ rất cụ thể: tìm đến gặp Tố Hữu, rồi lân la hỏi chuyện ông.
II
Chúng tôi tập kích vào nhà Tố Hữu, đúng theo cách tiếp cận của lính Điện Biên Phủ. Ngay lập tức nhà thơ lớn đã bị bốn anh em lính báo bao vây. Ngoài tôi và nhà phê bình Hồng Diệu, còn có thêm Khánh Chi, Trường Giang - hai phóng viên trẻ của báo Đại đoàn kết. Bây giờ thì Tố Hữu đã ngồi gọn giữa mấy anh em chúng tôi. Trông ông trầm tĩnh như một ngọn tháp cổ kính. Mà không, ông như một vị nguyên soái đã giã từ vũ khí, giã từ mọi thứ xiêm áo lỉnh kỉnh mà tạo hoá đã bỡn cợt khoác lên ông, nhiều khi che khuất cả chính ông, để ông chỉ còn lại là một già làng, có phần cô đơn, bé nhỏ, da mồi, mái tóc bạc trắng sương gió, dường như đã quá quen với trận mạc, với mọi biến cố, thăng trầm của cõi đời dâu bể. Lơ lửng ở đâu đó trong khoảng u u minh minh trên mái đầu ngả bạc của ông, hình như vẫn còn lung liêng, vẫn còn chao lắc cái con quay mờ mờ nhân ảnh của ông Trời. ý nghĩ ấy đến với tôi khi tôi đang thành kính ngắm ông như ngắm một viện bảo tàng. Còn ông thì ngồi im lặng. Đôi mắt riu riu nửa thức, nửa ngủ, có lúc lơ đãng vô vi như một người đang nhập thiền, có lúc lại ánh lên, long lanh sáng như mảnh thuỷ tinh vỡ. Vào những giây khắc mong manh đó, tôi chợt thấy ông vẫn còn là một vị tướng soái, với đầy đủ mũ áo cân đai. Còn bây giờ, ông có vẻ như hơi ngỡ ngàng. Ông đưa mắt nhìn lũ chúng tôi là mở chiến dịch rút lui quyết không dây với lũ trẻ ranh.
- Chuyện Điện Biên ấy mà, nói thực là mình biết không nhiều lắm đâu. Cái này các cậu phải đến gặp Hồ Phương, Hữu Mai, hay Từ Bích Hoàng. Các anh ấy đi chiến dịch Điện Biên, các anh ấy biết nhiều chuyện đấy.
- Chuyện Điện Biên thì bạn đọc cũng đã biết rồi, vừa qua mấy anh em làm báo đã sục vào hầm De Castries, còn lặn lội vượt đèo leo suối vào tận sở chỉ huy ta ở Mường Phăng. Anh Lê Lựu đã đến gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh Hồng Diệu đã gặp ba thiếu tướng Hồ Phương, Chu Phác và Dũng Hà. Mấy anh em còn tham khảo cả tài liệu của Pháp nói về Điện Biên. Nghĩa là nhìn Điện Biên ở mọi góc độ khác nhau. Bây giờ, mấy anh em muốn hỏi anh về bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.
Tố Hữu cười:
- Bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên thì cũng chẳng có gì phải nói thêm nữa. Mình đã viết cả ra rồi. Có gì cũng nói tuột ra hết. Thơ mình là thế, là cứ nói thẳng tuồn tuột, chẳng có gì khuất khúc cả.
- Vâng, bài thơ nói được nhiều điều lắm. Đầy ắp tư liệu thông tin. Nhưng có thông tin mà bạn đọc bây giờ tò mò muốn biết thì bài thơ lại không nói đến. ấy là thông tin về tác giả. Khi viết bài thơ này, anh đang ở đâu?
Tố Hữu ngồi im lặng. ánh mắt bỗng xa vợi. Hình như ông đang lục trong trí nhớ, cố tìm một hình ảnh nào đó, một bóng dáng nào đó của kỷ niệm xa mờ.
