Trong những bài thơ, hình tượng của nhân vật tác giả thể hiện đều liên hệ trực tiếp tới nội dung tác phẩm. Thông qua những hình ảnh, âm thanh hay mùi hương quen thuộc, người ta có thể bày tỏ tình cảm của mình tới hiện thực. Trong bài thơ Ra vườn nhặt nắng của tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh, hình ảnh nhân vật người ông xuất hiện trong cả bài thơ, cũng nói về một tuổi thơ gắn với hình ảnh người ông của tác giả.
Ra vườn nhặt nắng là một “hành động” được coi là phi thực tế. Đầu tiên, bởi nắng không phải là thực thể, con người không thể chạm tới được. Ra vườn nhặt nắng là một chuỗi hành động kế tiếp nhau, có tính liên kết với nhau. Dùng nó làm nhan đề một bài thơ quả thực rất thú vị.
Người ông được tác giả miêu tả xuất hiện ngay sau chuỗi hành động ra vườn nhặt nắng ở nhan đề. Khung cảnh một buổi chiều ngày hè nắng vàng rực rỡ, người ông thong thả ra vườn, nhặt từng mảnh mùa hạ. Không hiểu vì nguyên nhân gì đó, hành động này được lặp lại cả buổi chiều. Tha thẩn là tính từ, thể hiện sự từ tốn, nhưng cũng thể hiện sự không để tâm vào việc mình đang làm. Vậy lý do gì khiến ông trong buổi chiều ấy không nghỉ ngơi, mà lại ra vườn nhặt nắng?
Trong hai câu thơ âu của khổ 1, tác giả đã đưa ra lý do của hành động đó. “Ông không còn trí nhớ / Ông chỉ còn tình yêu.” Ta có thể lý giải rằng, người ông tuổi đã cao, trí nhớ không còn tốt như xưa nữa. Người già tính tình cũng rất giống trẻ con, thay đổi thất thường. Không hiểu được ông ra vườn để làm gì cả. Chính vì vậy, tác giả lại càng làm nổi bật lên hình ảnh người ông với đầy ắp tình yêu thương. Gia tài của ông còn lại chỉ có một một tình yêu với các cháu, với thiên nhiên, với người bạn già và cả ánh nắng rực rỡ ngày hạ.
Hình ảnh của nhân vật thứ hai xuất hiện. Đó chính là người cháu của ông, một cậu bé dễ thương và cũng vô cùng tinh tế. Để không làm phiền ông, cậu bé “khẽ” mang chiếc lá đặt vào trong nắng. Dường như, tình cảm của người cháu cũng đầy ắp, phủ kín của chiếc lá vàng. Sau đó, tình cảm đó cũng được ông cầm lên. Vậy là, nhờ tình cảm của hai người, mùa hạ nắng gắt lui đi, để lại mùa thu mát mẻ.
Tác giả sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ, nhất là chiếc lá và những vạt nắng cuối hạ. Chúng góp phần làm cho tình ông cháu thêm sâu sắc, cũng khiến cho tuyến tình cảm trong bài được bộ lộ càng rõ ràng. Câu văn được sử dụng rất giản dị, quen thuộc và gần gũi với độc giả. Chiếc lá, chiếc nắng được tác giả miêu tả rất khéo. Dường như, nhờ tình yêu thương của hai ông cháu, ánh nắng ấy cũng hoá thành thực thể.
Chỉ với hai đoạn thơ không dài, tác giả Nguyễn Thế Hoàng Linh đã cho chúng ta thấy được vẻ đẹp của mùa thu, vẻ đẹp của tình thân. Chẳng phải những gì quá cao cả hay xa lạ, tất cả hiện hữu xung quanh ta với một hình hài đơn giản nhất. Bài thơ thành thành công khiến cho người đọc thấy cảm động và ấn tượng với nội dung và cách hành văn của mình.