Hai ông Phan, hai nhà đại cách mạng cùng thời, cùng nổi danh, cùng nuôi ý chí phục quốc, đã sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam:
Nhất Phan tử khứ, nhất Phan hoàn, ta tai tổ quốc
Thiên cổ văn chương, thiên cổ tâm sự, thuỳ vi tiên sinh?
(Một Phan đã mất, một Phan còn, thương thay tổ quốc
Muôn thuở văn chương, muôn thuở tâm sự, ai là tiên sinh?)
- Mai Đăng Đệ
Trong cuộc đời hoạt động cứu nước, hai ông đã có nhiều cơ hội gặp nhau, ở quốc nội cũng như ở quốc ngoạị Song vì chính kiến khác biệt, hai ông chỉ là những kẻ đồng hành mà không là đồng chí.
Phan Bội Châu chủ trương tôn quân và bạo động, lập Duy Tân Hội, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm minh chủ. Trong tập
Tự phán ông nêu tôn chỉ của Hội như sau:
Chuyên đánh đổ chính phủ Pháp, khôi phục Việt
Nam, kiến thiết quân chủ lập hiến quốc.
Phan Bội Châu còn đề xướng phong trào Đông Du, vận động người trong nước xuất dương qua Trung Hoa, Nhật Bản du học để thâu nhận kiến thức mới của nước ngoài về giúp nước nhà, đồng thời mua vũ khí của Nhật để tiếp tay cho các cơ sở chống Pháp trong nước.
Phan Chu Trinh chủ trương đường lối ôn hoà, chú trọng việc giác ngộ quần chúng. Ông cho rằng ôn hoà thì tránh được cuộc đổ máu cho đồng bào, khi dân khôn thì nước mạnh và ngoại bang tất bị loại trừ.
Trong cuộc đối thoại với viên Thống Đốc Pháp thẩm vấn ông tại nhà tù Côn Đảo (năm 1908), Phan Chu Trinh đã bày tỏ quan điểm bất đồng của ông và Phan Bội Châu: “Phan quân nhận hẳn rằng người Pháp không thiệt lòng khai hoá cho người Nam, nên trước phải tìm cách đánh đổ chánh phủ Pháp, mà muốn đánh đổ chánh phủ Pháp, không nhờ cậy thế lực một nước mạnh ngoài thì tự người Nam không làm gì được. Hiện nay nước mạnh, duy Nhật Bản là nước đồng văn, đồng chủng nên cầu viện với Nhật Bản. Tôi bác cái thuyết trên của Sào Nam, lấy lẽ rằng người nước Nam chui núp dưới chính thể chuyên chế trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức nước ngoài thì chỉ diễn cái trò “dịch chủ tái nô” không có ích gì. Vả lại nước Pháp là một nước làm tiền đạo văn minh cả hoàn cầu, nay hiện bảo hộ cả nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí, trị sanh các việc thực dụng, dân trí đã mở, trình độ một ngày một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau ở đấỵ Còn theo chính kiến tôi “cậy sức nước ngoài” thì nó quanh co khúc chiết, mình không tự lập, ai cũng là kẻ cừu của mình. Triều Tiên, Đài Loan, cái gương rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp? Sào quân không nghe, cũng không nhận là phải, phủi áo ra đi, làm theo ý kiến mình.” (
Thi tù tùng thoại - Huỳnh Thúc Kháng)
Xuất phát từ quan điểm đó, Phan Chu Trinh đã có chủ trương “Pháp Việt đề huề”. Chủ trương này là một “sách lược quyền biến” trong đường lối hoạt động cách mạng của Phan Chu Trinh, khác sự hợp tác với người Pháp của Tôn Thọ Tường (mà Phan Chu Trinh, cũng như các ông Phan Văn Trị, Huỳnh Mẫn Đạt qua các bài thơ hoạ, đã từng chỉ trích), hay chủ trương của Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh khi làm tạp chí
Nam phong,
Đông Dương tạp chí.
Khi Phan Bội Châu đề xướng phong trào Đông Du, Phan Chu Trinh đã hưởng ứng và xuất dương sang Trung Hoa, Nhật Bản. Năm 1906, ở hải ngoại về, ông khởi xướng công cuộc duy tân, đi diễn thuyết các nơi, nêu cao chủ thuyết “Dân quyền”. Vì có chủ trương ôn hoà, ông cho rằng có thể hợp tác với người Pháp, nếu họ thực tâm thực hiện những cải cách dân chủ cho Việt Nam. (Bình luận chủ trương này, có người cho Phan Chu Trinh đã nhận định sai lầm về người Pháp, vì thực dân không bao giờ thực lòng áp dụng chính sách tốt đẹp cho dân thuộc địa).
