Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Phạm Tâm An
Khóc đi! Khóc một mình thôi
Để cho nước mắt cuốn trôi muộn phiền
Trải bao sóng gió, đảo điên
Xót xa đau vỡ cả miền tâm linh.
Khóc đi, hãy khóc một mình
Để cho thanh thản lặng thinh theo về
Biết hồn còn chút u mê
Trần gian bụi bặm bộn bề rủi may.
Khóc đi cho nhẹ lòng này
Đã là số kiếp - đắng cay ai lường?!
Cuộc đời muôn nỗi đoạn trường
Trời cao, đất rộng... đâu đường cỏ hoa?!
Thương mình, nghĩ nỗi can qua
Biết buồn rồi sẽ nhạt nhoà dần thôi
Hôm nay khóc một mình rồi
Để mai cười với mọi người quanh ta
Khóc đi, hãy khóc mặn mà
Ngày mai sẽ thấy đời là chốn vui!
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi ...!!!... ngày 25/04/2009 04:02
Có những lúc tôi muốn khóc, khóc thật to để át đi những tiếng lòng sầu muộn đang chực trào ra, nhưng nước mắt vô tình lại lặn cả vào trong. Cũng có khi tôi cố nén lòng lại để ngăn những xúc cảm dâng lên từ sâu thẳm trái tim, nhưng nước mắt cứ tự nhiên lăn dài…
Có lẽ, khóc là một đặc ân mà tạo hóa đã ban tặng cho loài người. Đôi khi biết khóc, được khóc lại là hạnh phúc. Một kẻ giết người chỉ có thể khóc khi lương tri hắn trở về. Một kẻ lang thang khóc khi bước chân đến bậc thềm nhà sau bao ngày lang bạt… Người ta khóc khi mất đi niềm tin, mất đi hạnh phúc, nhưng cũng không thể ngăn nổi nước mắt trong những phút giây hạnh phúc…
Nhưng, tôi muốn nói đến một kiểu khóc khác hơn. Đó là “khóc một mình”! Khi đã quá nhiều đau khổ chất chồng lên số kiếp, khi cuộc sống bộn bề những rủi may… thì nước mắt có lẽ là thứ thuốc hữu hiệu nhất để rửa trôi mọi muộn phiền. Dường như Phạm Tâm An đã cảm nhận được điều ấy, nên từng câu thơ của chị cứ hiện lên nhẹ nhàng như một lời an ủi vỗ về…
“Khóc đi! Khóc một mình thôi
Để cho nước mắt cuốn trôi muộn phiền
Trải bao sóng gió, đảo điên
Xót xa đau vỡ cả miền tâm linh”
Chẳng hiểu tác giả đang vỗ về an ủi ai đó hay chỉ là tự nói với mình: “Khóc đi! Khóc một mình thôi”. Một lời mời gọi, thoáng nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng ngẫm lại sao chân thành quá! Câu nói giản dị như mở cả một cõi lòng. Bởi ngay lúc ấy, con người bên cạnh nhà thơ (hay cũng chính là tác giả?) đang chất chứa những muộn phiền chỉ chực được trào ra để vơi đi đau khổ. Thế thì hà cớ gì lại phải kiềm nén, phải nín nhịn để nỗi đau âm ỉ mài mòn tâm hồn và thể xác! Sao lại không “Để cho nước mắt cuốn trôi muộn phiền”! Có lẽ, trong hoàn cảnh ấy, chỉ có nước mắt là thứ duy nhất có thể chữa lành vết thương, vì những nỗi đau đang oằn lên trong tâm tư con người ấy là quá lớn:
“Trải bao sóng gió, đảo điên
Xót xa đau vỡ cả miền tâm linh”
Cuộc sống muôn màu, và không nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Nỗi đau của nhân vật ở đây cũng thế. Khó gọi thành tên, nhưng sức công phá của nó đối với con người lớn vô cùng: đau đến “xót xa”, đến “vỡ cả miền tâm linh”. Dường như con người ấy đã cố chịu đựng nỗi đau từ lâu lắm, và giờ đây, chúng tích tụ thành khối, thành mảng trong cõi lòng nhà thơ… để khẽ chạm thôi, chúng cũng vỡ òa thành nước mắt…
Thi nhân lại tiếp tục vỗ về con-người-đau-khổ ấy:
“Khóc đi, hãy khóc một mình
Để cho thanh thản lặng thinh theo về
Biết hồn còn chút u mê
Trần gian bụi bặm bộn bề rủi may.”