- Chịu, không thể nhớ được. - Tố Hữu quay về phía tôi. - Mình già rồi, u mê rồi. Có lẽ các anh ở cục tác chiến, quân bưu, các anh ấy nhớ, chứ mình thì quên mất rồi. Cái bản ấy, nó có cái tên là khau khau gì đấy. Hồi đó, mình là trưởng ban tuyên truyền. Suốt ngày chỉ hong hóng chờ tin tức từ chỗ anh Trường Chinh, hoặc lại chạy sang bên Bộ Tổng, Quân uỷ trung ương, chỗ anh Văn, hỏi xem có đánh nhau ở đâu thì viết bài tuyên truyền. Mà viết xong cũng chẳng biết đưa cho ai nữa. Hồi ấy, phương tiện tuyên truyền của ta còn nghèo lắm, sơ sài lắm, đâu có được phong phú như hồi chống Mỹ. Công cụ tuyên truyền chỉ có mỗi tờ báo Nhân Dân với cái đài 500 oát. Còn thì phần lớn là tuyên truyền mồm quan cánh dân công. Mỗi trận đánh thắng, tự thân nó đã có sức tuyên truyền rồi. Nó lan xa lắm, lan nhanh lắm. Còn chuyện Điện Biên thì sau này mới rầm rộ. Hò kéo pháo. Điện Biên bấy giờ im ắng lắm. Ta âm thầm chuẩn bị lực lượng. Không ai có thể nghĩ được rằng, ta lại có thể đưa được quân, đưa được pháo vào Điện Biên. Thực tế khách quan thì không thể làm được. Đường sá hiểm trở lắm, toàn những đèo dốc, vực thẳm. Gay go nhất là việc vận chuyển lương thực, thực phẩm. Cái này, phải nói là dân mình ghê gớm thật. Chỉ có đôi vai, đôi bồ, khá hơn cái xe đạp tồng tộc, mà rồi từ Thanh Hoá, từ đồng bằng Bắc Bộ mò mò đưa gạo lên. Hạt gạo nặng bằng hạt máu. Phải nói ý chí của dân mình rất ghê gớm. Họ nhịn đói, nhịn khát, ăn lá lảu dọc đường. Dừng nghỉ thì nói chuyện thịt bò, nói chuyện nướng chả, làm thịt cầy, cứ như mình đang liên hoan, đang ăn thịt, mà toàn ăn thịt... mồm.
- Vậy tin toàn thắng đến với anh lúc nào?
- Lúc ấy khoảng 5h30 hay 6h chiều ngày 7-5. Rừng đã nhá nhem tối mới có điện từ chỗ anh Trường Chinh xuống. Mình mừng quá. Cái chuyện Hoả tốc, hoả tốc - Ngựa bay lên dốc ấy là có thật. Đấy là con ngựa của chú liên lạc ở chỗ anh Trường Chinh. Và cũng chỉ có mỗi con ngựa với chú liên lạc, chứ làm gì có Đuốc cháy sáng rừng, với Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Khi viết thì mình viết thế. Viết thế mới tạo được không khí, chứ làm gì có lửa mà đỏ rừng đỏ bản. Thực tế lúc ấy, nhìn ra xung quanh, rừng núi tối mù mù. Chỉ có vài ngôi nhà ở triền núi xa xa có ánh lửa le lói, chắc họ đang nấu cơm hay nướng sắn gì đó. Thế mà mình viết: Đuốc chạy sáng rừng - Loa kêu từng cửa. Cũng chẳng có loa đâu. Mà loa với ai. Dân ở xa. ở gần dân e bị lộ. Nguyên tắc là bí mật tuyệt đối. Cơ quan trung ương ở trong rừng, ở giữa lau tre. Mình ở nhà đất. Anh Trường Chinh cũng ở nhà đất. Chỉ có Bác ở nhà sàn. Ông cụ có đặc tính là thích ở nhà sàn, và ở bên suối. Ông cụ vốn là người yêu sơn thuỷ hữu tình. Cơ quan trung ương cũng đóng dọc bên suối, lán chìm trong cây lá. Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù mà. Bí mật là một nguyên tắc. Vậy thì loa với ai. Thế mà vẫn loa kêu từng cửa. Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Hầy, nghe vui hỉ, nghe cũng rậm rật đấy chứ hỉ - Rồi Tố Hữu quay lại mấy anh em, nheo nheo một bên mắt, vẻ trẻ trung, tinh nghịch - Này xem ra không thể tin cánh văn nghệ được đâu hỉ. Phịa, toàn là phịa. Chỉ có điều là mình phịa như thật, nên người ta cũng tha cho.
Rồi Tố Hữu lại cười. Nụ cười thật hiền hậu. Trông ông lúc này có vẻ của một ông Phật, Hồng Diệu hỏi:
- Thế từ lúc mở màn đến khi kết thúc chiến dịch anh có lên Điện Biên bao giờ không?
- Không! Nào mình có biết Điện Biên ở đâu mà đi. Đi sao được. Mà ai cho đi cơ chứ.
