Bài thơ
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu hoàn thành tháng 5-1954, ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Chắc chắn bài thơ này được thai nghén từ trước đó, nhưng tất cả sự âm ỉ đó đã bốc thành ngọn lửa sáng tạo đúng vào “Đêm lịch sử Điện Biên sáng rực” như nhà thơ đã ghi lại trong bài thơ.
Tố Hữu viết bài thơ này rất “kịp thời” theo sự thôi thúc không nén nổi của trái tim mình và theo “đơn đặt hàng” của mặt trận, của nhân dân cả nước. Chính trong cái đêm lịch sử đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghĩ đến sự ra đời của một bài thơ như vậy, ở Tố Hữu: “Sau năm mươi lăm ngày đêm cố gắng, lịch sử đã thu được toàn thắng. Tôi ngã mình trên chiếc đệm cỏ tranh, thao thức mãi không sao ngủ được. Giờ này, Trung ương ở nhà đã được tin. Ngày mai chắc chắn bộ đội sẽ nhận được thư khen của Bác. Tôi nghĩ đến các anh ở nhà. Anh Lành chắc đang bắt đầu làm một bài thơ. Tôi nghĩ đến niềm vui mừng của nhân dân ta trong cả nước. Anh Phạm Văn Đồng đã có mặt ở Giơ-ne-vơ. Ngày mai bọn địch gặp ta ắt phải cúi mặt xuống…”.
Không khí chiến đấu và niềm vui chiến thắng như tràn vào bài thơ. Tác phẩm đậm đà cảm hứng sử thi và chất thời sự từ đề tài, cảm hứng, đến hình ảnh, ý tưởng.
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là một bài thơ khoẻ, cuồn cuộn sức sống với những âm hưởng hùng tráng, sảng khoái, chủ động, tung hoành trên nhiều cung bậc. Bài thơ gần 100 câu, qui mô tương đối lớn. Nhìn tổng quát, bài thơ gồm 3 phần lớn: phần I (4 đoạn đầu) ghi lại niềm vui chung, cảm nghĩ chung khi nhận được tin chiến thắng; phần II (4 đoạn giữa) miêu tả trực tiếp chiến dịch; phần III (2 đoạn) nói đến ảnh hưởng của chiến thắng.
Trong bài thơ có những đoạn viết theo lối thơ 4 tiếng, 5 tiếng, 7 tiếng tương đối ổn định, có những câu lục bát nhuần nhị quen thuộc. Nhưng nhìn chung, đây là một bài thơ tự do, dòng ngắn nhất là 3 tiếng, mà dòng dài nhất đến 13 tiếng, số lượng dòng trong từng đoạn, từng phần thay tuỳ theo nội dung tư tưởng, tình cảm của tác giả.
Phần I gồm 4 đoạn nhỏ. Đoạn mở đầu làm hiển hiện lên cảnh truyền tin thắng trận: Tin về nửa đêm/ Hoả tốc, hoả tốc/ Ngựa bay lên dốc/ Đuốc chạy sáng rừng/ Chuông reo tin mừng/ Loa kêu từng cửa/ Làng bản đỏ đèn đỏ lửa
Không gian: rừng núi. Thời gian: nửa đêm. Bỗng tin truyền về, mọi thứ bừng tỉnh, sôi sục hẳn lên. Chuyển động, ánh sáng, âm thanh nối tiếp nhau và hoà trộn vào nhau, càng nổi bật trên cái nên không gian và thời gian bao la, hoang vắng, tĩnh mịch. Nhà thơ chưa nói rõ tin gì, con người chưa xuất hiện, nhưng niềm vui thì đã tràn ngập, một niềm vui náo nức, lan truyền: ngựa bay, đuốc sáng, chuông reo, loa kêu, lửa đỏ. Về sau, người đọc hình như cứ sống mãi cái không khí rất thật nhưng cũng rất kỳ ảo của buổi truyền tin vui thắng trận Điện Biện này.
Đoạn 2 đi vào chủ đề bài thơ. Tố Hữu ca ngợi những người, những sức mạnh đã tạo nên chiến thắng. Nhà thơ nghĩ trước hết đến những người trực tiếp tham gia, làm nên chiến thắng: những chiến sĩ Điện Biên, người tổng chỉ huy mặt trận - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, và rồi tất yếu đến nhân dân, Tổ quốc, đến lãnh tụ kính yêu, đến lá cờ Tổ quốc. Tràn ngập trong niềm vui chiến thắng còn là niềm tự hào vô hạn về quân đội, về nhân dân anh hùng, về Tổ quốc mà lần này tác giả muốn gọi rõ tên là “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”. Tự hào về lãnh tụ, Bác Hồ kính yêu, tác giả dành những vần thơ tuyệt diệu, bởi Người là linh hồn của dân tộc, của Đảng, của cuộc kháng chiến: Vinh quang Hồ Chí Minh, cha của chúng ta ngàn năm sống mãi. Và rực rỡ trong giờ phút ấy là lá cờ chiến thắng tung bay trên chiến trường Điện Biên Phủ: Quyết chiến, quyết thắng, cờ đỏ sao vàng vĩ đại. Mười năm sau, hồi tưởng lại chiến dịch, chính đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng có ấn tượng sâu sắc về lá cờ đó: “Cho đến ngày hôm nay mỗi lần nhớ lại chiến dịch Điện Biên Phủ, hình ảnh đọng lại trong ký ức của tôi là một lá cờ sao tươi thắm tung bay giữa núi rừng trùng điệp của chiến trường lịch sử trên bầu trời cao lồng lộng, lá cờ đỏ mang những chữ vàng rực rỡ “Quyết chiến, quyết thắng” đã được nhân dân ta kéo cao trên bãi chiến trường”.