Như vậy, chủ trương của hai nhà chí sĩ họ Phan khác nhau từ căn bản. Trong tập
Tự phán, Phan Bội Châu viết: “Ủng phù một vị minh chủ, kén chọn trong Hoàng thân lập ra...” Phan Chu Trinh đã hỏi Phan Bội Châu: “Từ thế kỷ 19 về sau, các nước tranh nhau càng ngày càng dữ dội, tính mạng của một nước gởi trong một số người đông, chứ không thấy nước nào không có dân quyền mà khỏi mất nước bao giờ. Thế mà ngày nay lại còn định dựng cờ quân chủ lên hay sao?”
Phan Chu Trinh từng đi diễn thuyết nói về “Quân trị và Dân trị chủ nghĩa”. Ông so sánh hai chủ nghĩa đó và cho rằng: “Chủ nghĩa Dân trị hay hơn chủ nghĩa Quân trị nhiều lắm. Lấy theo ý riêng của một người hay là của một triều đình mà trị một nước, thì cái nước ấy không khác nào một đàn dê, được no ấm vui vẻ hay là phải đói rét khổ sở chỉ tuỳ theo lòng của người chăn. Còn như theo chủ nghĩa dân trị, thì tự quốc dân lập ra hiến pháp, luật lệ, đặt ra các cơ quan để lo việc chung cả nước, lòng quốc dân muốn thế nào thì làm thế ấỵ Dù không có người tài giỏi làm cho hay lắm, cũng không đến nỗi phải bị đè đầu khốn nạn làm tôi mọi cho một nhà, một họ nào...”
Thời đó, sĩ phu Việt Nam còn ngưỡng mộ thành tích của các nhóm Văn Thân, Cần Vương, còn nặng lòng trung quân ái quốc, ít ai dám đưa ra một chủ trương mới mẻ và táo bạo như vậỵ. Bài bác chủ nghĩa tôn quân, Phan Chu Trinh còn gởi thư chỉ trích vua Khải Định (thư
Thất điều) về chuyện đi dự cuộc đấu xảo quốc tế tại Pháp năm 1922.
Quả thật, ông là một kẻ sĩ ngang tàng, khí phách, không biết sợ trời đất là gì. Lúc còn đi học, ông đã từng chống đối thầy dạy bất chính, khi ở tù Côn Đảo thì đánh lại cai tù, ở ngục Santé thì gởi thư cho thẩm phán quân sự Pháp với lời lẽ khẳng khái, bất khuất: “Thằng Phan Chu Trinh thà chết thì nó xách cái đầu của nó, nó quăng xuống đất như chơi, nó chẳng chịu làm thân trâu ngựa cho người ta cỡi trên đầu, trên cổ nó đâu!”
Khi Phan Bội Châu viết tập
Lưu cầu huyết lệ tân thư, gồm 5 phần:
1. Nói về những điều sỉ nhục vì nước mất, quyền mất, thảm hoạ tương lai
2. Mở mang dân trí
3. Chấn động dân khí
4. Vun trồng nhân tài
5. Kỳ vọng ở những người làm quan, lấy những sự nghiệp bất hủ khuyên lơn họ được nhiều người xem là có giá trị về phương diện cổ động nhân sĩ và giới cầm quyền có tâm huyết đem tài sức ra giúp nước
Phan Chu Trinh đọc sách này phê bình: “Sào Nam là một người hào kiệt nóng lòng việc nước mà kiến thức thì chưa thoát khỏi khuôn sáo cũ chút nào”.
Dù có khuynh hướng chủ trương khác nhau như vậy, hai ông vẫn tìm cơ hội gặp gỡ nhau. Trong tập
Tự phán, Phan Bội Châu ghi: “Ngày tháng 7 năm ấy, tôi mượn tiếng là đi mừng bảng Hội, bắt đầu ở nhà Tiểu La (Nguyễn Thành), thăm nhà cụ Hoàng Thạnh Bình (Huỳnh Thúc Kháng) vừa đụng cụ Tây Hồ (Phan Chu Trinh), cụ Trần Thai Xuyên (Trần Quý Cáp), thảy đều ở đó, nói chuyện suốt đêm rất vui...”
