Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Lục bát
Thời kỳ: Hiện đại

Đăng bởi Vodanhthi vào 13/04/2010 18:23

Một thời đức Phật hóa duyên,
Bước chân giác ngộ miền miền kính tôn.
Dấu đi nở một sen hương,
Mỗi lời dựng một thái dương lòng người.
Dù nơi thành bãi chân trời,
Đâu đâu cũng thấm nhuần lời trí bi.
Một hôm có bọn mù kia,
Năm trăm người ngụ Xá-ly ngoại thành.
Nghĩ thân phúc đức mỏng manh,
Đui lòa kiếm bữa loanh quanh lần hồi.
Giờ nghe đức Phật hiện đời,
Khiến người sáng mắt nơi nơi thái bình.
Như trời dựng mở bình minh,
Như lòng mở hội nghĩ mình phúc duyên.
Bàn nhau kéo đến rừng thiền,
Về nương Tam bảo đạo hiền học tu.
Mong sao thoát được bệnh mù,
Nguyện thành Phật đạo Diêm-phù hóa khai.
Thắp truyền đuốc tuệ sáng soi,
6.750.  Mở tâm cứu giúp muôn loài mê tham.
Quyết lòng họp lại một đoàn,
Dắt nhau nhờ kẻ thuộc đàng đưa đi.
Gió mưa đói rét ngại gì,
Trèo non vượt suối chẳng nề khó khăn.
Kéo nhau sang Xá-vệ thành,
Một hôm gặp một dòng xanh sóng trùng.
Làm sao vượt được qua sông,
Ạt ào sóng dội bềnh bồng mây trôi.
Gã đưa đường bỏ đi rồi,
Bến sông còn lại bọn người dắt nhau.
Bàn quanh bàn quẩn lao xao,
Đến đây còn biết hướng nào lại qua.
Bấy giờ Phật ở miền xa,
Hào quang định lực tỏa ra bốn bề.
Thấy bọn mù đến sông kia,
Tìm cầu chính pháp chẳng nề gian nguy.
Phật liền nhập quán từ bi
Khiến cho muôn loại hướng về đạo tâm.
Tỉnh, quê khắp chốn xa gần
Bỗng dưng náo nức lòng dân kéo về.
Mây thành quạt lụa tàn che,
Người người thư thái khác gì hội hoa.
Làng ven sông đánh thuyền ra
Đưa người tàn tật vượt qua bến này.
Dắt nhau lặn lội đêm ngày,
Hướng theo chim hót tìm ngay cửa thiền.
Tới nơi, liền sạch oán phiền,
Nghe trong gió thoảng hương triền hoa khai.
Phút giây, chợt cả đoàn người
Mắt bừng sáng thấy rõ đài trầm hương
Giữa thành Xá-vệ mây vương,
Hào quang tỏa sáng mười phương ngời ngời.
Trông lên thấy Phật mỉm cười,
Bọn kia quì xuống lệ rơi nghẹn ngào.
Còn ngờ quáng mắt chiêm bao,
Non mê biển oán tay nào xô tan.
Dưới hoa, hiền giả A-nan
Thấy điều mầu nhiệm vô vàn mừng vui.
Thế tôn hiểu ý, mỉm cười:
“Kiếp xưa ta đã đưa người bao phen.
Mà người quá đỗi bon chen,
Che mắt thiên hạ đảo điên nghiệp dày.
Bây giờ thọ quả báo đây,
Mắt không ánh sáng một bầy theo nhau.”
A-nan hỏi lẽ nhiệm mầu,
Phật rằng “nhân quả trước sau chẳng dời.
Nghiệp nhân như chuỗi bóng sôi,
Lênh đênh bể ải nổi trôi dật dờ.”
Rồi ngài kể chuyện xa xưa
Có một hiền giả sớm trưa tu trì.
Một lòng đại trí đại bi
Khiến cho muôn thú cũng về cảm theo.
Nhà bên cửa núi cheo leo,
Đưa người vực núi sớm chiều ngại chi.
Cũng nhờ thiện lực từ bi
Khiến cho ác thú không hề hại ai.
Một hôm, có toán đông người
Nói là buôn bán tìm nơi đổi hàng.
Nhờ ông hướng dẫn vượt non,
Đi qua những lối xuyên sơn khó dò.
Hứa rằng sau mỗi chuyến đưa
Sẻ trao vàng bạc để mà đền công.
Ông cười: “nào tôi có mong
Bạc tiền đâu, chỉ cốt lòng giúp thôi.
Xưa nay qua lại bao người,
Nghề này nghiệp nọ kiếm lời nuôi thân.
Bây giờ các chú làm ăn,
Ta mong cũng giữ lòng nhân ý thành.
Bán buôn có lợi cho mình,
Mà người hữu ích, mới đành tâm ta.”
Bọn kia chính bọn gian tà,
Thói quen là những lọc lừa đảo điên.
Tài xoay trắng hóa thành đen,
Bao người sạt nghiệp vì tin lỡ rồi!
Giờ nghe ông nói những lời
Nghĩa nhân, nên vội đặt nhời nghĩa nhân
Rằng “chúng con rất thiện tâm,
Chưa hề có một lỗi lầm phiền ai.
Tới đây lạ cảnh lạ người,
Xin thầy đưa dẫn một đời nhớ ơn.”
Thế rồi lui tới luôn luôn,
Đèo cao, dốc hiểm, đường mòn quen chân.
Ngày kia, đến lúc hiền nhân
Gần lìa cõi thế, trối trăn bọn này
Rằng “ta sắp thoát trần đây,
Các ngươi xét lại tháng ngày đã qua.
Liệu mau hối cãi, cần tu,
Mai đây ta sẽ độ cho tâm thành.”
Bọn người kia chợt giật mình,
Bao nhiêu tội trước, thực tình ăn năn.
Quì bên xác lạnh hiền nhân,
Thiết tha sám hối chí tâm nguyện thề:
“Quyết theo đường sáng trí bi,
Đắp xây tuệ nghiệp, xa lìa mê tham.”
Kể xong Phật bảo A-nan:
“Thế nên trong kiếp trần hoàn như nay,
Bọn người kia lại tìm đây,
Mắt đang u tối sáng ngay như thường.”
Lau vàng lướt gió trầm hương,
Tiếng chuông tịnh lự chiều sương dâng mừng.
Núi xa vẳng gọi chim rừng,
Hòa theo nhạc suối tưng bừng hư không.


Phạm Thiên Thư thi hoá tư tưởng Dàmamùka Nidàna Sùtra (Kinh Hiền Ngu), Trần thị Tuệ Mai nhuận sắc.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]