- Tưởng anh là trưởng ban tuyên truyền, anh có thể đi khắp nơi chứ.
- Đâu có. Ông nói thế là nói cái anh tuyên truyền sau này, tuyên truyền bây giờ. Chứ lúc ấy, đi sao được. Mình cứ ngồi im chờ lệnh cụ Trường Chinh.
- Tưởng anh viết Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam...
- À, cái đấy mình hỏi. Mình hỏi mấy chú đã đến Điện Biên rồi. Hỏi xem ở đấy có những cái gì, mới biết mấy cái địa danh như thế đấy chứ, biết cả ở đó có cam, có mơ và rất nhiều hoa mơ. Chỉ mang máng thế thôi. Và rồi những cái mang máng ấy, cũng chẳng biết sẽ để làm gì. Sau này khi viết, mình mới lôi nó ra, đưa vào thơ, cứ nhét bừa vào. Nó mới thành: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam / Hoa mơ lại trắng vườn cam lạ vàng. Đấy, đơn giản thế đấy.
Rồi Tố Hữu lại cười. Hoá ra ông Phật này cũng thích đùa lắm. Ông nói mà cứ như nói đùa, và tôi nghĩ, phải là người uyên thâm lắm, thông minh và lịch lãm lắm mới có thể nhìn mọi sự đơn giản như thế, mới có thể đùa được như thế. Đùa là một phẩm chất của trí tuệ. Thực tình, hai câu thơ mà Tố Hữu vừa nhắc đến, như nhắc đến một giai thoại vui kia, là hai câu thơ hay, nếu không nói là hay nhất trong bài. Đặt trong cái không khí của toàn bài, nó mới đắc địa, như người ta đang nghe một bản giao hưởng chát chúa toàn những kèn đồng, lại thấy vút lên mảnh mướt một tiếng sáo trúc đồng quê mát mẻ. Câu thơ ghép toàn những địa danh. Đưa địa danh vào thơ đâu có dễ dàng gì. Nhưng Tố Hữu có biệt tài trong cái kỹ nghệ ngày. Địa danh vào thơ ông thường rất nhuần nhuyễn. ở đây, dường như nó không còn là địa danh nữa, nó là kỹ nghệ chơi chữ cao, chơi chữ mà không thấy dấu vết của việc chơi chữ, chỉ có hai câu thơ với tên rừng, tên núi cụ thể mà Tố Hữu đã kết được thành một vòng hoa rực rỡ sáu màu. Đấy là vòng hoa tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh ở chiến trường Điện Biên lịch sử. Xuân Diệu là người đã có công trong việc phát hiện ra cái vòng hoa thầm lặng đó.
- Sau này, ông Diệu ông ấy có khen tôi. Ông ấy tán ra thế, tôi mới biết nó như thế đấy chứ. Thực ra, đó là mấy cái địa danh có sẵn, địa danh có màu, dưới lại có trắng, có lam, có vàng. Cũng lại là màu nữa. Nó mới thành tấm thảm nhiều màu. Cái này, những anh em lý luận họ gọi là gì hỉ? Là tiềm thức à? Nghĩ cũng có lý hỉ?
Ngừng một lát, Tố Hữu tiếp:
- Bài thơ Điện Biên được viết nhanh lắm. Sau chiến thắng, tôi lên Bác ngay. Lên xin ý kiến Bác xem cần tuyên truyền thế nào. Có điều lạ là Bác rất bình thản. Bác bảo: Đây chỉ là chiến thắng bước đầu thôi. Sao các chú cứ rối lên thế. Ta đánh thì tất nhiên là sẽ thắng. Quân đội ta là quân đội quyết chiến, quyết thắng cơ mà. Bác khen các chú đánh giỏi. Nhưng đừng rối lên. Phải cảnh giác. Hết sức cảnh giác. Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Kẻ thù ta bây giờ không phải là Pháp nữa, mà là Mỹ. Không khéo chuyến này, ta phải đánh nhau với Mỹ, còn lâu dài đấy, gian khổ đấy, đừng có tếu. Điều đáng kinh ngạc là Ông Cụ lại nói chuyện ấy ngay trong ngày chiến thắng Điện Biên. Tôi đã đọc một loạt những hồi ký viết về Ông Cụ ở thời điểm này, nhưng không thấy ai nói đến chuyện đó. Cũng trong cuộc gặp ấy, Ông Cụ bảo tôi làm tuyên truyền. Ông Cụ có bảo tôi làm thơ đâu, làm tuyên truyền động viên bộ đội đấy chứ. Tuyên truyền làm sao cho