Mỗi lần gặp gỡ, trong tinh thần chung lo đại sự, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh thường cùng nhau tranh biện sôi nổi. Qua tập giới thiệu tác phẩm “Giai Nhân Kỳ Ngộ” của Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng viết: “Dịp đó hai người gặp nhau, nghị luận tuy có chỗ không hiệp nhau mà vẫn phục nhau, có cùng nhau bàn việc phế khoa cử, lập hội thương, trường học, song cũng chưa làm. Tháng chạp năm ấy (1904) ông Sào Nam vào Quảng Nam tới thăm tiên sinh (PCT) tại nhà rồi về đi Nhật Bản. Tiên sinh mới gặp ông Sào Nam, bác riết bài
Lưu cầu huyết lệ, cho là không hiệp thời thế cuộc đời bây giờ, song ông Sào Nam lúc đầu đang nóng về chủ nghĩa bài ngoại, nên cũng không chịu phục.”
Tuy vậy, khi đã tâm phục nhau, thì dù có khác chính kiến, hai ông vẫn kính trọng và cảm mến nhau. Lúc Phan Chu Trinh qua Hong Kong, Phan Bội Châu từ Nhật sang đón và ghi lại cuộc trùng phùng ở đó: “Hạ tuần tháng hai, cụ Tây Hồ tới Hương Cảng, cụ cũng qua ngay thăm ông Lưu (Vĩnh Phúc), ông Nguyễn (Thiện Thuật), áo cụt, giày rách, đầu tóc bồm xồm, trông cụ như phường lao động nước ta, bởi vì cụ thay lốt làm một tên nấu bếp ở dưới tàu, mà cũng nhờ thủ đoạn ông Lý Tuệ chỉ lối. Cụ vào nhà Lưu, thấy chúng tôi, chưa chào đã cười, tôi dậy bắt tay cụ, vui không thể nói được...”
Vẫn theo lời Phan Bội Châu, ra hải ngoại cũng như ở trong nước, Phan Chu Trinh vẫn xác định lập trường của ông: “Cụ hết sức công kích những tội ác của dân tộc độc phu (kẻ không ở với ai, ám chỉ nhà vua) mà nói đến hiện triều quân chủ, hoạ quốc ương dân càng tỏ ra ý nghiện răng rách mắt, hình như Cụ nghĩ rằng cái tệ quân chủ chuyên chế không trừ thì tuy phục quốc cũng chưa phải là hạnh phúc.” (
Tự phán)
Khi đưa Phan Chu Trinh sang Nhật, Phan Bội Châu cũng xác nhận sự khác biệt giữa hai ông về khuynh hướng đấu tranh, dù Phan Chu Trinh vẫn công nhận công trình Đông Du của Phan Bội Châu: “Hồi tôi lên Đông Kinh, Cụ Tây Hồ cùng đi với tôi, thăm qua các học đường và khảo sát khắp những công việc chính trị giáo dục của Nhật Bản. Cụ bảo tôi rằng: Trình độ dân Nhật Bản như thế, mà trình độ dân ta như thế, không nô lệ sao được! Được bấy nhiêu học sinh vào nhà học Nhật Bản là sự nghiệp rất lớn của ông. Từ nay nên lưu Đông yên nghỉ, chăm việc làm sách, bất tất nói bài Pháp làm gì. Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được. Từ đó luôn mười ngày hơn, tôi với cụ bàn bạc, ý kiến rất trái nhau: cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, hãy dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ lúc nước nhà độc lập rồi mới bàn đến việc khác. Đương lúc đánh với Pháp phải lợi dụng quân chủ. Chính kiến của hai người rất phản đối nhau, cụ với tôi đồng một mục đích, mà thủ đoạn thì khác nhaụ Cụ thì muốn dựa Pháp đánh đổ quân quyền mà tôi thì bài Pháp phục Việt, mâu thuẫn là thế. Tuy chính kiến vẫn trái nhau, mà ý kiến rất ưa nhau.” (
Tự phán)
Mặc dầu có quan điểm chính trị khác nhau như vậy, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh không hoàn toàn tách biệt nhau trong cuộc đời hoạt động. Nhân dịp ra hải ngoại, có lúc hai ông đã phân công cho nhau: “Xem dân trí Nhật Bản rồi đem dân trí ta ra so sánh, thật không khác gì muốn đem con gà con đọ với con chim cắt già. Giờ Bác ở đây, nên chuyên tâm ra sức vào việc văn, thức tỉnh đồng bào cho khỏi tai điếc, mắt đui, còn việc mở mang dìu dắt ở trong nước nhà thì tôi xin lãnh. Lưỡi tôi đang còn, người Pháp chẳng làm gì tôi được mà lọ.” (
Ngục trung thư - Phan Bội Châu)
Phan Chu Trinh từng coi trọng Phan Bội Châu và cố gắng thuyết phục Phan Bội Châu từ bỏ chủ trương tôn quân, với niềm hoà nhã: “Ông hết sức trân trọng, Quốc dân hy vọng chỉ nơi mình ông, Kỳ Ngoại Hầu (Cường Để) không cần gì đâu.”