Ở đoạn 3 và 4, nhà thơ tiếp tục nói đến niềm vui chiến thắng, những suy nghĩ, liên tưởng của mình từ chiến thắng đó. Nếu ở đoạn 1 và 2 là một lời reo vui, mới là những tiếng hoan hô, thì ở đoạn 3 và 4 đã có một nội dung cụ thể hơn của niềm vui đó, khi nhà thơ so sánh, lý giải: Kháng chiến ba ngàn ngày/ Không đêm nào vui bằng đêm nay/ Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực/ Trên đất nước, như Huân chương trên ngực/ Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!. Để thấm thía hết giá trị của những niềm vui đó, nói cuộc kháng chiến 9 năm vẫn chưa rõ, phải nói “ba ngàn ngày” đằng đẵng. Ý nghĩa câu chữ nặng biết bao. Chính ngay trong đêm mừng chiến thắng, nhà thơ giúp ta hiểu rõ hơn về dân tộc: Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!
Đó là một chân lý đã được khẳng định dứt khoát và rất đỗi tự hào. Chiến thắng Điện Biên Phủ còn được tác giả nghĩ đến bạn bè xa xôi hơn, những người đã góp công sức cho chiến thắng: “Đêm nay bè bạn gần xa/ Tin về chắc cũng chan hoà niềm vui”.
Từ phần II, nhà thơ mới trực tiếp nói đến chiến dịch Điện Biên. Phần này gồm 4 đoạn. Đoạn 1 và 2 chủ yếu nói về ta, đoạn 3 và 4 nói về địch: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Chiến sĩ anh hùng/ Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,/ Máu trộn bùn non gan không núng/ Chí không mòn/ Những đồng chí, thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão.
Ca ngợi các chiến sĩ Điện Biên ở khí phách anh hùng và hành động cực kỳ dũng cảm của họ, nhà thơ không trình bày theo diễn biến của chiến dịch, không dừng lại miêu tả một trường hợp cụ thể nào mà nhìn một cách bao quát, ca ngợi cả tập thể mà mỗi người đều xứng đáng như Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót. Bên cạnh hình tượng những chiến sĩ Điện Biên, nhà thơ dành cho những người dân công nổi tiếng trong chiến dịch những vần thơ ca ngợi “dù bom đạn, xương tan thịt nát/ không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”. Tác giả kể lại, gợi lại những sự việc tiêu biểu đáng khâm phục. Âm thanh, hình ảnh, ý tưởng dồn nén, chất chồng lên nhau, gợi cho ta một cảnh tượng hùng vĩ. Tôn trọng sự thật, nhà thơ không thể không nói đến cái chết. Hình ảnh cái chết khá dữ dội: “nát thân, nhắm mắt” “xương tan thịt nát” nhưng âm hưởng cả bài thơ không hề gây cảm giác rùng rợn, bi ai. Hai câu lục bát: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng mở ra trước mắt ta hình ảnh đất nước ngày mai tươi đẹp, thanh bình, gắn bó ân tình biết bao với những người đã hi sinh.
Chuyển sang đoạn thơ nói về địch, tác giả miêu tả tình thế khốn cùng của chúng: Lũ chúng nó phải hàng, phải chết/ Quyết trận này quét sạch Điện Biên!/ Quân giặc điên/ Chúng bay chui xuống đất/ Chúng bay chạy đằng trời?
Trả lời cho câu hỏi ấy là sự hả hê: Trời không của chúng bay/ Đạn ta rào lưới sắt/ Đất không của chúng bay/ Đai thép ta thắt chặt!.
Có sống những ngày kháng chiến gian khổ của chiến dịch Điên Biên ngày ấy mới thấm thía hết niềm hạnh phúc và tự hào của người chiến thắng. Nhà thơ không nén nổi sự sung sướng khi buông hai câu lục bát tiếp theo với nhịp thơ rắn rỏi, dứt khoát:
Của ta/ trời đất/ đêm ngày
Núi kia/ đồi nọ/ sông này/ của ta!
Đoạn thơ kết thúc bằng một câu thơ có giá trị điệp khúc: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” trùng với tựa đề bài thơ.
Trong phần III, cũng là phần cuối bài thơ, tác giả nói đến ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà thơ nghĩ đến Bác Hồ, Tổ quốc mà nhà thơ ca ngợi ở phần đầu. Ở đây, nhà thơ thể hiện tấm lòng của Bác đối với các chiến sĩ Điện Biên, của tất cả chúng ta đối với Bác. Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng vào dịp sinh nhật Bác. Bài thơ đang tưng bừng sôi nổi khí thế chiến thắng, đến khổ thơ nói về Bác, bỗng dịu đi, trầm lắng, xa vọng với thể thơ lục bát:
Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo
Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông.
Có thể nói,
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên là một tác phẩm viết rất kịp thời, đầy cảm hứng sử thi, cũng là tác phẩm văn học có chất lượng nhất trong số ít ỏi tác phẩm viết về Điện Biên Phủ thời ấy. Tố Hữu nhạy bén đi thẳng vào một đề tài thời sự, viết một cách tự nhiên, thoải mái, vừa sôi nổi, vừa súc tích, kết hợp được hồn thơ trữ tình vốn có với bút pháp chính luận và tạo hình đặc sắc.
Trần Xuân Toàn