Bàn Thành tứ hữu tức Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn (1) hay còn gọi là Nhóm thơ Bình Định, là một nhóm thơ đã phát sinh và tồn tại trên đất Bình Định từ năm 1936 cho đến 1945.
Khởi đầu, ở Bình Định có hai đôi bạn. Đôi thứ nhất gồm Quách Tấn và Hàn Mặc Tử. Đôi thứ hai gồm Yến Lan và Chế Lan Viên. Theo lời kể của Quách Tấn, thì vào năm 1931 (khi ấy Quách Tấn 21, còn Hàn Mặc Tử 19 tuổi) sau khi đọc được những bài thơ Đường luật ký trên P.T trên báo, rồi vì quá yêu thích nên ông có nhờ người quen dò tìm và tình cờ gặp được P.T. P.T tức Phong Trần, mà Phong Trần, sau này là Hàn Mặc Tử.
Kể từ đó, hai người “là một đôi tri kỷ và họ yêu nhau như tình nhân. Quách Tấn bề ngoài nghiêm nghị khó gần, ít khi bộc lộ tình cảm nồng nhiệt, vậy mà với Hàn, ông đặc biệt thân ái và chiều chuộng...” (Hàn Mặc Tử -
Hương thơm & Mật đắng, tr.36) Khi Hàn mắc bệnh hiểm nghèo, Quách Tấn đã hết lòng tìm thầy chạy chữa và nhiều tháng đã trích tiền lương giúp bạn... Bởi những chân tình đó, trước khi mất, người thi sĩ vắn số này đã giao cho Quách Tấn việc cất giữ nhiều thư từ và thơ của mình... (2)
Theo hồi ký của Yến Lan thì ông lớn hơn Chế Lan Viên 4 tuổi và học trên Chế ba lớp trong Trường Tiểu học Pháp Việt ở thị trấn Bình Định. Và: “Vốn thông minh và có khiếu văn chương từ nhỏ, nên những bài thơ của Chế đã làm nhiều người yêu thơ kinh ngạc vì giọng thơ già dặn và u buồn trước tuổi của một học sinh đệ tam niên. Cũng như đôi bạn trên, nhờ thơ mà Yến Lan và Chế gặp nhau để rồi có cuốn sách hay, bài thơ mới đều đọc cho nhau nghe. Chiều chiều cùng dạo quanh thành cổ Bình Định, trèo lên lầu Cửa Đông, ngắm những ngọn tháp Chàm cô đơn trên các đỉnh đồi quạnh quẽ mà ôm ấp mộng văn chương...”
Năm 1936, Hàn Mặc Tử thôi làm báo ở Sài Gòn về Qui Nhơn, gặp Yến Lan và Chế Lan Viên. Theo web Miền Trung (3) thì: “Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên quen nhau khi Chế 16 tuổi và Hàn 24 tuổi. Chế thường mang thơ của mình cho Hàn đọc, góp ý. Có bài thơ mới, Hàn Mặc Tử lại đọc cho Chế Lan Viên nghe. Cũng với sự khuyến khích của Hàn, Chế đã hoàn thành bản thảo tập
Điêu tàn và xuất bản năm 1937. Còn cuộc gặp gỡ giữa Yến Lan và Hàn Mặc Tử thật đặc biệt. Đó là vào một sáng chủ nhật giữa năm 1930, Yến Lan đang ngồi chép lại bài thơ mới làm hôm qua tại chùa Ông (Bình Định) thì Hàn Mặc Tử đưa Nguyễn Công Hoan đến vãn cảnh chùa. Biết Yến Lan có làm thơ, Hàn Mặc Tử mời Yến Lan có dịp vào Quy Nhơn ghé chơi tại nhà ở số 20 Khải Định... Trong quá trình trao đổi, Hàn Mặc Tử nhận thấy cần phải qui tụ bốn người (kể cả mình) trong một nhóm thơ để cùng học hỏi và thúc đẩy nhau trên đường sáng tạo.
Từ đó, khi hình thành nhóm, Hàn Mặc Tử luôn luôn là người điều hoà và thắt chặt các mối dây bằng hữu. Lạ một điều là đến khi Hàn mất đi, Quách Tấn mới gặp Yến Lan và Chế Lan Viên, nhưng qua Hàn, tình bạn của họ như đã đậm đà từ lâu. Trong
Hàn Mặc Tử - Hương thơm & Mật đắng có đoạn: “Một người nghiên cứu văn học ở Bình Định đương thời, chơi rất thân với nhóm thơ là Trần Thống (tức Trần Kiên Mỹ) đã hết lời ngợi ca tình bạn đó trong bài nói chuyện “Bình Định lắm duyên với thi sĩ”. Ông Mỹ đã dùng hình tượng tứ linh để ví với “Bàn thành tứ hữu”. Trong đó, long là Hàn Mặc Tử, lân là Yến Lan, qui là Quách Tấn và phụng là Chế Lan Viên. Đó là một cách so sánh lý thú và khá phù hợp với tính cách từng người trong nhóm. Lạ một điều nữa là, tuy “nhóm thơ giao du rất rộng, nhưng không mở rộng nhóm thơ”, nghĩa là trước sau chỉ có bốn người.”
Trong ngần ấy năm tồn tại (1936-1945), Bàn Thành tứ hữu lần lượt cho ra đời nhiều thi phẩm có giá trị, gây được nhiều tiếng vang, như
Thơ điên,
Điêu tàn,
Mùa cổ điển,
Bến Mi Lăng, v.v... Tất cả đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền văn học Việt.