Phan Bội Châu nhận chịu lời khuyên đó, nhưng chỉ tán đồng về công cuộc duy tân của nhóm Phan Chu Trinh: “Tôi kính vâng lời đinh ninh tái hội và cậy nói với các ngài như cụ Thạnh Bình, Thái Xuyên, Tập Xuyên hết sức mở trí dân, kiết tập đoàn thể sẽ làm hậu thuẫn.” (
Tự phán)
Về phần Phan Chu Trinh, ông cũng thừa nhận phong trào Đông Du của Phan Bội Châu có nhiều ảnh hưởng tốt đẹp đối với công cuộc phục hưng xứ sở và ông tin rằng với vận hội mới Phan Bội Châu sẽ đi theo con đường Dân quyền và đạp đổ Quân quyền.
Thực ra, không phải Phan Bội Châu cố giữ lập trường bảo thủ về tôn quân, ông cũng tin rằng chế độ dân chủ là tốt đẹp, song nghĩ rằng vận mệnh nước nhà còn nằm trong tay thực dân, dân trí còn thấp kém, chưa đến lúc áp dụng đường lối mới mẻ. Trong một bức thư gởi Phan Chu Trinh, ông viết: “Gần đây được tin đại huynh cùng các anh em đồng chí với những nghị luận ý chí mới mẻ, tẩy trừ những não cổ hủ để hấp dẫn tư tưởng mới, làm cho tinh thần tôi vô cùng dũng dược... Nhưng than ôi! Trình độ nhân dân Việt Nam hiện còn ấu trĩ như răng chưa cứng, chân chưa mạnh, nếu sử dụng thì sao đang nổi. Nhân dân Việt Nam ta so với Tây Âu hãy còn kém họ xa lắm, như người còn đau, đang đâu nổi gánh nặng. Nhân dân ngu muội đói khổ, nay mình đem những lý luận cao siêu mà áp dụng không sao tránh khỏi những việc lảo đảo ngả nghiêng. Nay đem ra một lý thuyết mà người ta chưa biết đầu đuôi, rõ phía Nam, phía Bắc... Rồi sẽ vì ý kiến xung đột, hành động mâu thuẫn nhaụ Thù ngoài chưa diệt, nội bộ chống nhau. Ôi dân chủ, Dân không còn nữa thì chủ vào đâủ Lúc bấy giờ, nếu Đại Huynh có bầu nhiệt huyết cũng không còn chỗ thi thố nữa... Vậy tôi đề nghị với Đại Huynh với tình trạng nước ta, hãy chờ ít lâu nữa, Đại Huynh xướng thuyết Dân Chủ thì cử quốc đồng bào nhiệt liệt hưởng ứng, trong đó có tôi.” (
Tự phán)
Quả nhiên về sau, khi lập tổ chức mới - Việt Nam Quang Phục Hội - ở Quảng Châu, Phan Bội Châu đã thay đổi lập trường, từ bỏ quan niệm quân chủ và hứa hẹn sẽ lập nước cộng hoà.
Sở dĩ hai ông Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh không có những hành động quá khích vì tư tưởng chống đối nhau mà đi đến chia rẽ trầm trọng, cũng nhờ có những phần tử trung gian vì đại cuộc tìm cách đưa hai người xích lại gần nhaụ Đó là các ông Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can...
Ông Trần Quý Cáp vừa hoạt động cho nhóm Đông Du, vừa hoạt động trong nhóm Duy Tân. Ông Lương Văn Can từng nói: “Theo ý tôi, ngoại viện (chủ trương Phan Bội Châu) và tự cường (chủ trương Phan Chu Trinh) phải đồng thời tiến hành với nhau mới được. Do đó, hai phái ôn hoà và bạo động vẫn ngầm giúp nhau. Hồi đó tinh thần đảng phái ít hơn ngày nay, có thể nói là gần như hoàn toàn không có.” (
Đông Kinh Nghĩa Thục - Nguyễn Hiến Lê)
Và cứ vậy, hai phong trào cách mạng của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh chẳng khác gì hai bánh xe cùng chạy trên hai đường sắt song song, cùng có nhiệm vụ đưa những toa tàu đến ga cuối cùng, đó là mục đích tối hậu của công cuộc giải phóng đất nước.
