Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Phương Đình
Đăng bởi tôn tiền tử vào 22/12/2018 21:18
Quê hương
Có dòng sông êm chảy
Mang mảnh hồn làng qua mấy nương dâu
Những bờ tre nghiêng xuống mấy nhịp cầu
Bến nước trong xanh mướt tình thôn dã.
Ngày mùa lên, hương đồng vương mái rạ
Câu chuyện vui buồn bên cối cớm thơm.
Những buổi chiều xanh gió lộng vào hồn
Tiếng sáo gió thiết tha dìi dặt nổi
Khi bóng cây đa đầu làng xẩm tối,
Trăng lên rồi,
Và nắng tắt trên đồng xa…
Em chạy tung tăng tắm ánh trăng ngà
Theo gót mẹ ra chùa lễ Phật
Gió lướt nhẹ trên hồ sen bát ngát
Em hỏi me rằng:
“Có mấy ông Trăng?”
Me mĩm cười khẽ bảo:
“Gái cho ngoan
Chớ có hỏi mà dì Trăng đi mất!”
Em nũng nịu và thẹn thùng cúi mặt
Sợ trăng buồn, trăng mách với ba em!
Theo mẹ vô chùa. Em chả dám quên
Tay chắp lại và… lâm râm khấn vái.
Bỗng cơn gió vương hương ngan ngát lại
Em nhớ trăng vàng, em nhớ hồ sen
Nhớ những đêm trốn mẹ để đua thuyền
Chiếc thuyền bé bằng cánh sen hồng nhạt.
Em lặng đứng bên bờ hồ bán nguyệt
Nhìn thuyền trăng chở ngập ánh trăng vàng.
Tiếng cầu kinh của mẹ vẫn ngân vang
Và đêm ấy, Em là nàng Tiên nhỏ
(Em mơ thấy một bầy Tiên nữ
Dìu em đi trong nhạc khúc Nghê Thường
Một nàng Tiên, Em nhớ rõ: Liên Phương
Đã gọi em là: Bạch Vân Tiên nữ)
Có những trưa dài, cây im, bóng rủ
Em nhìn trời xanh mây trắng lang thang
Đếm bước vu vơ với mấy cây bàng
Nghe ve ran trong tàng cây bóng mát
Trên từng cao, con hoạ mi thánh thót
Bên đình làng bươm bướm luyến nhau bay
Oi, quê hương thương nhớ những năm dài
Kể từ buổi quê em bừng lửa loạn
Em đã đi qua
Dưới những làn mưa đạn
Qua những xóm làng
Nhà trống
Vườn không
Rồi một sớm mai nắng nhẹ vương hồng
Theo gót mẹ, em giã từ quê củ
Em nhớ lắm những mùa trăng viễn xứ
Nhớ bóng đình làng, nhớ bóng hồ sen
Nhớ chiếc cầu nho nhỏ bắc ngang sông
Nhớ hoa gạo, nhớ cành bàng sây trái
Những kỷ niệm của một thời thơ dại
Nay có còn đâu nữa, phải không anh?
Em đã lớn giữa miền Nam yêu mến
Giữa phố thị đêm nay ngùi nhớ đến
Quê hương em chìm dưới đáy sa mù
Biết làm sao trút hết được ưu tư
Của em gái thiếu quê hương anh nhỉ!
Luân lạc mười năm, xót thương vạn kỷ.