Sau này, khi quan tâm vào tính khuynh hướng của sáng tác, Hàn Mặc Tử thấy ngay trong Nhóm thơ Bình Định, tính khuynh hướng thể hiện rất rõ trong sáng tác của từng người. Cuối năm 1936, Hàn Mặc Tử đề xướng việc thành lập Trường thơ Loạn. Và theo lời kể của Yến Lan, thì trong khi đang suy nghĩ về vấn đề đó, Hàn biết Yến Lan vừa hoàn thành một tập thơ viết về đề tài chiến tranh, nhan đề
Giếng loạn. Cái tên của tập thơ đã gợi cho Hàn cái tên của trường phái mà nhà thơ định khởi xướng, chỉ còn đợi dịp. Ít lâu sau tại ngôi nhà số 20 Khải Định, Qui Nhơn, Hàn Mặc Tử cảm động cầm trên tay bản đặc biệt của tập
Điêu tàn (1937) do Chế Lan Viên mang đến tặng mình. Dịp ấy, Chế Lan Viên đi với Yến Lan và một người nữa. Sau khi chúc mừng Chế, Hàn xúc động nói: “Lâu nay chúng ta làm toàn những loại thơ điên loạn, xem ra có đủ nhân tố để dựng một trường thơ, trường thơ Điên loạn. Ừ, mà nó đã có mầm mống từ lâu rồi (giơ tập thơ của Chế Lan Viên lên), cái tựa tập
Điêu tàn này là tuyên ngôn thứ nhất của chúng ta. Rồi chúng ta sẽ tiếp tục có tuyên ngôn bổ sung khi in tập thơ chung của Trường thơ Loạn.”
Từ đó, cái tin ở Qui Nhơn có Trường thơ Loạn (có người gọi là Trường thơ Điên) loan truyền ra khắp nơi. Ban đầu Trường thơ Loạn gồm Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên, sau có thêm Bích Khê, Hoàng Diệp, Quỳnh Dao...
Vì có tới ba trong bốn thành viên của Nhóm thơ Bình Định (không có Quách Tấn vì khác khuynh hướng sáng tác) nên không ít người tưởng rằng Trường thơ Loạn là một danh hiệu khác của Nhóm thơ Bình Định, tức Bàn Thành tứ hữu.
Quách Tấn và Yến Lan, hai thành viên của nhóm, khi còn sống đều đã khẳng định Bàn Thành tứ hữu là một nhóm thơ. Ở đó, sự gắn kết với nhau bằng tình thi ca, bằng hữu, hơn là một trường phái sáng tác (4). Sau khi Hàn Mặc Tử mất (1940), Trường thơ Loạn bắt đầu tan rã. Mặc dù Yến Lan, Chế Lan Viên và Bích Khê vẫn chơi thân với nhau, song không còn ai tha thiết với việc duy trì hoạt động Trường thơ. Nó còn tồn tại một thời gian nữa, rải rác trong các sáng tác của Bích Khê và kết thúc cùng với sự qua đời của người “mang rõ phong cách của Trường thơ Loạn, người công dân trung thành của vương quốc” là Bích Khê vào năm 1942.
Long Xuyên, tháng 10 năm 2008
Bùi Thuỵ Đào Nguyên
(1) Thành Đồ Bàn còn gọi là thành cổ Chà Bàn hoặc thành Hoàng Đế, thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn và cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 km về hướng tây bắc. Thành được xây dựng năm 982 dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya. Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung Ương hoàng đế, đóng đô ở đây, nên còn gọi là Hoàng Đế thành. Năm 1799, thành bị quân nhà Nguyễn chiếm, đổi tên gọi là thành Bình Định.
(2) Thế nhưng, từ năm 1945 đến 1954, do tình hình chiến tranh, Quách Tấn phải đưa gia đình về Bình Định. Đến năm 1954, cả gia đình vào lại thì ngôi nhà vẫn còn đó nhưng tất cả sản nghiệp và sách vở bị mất sạch. Sự nghiệp văn chương Hàn Mặc Tử dĩ nhiên cũng không còn. Cả trên 500 - 600 bức thư Hàn gửi cho Quách Tấn suốt 10 năm thân thiết cũng mất hẳn... Thế rồi, “Suốt bao năm sau, Quách Tấn ròng rã kiếm tìm những bài thơ lưu lạc của Hàn. Nghe bất cứ nơi đâu có phong thanh là thi sĩ lặn lội tới tận nơi...dần dần các tập thơ... cũng lần lượt về tay khổ chủ. Năm 1987, tuyển tập Thơ Hàn Mặc Tử ra đời do Chế Lan Viên đề tựa và Quách Tấn giới thiệu. Một lời hứa, một ý nguyện đối với vong hồn bạn phải 45 năm sau mới thực hiện được. Dù muộn, nhưng thật chí tình, son sắt và trọn vẹn...” (
Hương thơm & Mật đắng, tr.46-53.)
(3) Địa chỉ trang:
http://www.mientrung.com/content/view/5270/132/(4) Trần Thị Huyền Trang giải thích thêm: “Rất nhiều người tưởng rằng Trường thơ Bình Định là một danh hiệu khác của Nhóm thơ Bình Định (tức Bàn thành tứ hữu). Sự nhầm lẫn đó xuất phát từ chỗ ý nghĩa của hai chữ “trường” và “nhóm”. Về ý nghĩa “trường” biểu thị cho một tập hợp có chung một khuynh hướng, “nhóm” cũng là một tập hợp nhưng không đòi hỏi sự đồng nhất về khuynh hướng (Hàn Mặc Tử,
Hương thơm và Mật đắng, NXB Hội nhà văn, 1990, tr. 54)