dân vui là được rồi. Tôi về, suốt đêm không ngủ được, cứ vẩn vơ mãi. Tôi nghĩ: tuyên truyền bằng thơ là tốt nhất. Thơ dễ phổ biến, dễ nhớ, dễ thuộc. Mình không nhận ra trận, nhưng cũng nghe lỏm được khối chuyện. Chỉ tội, chẳng biết Điện Biên ra sao. Rồi thì đèo Pha Đin, đèo Lũng Lô cũng chẳng thể hình dung được. Tôi bèn đến hỏi Bác, Bác ngửa cái mũ lá ra: Điện Biên nó như thế này này. Nó là một lòng chảo. Đấy, cũng chỉ mang máng thế thôi. Thế rồi thì tôi viết, viết nhanh lắm, viết không đến hai ngày. Những gì mình nghe được về Điện Biên, mình cho vào thơ hết, cho nó có vần có điệu, vì nhịp thơ nó đi như thế. Lục bát thì còn phải cò cưa ký cưa, chứ ở đây, mình cho nó nổ lung tung lên, chẳng việc gì phải giữ đúng khuôn khổ. Có lẽ đây là bài thơ tự do nhất, viết sảng khoái nhất. Hồi Cách mạng tháng Tám, mình cũng có bài thơ sảng khoái như vậy. Bài thơ nói về cái con chim gì ấy nó hót hót ấy...
- À, đấy là bài Huế tháng 8 - Hồng Diệu chợt như bừng tỉnh - Có con chim nào trong tóc, nhảy nhót hót chơi. Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ.
- Ờ, đại khái là như vậy.
Tố Hữu cười. Mấy anh em cùng cười. Không khí trong căn phòng thật ấm cúng vui vẻ. Tố Hữu tiếp tục câu chuyện và Hồng Diệu lại làm bà Trần Thị Tuyết minh hoạ thơ cho ông. Phải nói trí nhớ của nhà tầm chương trích cú này cũng đáng hãi thật. Hầu như anh thuộc hết thơ Tố Hữu, kể cả những câu thơ trong quá trình sửa chữa, ông đã vứt rồi, mà Hồng Diệu vẫn còn thuộc. Anh đọc cho Tố Hữu nghe bằng một giọng von vót nửa kim, nửa thổ.Tiếng reo núi vọng sông rền...
- À, cái đó mình cũng phịa đấy. - Tố Hữu cắt ngang giọng đọc đầy hào hứng của Hồng Diệu. - Hồi đó, đang phải bí mật, có ai dám reo hò đâu. Nhưng phải viết thế, phải tạo không khí như thế mới có cớ mà hoan hô chứ. Mình hoan hô chiến sĩ Điện Biên, hoan hô ông Giáp. Lúc ấy, đại tướng võ Nguyên Giáp oanh liệt lắm. Người ra trận cơ mà. Một ông Tổng tư lệnh ra trận...
- Thế sao sau này, trong những tập tái bản gần đây, anh lại cắt câu ấy đi?
- Đâu, mình có cắt đâu - Tố Hữu ngạc nhiên. Mình chẳng biết gì đến chuyện ấy cả. Mình vẫn giữ đấy chứ, mà mình thấy cũng không có gì phải cải chính.
- Bài thơ này khi anh viết xong rồi, Bác Hồ có đọc không?
- Có chứ - Tố Hữu cười - Khi in ra, chắc Ông Cụ có đọc.
- Thế Ông Cụ nói sao?
- Ông Cụ chẳng nói sao cả. Chưa bao giờ Ông Cụ khen thơ tôi. Chỉ có anh Trường Chinh thì có khen, ví tôi với ông này, ông khác, nhưng anh ấy cũng nói tào lao cho vui thế thôi, còn Bác thì chưa bao giờ khen thơ tôi cả. Sau Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, tôi viết tiếp Ta đi tới và Việt Bắc...
Đây là thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Tố Hữu. Trong ba bài thơ viết cùng một giai đoạn ấy, Việt Bắc là một kiệt tác, dù còn lẫn mấy câu vè. Hai bài thơ còn lại cũng như phần lớn thơ Tố Hữu, sẽ bất tử nhờ lịch sử. Bởi nó đề cập đến những cái mốc lịch sử. Mỗi bài là một trang biên niên sử. Mà đề cập đến lịch sử, viết về lịch sử thì không ai bằng được ông. Chiến thắng Điện Biên đã qua 40 năm rồi, đã có hàng trăm bài thơ viết về sự kiện này, nhưng cho đến nay, quả thật vẫn chưa có bài thơ nào viết về Điện Biên vượt bài thơ ông. Cái hay của bài thơ không nằm trong câu chữ cụ thể mà nằm trong cái hơi chung của toàn bài.