“Khóc đi”, hãy khóc để giũ bỏ nợ trần, để phủi sạch âu lo, để cho “thanh thản lặng thinh theo về”, bởi “sau cơn mưa trời lại sáng”. Sau những phút sống thật với mình, có lẽ người ta sẽ tỉnh táo hơn, thanh thản hơn để mà bước tiếp… Tác giả tự an ủi bằng những lý lẽ rất đỗi hiển nhiên “trần gian bụi bặm bộn bề rủi may”! Cuộc đời là vô thường, và con người thì quá nhỏ bé để có thể thay đổi những điều gọi là định mệnh, là số kiếp, là may rủi. Một chút an phận không làm nhân vật trở nên yếu đuối, mà trái lại, càng làm con người mạnh mẽ hơn để vượt qua sóng gió. Cái lý lẽ đưa ra thật khéo léo, bởi những lúc con người ta sắp ngã, thì điều tốt nhất nên làm là tìm một nơi để bám víu chứ không phải là cố gắng vạch ra nguyên do tại sao mình ngã! Hiểu được quy luật tâm lý ấy mới thấy, tâm hồn nhà thơ quả thật chẳng “u mê” chút nào! Ngược lại, càng đọc, càng suy ngẫm, càng cảm nhận sâu sắc sự tinh tế trong ngòi bút tác giả:
“Khóc đi cho nhẹ lòng này
Đã là số kiếp - đắng cay ai lường?!
Cuộc đời muôn nỗi đoạn trường
Trời cao, đất rộng... đâu đường cỏ hoa?!”
Một lần nữa, nhà thơ lại nhắc đến “số kiếp”, đến “đắng cay”, nhưng không phải nhắc đến để mà chua chát bản thân, mà là đang vạch tìm lối đi trong cõi âm u của cuộc đời. “Trời cao, đất rộng” – tức là sẽ còn những lối khác cho chúng ta đi, đâu nhất thiết phải băng mình vào ngõ tối! “Đường cỏ hoa” vẫn còn phía trước… Và dường như tác giả đang tự mỉm cười:
“Thương mình, nghĩ nỗi can qua
Biết buồn rồi sẽ nhạt nhoà dần thôi
Hôm nay khóc một mình rồi
Để mai cười với mọi người quanh ta”
Đến đây, nhân vật đã gần như tỏ tường được cái lẽ tất yếu của cuộc sống: “Biết buồn rồi sẽ nhạt nhoà dần thôi”. Mọi thứ rồi cũng sẽ trôi vào quá vãng. Mọi nỗi đau rồi sẽ được thời gian gội rửa… Không có hạnh phúc vĩnh hằng thì cớ sao lại phải mãi ôm niềm đau quá khứ! Chi bằng, hãy khóc một mình, khóc thật nhiều trong hôm nay, rồi ngày mai lại vui, lại cười với cuộc đời:
“Hôm nay khóc một mình rồi
Để mai cười với mọi người quanh ta”
Thoáng nhìn, cứ tưởng nhân vật đang chơi trò hai mặt với cuộc đời, bởi hôm nay vừa “khóc một mình” đấy, ngày mai lại “cười với mọi người quanh ta”. Nhưng không, rõ ràng nhà thơ đang nói những điều rất chân thành. Hôm nay khóc, nhưng chỉ là khóc để cuốn trôi đau khổ, để làm mới mình, làm mới tâm hồn. Và ngày mai chính là bình minh của cuộc đời. Nhân vật sẽ cười bằng tất cả những tươi mới của bản thân chứ không phải là nụ cười giả tạo. Rõ ràng nhà thơ đang ngộ ra điều đó:
“Khóc đi, hãy khóc mặn mà
Ngày mai sẽ thấy đời là chốn vui!”
Đời mãi là chốn vui cho nhân gian trú mình trong ấy. Và những thất vọng, những khổ đau… chỉ là khúc ngoặt của đời người. Đừng trốn chạy, hãy mạnh mẽ đối diện với điều tất yếu ấy. Chỉ cần lắng lòng mình lại, rồi tự ghé vào một góc khuất của tâm tư, và khóc thật nhiều… sẽ thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản… Rồi lại bước tiếp, lại hòa mình vào dòng đời hối hả…
Tự dưng, tôi cũng muốn nhủ với lòng hãy “khóc đi” để lòng nhẹ nhàng hơn…
Phan Thị Cẩm Tú
Email: phantubd@yahoo.com.vn