Andre Chenien từng nhận định “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ”. Thật vậy, thơ ca là thế giới tâm hồn, tình cảm, là những rung cảm sâu sắc trước cuộc đời của nhà thơ; thơ ca thể hiện những tình cảm phong phú, những cung bậc cảm xúc đa dạng, những góc nhìn đa chiều của người nghệ sĩ trước cuộc đời.
Thêm vào đó thơ ca là nghệ thuật ngôn từ nên thơ ca được tạo nên bởi âm thanh, từ ngữ, hình ảnh sinh động, đẹp đẽ nhất. Cùng quan điểm đó, có ý kiến cho rằng “Thơ ca bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”. Bài thơ
Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh là bài thơ đã “bắt rễ từ lòng người, nở hoa nơi từ ngữ”.
Ý kiến trên bàn về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm thơ ca. Một tác phẩm thơ ca chân chính phải khởi phát từ tình cảm dạt dào của tác giả và được thể hiện bằng ngôn từ chắt lọc, chau chuốt. Thơ ca là tiếng nói chân thành của tình cảm. Thơ do tình cảm mà sinh ra. Thơ luôn thể hiện những rung cảm tinh tế, thẳm sâu trong lòng tác giả. Và để bài thơ thực sự đi vào lòng người thì lời thơ bao giờ cũng được chắt lọc, giàu hình tượng, có khả năng gợi cảm xúc nơi người đọc.
Vẻ đẹp ngôn từ chính là yêu cầu bắt buộc đối với thơ ca. Thơ ca khởi nguồn từ cảm xúc của tác giả trước cuộc sống, thăng hoa nơi từ ngữ biểu hiện. Cái lớp ngôn từ bên ngoài đẹp đẽ sẽ chỉ là một thứ vỏ không hồn nếu nó chẳng chứa đựng một nội dung cao cả gây xúc động lòng người. Thơ không chỉ là chiều sâu suy ngẫm mà còn là sự chắt lọc kết tinh nơi ngôn từ, thơ đẹp còn bởi ngôn từ đẹp, giàu nhịp điệu, hình ảnh, âm điệu, âm hưởng, nhạc điệu thơ…
Người nghệ sĩ lấy những cảm xúc chân thành của mình ra để viết nên những vần thơ đẹp làm rung động lòng người, có như vậy tác phẩm mới sống lâu bền trong lòng độc giả. Bài thơ
Ra vườn nhặt nắng của Nguyễn Thế Hoàng Linh là bài thơ có những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.
Người ông chiều chiều tha thẩn đi dạo trong vườn trong ánh nắng cuối chiều của mùa thu, phải chăng khi con người ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” thường hay lặng lẽ đón nhận tuổi già của mình cùng thiên nhiên? Và nắng cuối chiều cũng là hình ảnh ẩn dụ cho tuổi của ông – cái tuổi không còn tinh anh nữa…
Ông ra vườn nhặt nắng.
Tha thẩn suốt buổi chiều.
Ông không còn trí nhớ.
Ông chỉ còn tình yêu.
Bằng cái nhìn trẻ thơ, trong veo, ăm ắp yêu thương của đứa cháu nhỏ, khổ thơ gợi hình ảnh người ông đã già thường góp nhặt niềm vui tuổi già vào mỗi buổi chiều nơi khu vườn nhỏ, hoà mình cùng thiên nhiên, cùng giọt nắng chiều nơi vườn nhà. Cuộc đời ông đã trải bao thăng trầm nhưng đến khi về già ông thanh thản, chẳng mấy bận tâm về chuyện đời, chuyện người. Tâm hồn ông giờ đây trong veo như giọt nắng thu nghiêng nghiêng mà ông gom lại cho tuổi già thêm niềm vui.
Dù thời gian đã hằn in trên cuộc đời của ông, trí nhớ ông không còn minh mẫn nữa nhưng tình yêu thương trong ông không bao giờ vơi cạn, ông vẫn luôn dành cho con cháu tất cả yêu thương “Ông không còn trí nhớ/ Ông chỉ còn tình yêu”: bao yêu thương đong đầy ông dành cả cho đứa cháu nhỏ bên ông.
Khổ thơ gợi hình ảnh hai ông cháu một già một trẻ đang cùng cười vui, cùng nắm tay nhau đi dạo quanh khu vườn điều đó làm cho không gian thêm ấm áp, tình ông cháu thêm bền chặt.
Với con mắt quan sát tinh tế, tâm hồn nhạy cảm đứa cháu nhỏ cảm nhận về không gian mùa thu đã chạm ngõ:
Bé khẽ mang chiếc lá,
Đặt vào vệt nắng vàng.
Ông nhặt lên chiếc nắng,
Quẫy nhẹ, mùa thu sang.
Sắc vàng của lá hoà trong màu nắng tinh khôi làm nên vệt vàng lung linh, cả không gian như tràn ngập sắc vàng. Một chiếc lá vàng rụng xuống thật khẽ, thật nhẹ làm xao động không gian, xao động cả lòng trẻ thơ…
Đứa cháu nhỏ như hiểu ý ông “khẽ mang chiếc lá/ đặt vào vệt nắng vàng” để rồi “Ông nhặt lên chiếc nắng”, cả hai ông cháu cùng đón nhận mùa thu sang. Thu sang thật êm dịu, không gian thu đang chuyển mình để rồi “Quẫy nhẹ” âm thanh mùa thu, tiếng thu đang cựa quậy, chuyển mình, bước chuyển mùa cũng thật khẽ khàng và dịu êm.
Bài thơ là giọt lòng của đứa cháu nhỏ dành cho người ông kính yêu của mình. Đó chính là giọt trong vắt của yêu thương. Chính phép màu của yêu thương đã thu niềm vui tuổi già của ông vào trong giọt nắng. Bởi yêu thương tạo ra mọi kì diệu cả trong cuộc đời và trong nghệ thuật. Bài thơ
Ra vườn nhặt nắng là sự cất tiếng của yêu thương để bồi đắp cái gốc yêu thương cho con người!