- À, lại nói về cái tên bài thơ. - Tố Hữu tiếp tục tâm sự - Lúc đầu mình lấy tên là Điện Biên Phủ. Nhưng sau nghĩ thấy không ổn. Điện Biên Phủ chỉ là một cái địa danh. Mình đổi thành Chiến thắng Điện Biên, cũng lại thấy vô duyên. Nghe nó như tên một bài báo. Mình đọc lại bài thơ, thấy có câu Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Thôi, lấy té luôn như thế cho rồi. Cái tên ấy hợp với không khí toàn bài - Tố Hữu nhìn sang tôi, sảng khoái như một người vừa thắng xong một trận đánh hóc hiểm - Thơ Khoa có lẽ chẳng bao giờ có hoan hô đâu nhỉ. Còn tôi thì tôi cứ hoan hô. Tôi còn hô cả khẩu hiệu nữa cơ. Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Muôn năm, muôn năm Mác - Lênin. Đấy, tôi hô khẩu hiệu đấy, tôi chả sợ. Tôi muốn nói rằng: Không có cái gì là không thành thơ được. Tôi cho cả Nguyễn Văn Trỗi hô: Hồ Chí Minh muôn năm. Mà hô những ba lần kia.
Tất nhiên, sau ba câu khẩu hiệu Hồ Chí Minh muôn năm, Tố Hữu đã hạ một câu thơ thật là thần tình: Phút giây thiêng anh gọi Bác ba lần. Và thế là ngay lập tức, mấy câu khẩu hiệu khô khốc trên kia đã không còn là khẩu hiêu nữa, nó đã thành tình cảm, xúc cảm, thành nỗi niềm thiêng liêng của cả một đời người ở cái giây phút hiểm nghèo nhất. Và người đọc bỗng ứa nước mắt. Đấy là tài nghệ của một bút pháp lớn. Bút pháp bậc thầy.
Câu chuyện Điện Biên tạm thời kết thúc. Tố Hữu quay sang hỏi Khánh Chi và tôi, cũng vẫn những chuyện văn chương. Khi chia tay ông, Khánh Chi mới rụt rè đề nghị:
- Bác Tố Hữu ơi, bạn đọc ở báo Đại đoàn kết lại còn có yêu cầu này nữa. Họ muốn có mấy dòng chữ và chữ ký của bác. Bác chép cho một đoạn thơ nào đó trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên.
Tố Hữu vui vẻ:
- Ờ thì đưa sổ đây, có bút không?
Nhưng khi đặt cuốn sổ của Khánh Chi lên đầu gối rồi thì Tố Hữu lại lưỡng lự. Hình như ông đang tính xem nên chọn câu thơ nào. Hồng Diệu liền tham mưu:
- Xin anh chép đoạn này: Điện Biên vời vợi nghìn trùng / Mà lòng bốn biển nhịp cùng lòng ta...
- Không, không được. - Tố Hữu lắc đầu - Phải chọn đoạn khác. Cái đoạn nói về huân chương. ờ, mà tại sao bây giờ, người ta lại không thích đeo huân chương nhỉ. Đối với tôi, huân chương bao giờ cũng có ấn tượng rất mạnh.
Rồi ông cúi xuống viết vào cuốn sổ tay của Khánh Chi:
Kháng chiến ba ngàn ngày
Không đêm nào vui bằng đêm nay
Đêm lịch sử. Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng...
Tố Hữu chép rõ từng nét chữ. Hồng Diệu đọc cho ông chép. Thỉnh thoảng, ông lại ngẩng lên, âu yếm chờ Hồng Diệu đọc tiếp. Tôi nhìn ông, ngỡ ngàng. Một nhà thơ lớn, nổi tiếng vào loại bậc nhất của nền thơ đương đại Việt Nam ngồi chép lại thơ mình, chép từ trí nhớ của một độc giả. Thật chẳng có gì sung sướng hơn được nhân dân thuộc thơ mình. Đấy chính là tấm huân chương cao quý nhất mà nhân dân đã trao tặng thi sĩ. Hạnh phúc lớn lao ấy, tạo hoá đâu có ban phát cho nhiều người.
Tháng 5-1994
Trần Đăng Khoa
(trích Chân dung và đối thoại)