Chẳng may, khi sự nghiệp chưa thành, một con chim ưu tú trong đàn chim Việt đã sớm gãy cánh. Ngày 24-3-1926, Phan Chu Trinh tạ thế. Đó là cái tang chung của toàn thể dân Việt. Nhiều nhân sĩ, đoàn thể đã dự đám tang Phan Chu Trinh ở Sài Gòn, với rất nhiều đối trướng và điếu văn. Ý nghĩa nhất là những câu đối:
Vị quốc vong gia trấp tải bôn ba thiên địa ải
Đỉnh thân cứu thế nhất xoang tâm huyết quỉ thần kinh
(Theo nước bỏ nhà, hai chục năm bôn đào, trời đất hẹp
Liều thân cứu thế, một bầu sôi máu nóng, quỉ thần e)
- Nhóm Phụ nữ Việt Nam
Thiên hạ quy chi tổ chức dân đoàn suy đại lão
Tiên sinh khứ hỉ đả phiên đế chế thị thuỳ nhân?
(Thiên hạ theo chân, xây dựng dân đoàn tay già giặn
Tiên sinh vắng bóng, đập tan đế chế kẻ nào đây?)
- Đông Pháp thời báo
Riêng câu đối viếng của Phan Bội Châu, sâu nặng tâm tình:
Thương hải vi điền Tinh Vệ hàm thạch
Chung Kỳ ký một Bá Nha đoạn huyền
(Biển biếc nên đồng, Tinh Vệ ngậm đá
Chung Kỳ khuất bóng, Bá Nha đập đàn)
Đến phút cuối cùng, vĩnh biệt người bạn đồng hành trên đường cách mạng, Phan Bội Châu đã xem Phan Chu Trinh là người tri kỷ, chẳng khác Bá Nha, Tử Kỳ ở Trung Quốc thời xưạ Hơn ai hết, ông hiểu rõ tính tình, tiết tháo của người chí sĩ cùng thời. Câu “Chung Kỳ ký một, Bá Nha đoạn huyền” là những giọt nước mắt thống thiết và đau đớn nhất, khóc một người bạn mà ông cảm mến và tâm phục nhất, trong cuộc đời bôn ba vì nước của ông.
Tấm lòng thiết tha chân thành và ngưỡng mộ của ông đối với Phan Chu Trinh còn được bày tỏ qua bài văn tế:
Nhớ ông xưa...
Gan to tày bể, sức xông pha nào kể sức muôn người
Mắt sáng hơn đèn, tài lanh lợi từ khi năm bảy tuổi
Vận nước gặp cơn dâu bể, đeo vai thân sĩ, còn lòng đâu mà áo mũ xuê xoang
Thói nhà chăm việc bút nghiên, dấu mặt anh hùng, khi tạm cũng khoa trường theo đuổi
Song le
Khí vẫn chanh vanh
Chí càng viễn đại...
Đội tiên phong đâu tá? Gió duy tân từ Đông hải thổi vào
Gương ngoại quốc kia là? Sóng cách mạng bởi Á Châu dồn tới...
Ba tấc lưỡi, nào gươm nào súng, nhà cầm quyền trong gió đã gai ghê
Một ngòi lông, vừa trống vừa chiêng, cửa dân chủ treo đèn thêm sáng chói...
Mưa dào gió rét, xui khách lưu ly
Biển thẳm trời xa, xót ông chìm nổi...
Tiệc hoan nghênh mới đó, não nùng rượu chửa pha mùi
Hội truy điệu liền đây, thấp thoáng hương đà bén khói
Anh em ta đất rẽ đôi đường, tình chung một khối...
Xét quá trình hoạt động cách mạng của hai chí sĩ họ Phan, ta nhận thấy hai ông đã có chính kiến khác hẳn nhau, đưa đến những cuộc tranh cãi gay gắt, chống đối nhau kịch liệt. Tuy nhiên, vì đại nghĩa, họ vẫn luôn luôn xem nhau là bạn, hiểu thấu gan ruột nhau, kính phục nhau, chỉ dùng thư từ, lời lẽ phân biệt phải trái và khuyên nhau. Cho nên, có khi người này chịu nhận sự thuyết phục của người kia, trong một số trường hợp. Chẳng hạn Phan Bội Châu tán đồng công cuộc duy tân của Phan Chu Trinh và Phan Chu Trinh cũng đã hưởng ứng phong trào Đông du của Phan Bội Châu và họ đã từng hỗ trợ nhau trong sự nghiệp cứu quốc. Đó là hành động chính trực của các nhà chí sĩ đương thời, đáng nêu gương cho hậu thế noi theo.