Chiếc lá đầu tiên của nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm là một trong những bài thơ được các thế hệ học trò yêu thích. Thi sĩ giờ đã bước vào mùa thu cuộc đời nhưng trong đôi mắt anh mãi còn cái xôn xao mùa hạ.
* “Em thấy không tất cả đã xa rồi - Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ….”
Chiếc lá đầu tiên có phải là sáng tác đầu tay của anh? Và anh thai nghén thi phẩm này trong bao lâu?
-
Chiếc lá đầu tiên (ban đầu có tên là
Trường ơi, chào nhé) không phải là sáng tác đầu tay của tôi. Thường thì tôi viết khá nhanh, như
Sông thương tóc dài được nhiều người chép vào sổ tay: “…Mai đành xa sông Thương thật thương/ Mắt nhớ một người, nước in một bóng/ Mây trôi một chiều, chim kêu một giọng/ Anh một mình - náo động - một mình anh”, tôi chỉ viết trong khoảng 5-10 phút.
Còn
Chiếc lá đầu tiên có lẽ là một trong những bài thơ của tôi được thai nghén lâu nhất: hơn 10 năm. Tuy nhiên, 2 khổ thơ đầu được viết khá nhanh, đúng ra, không phải là tôi viết mà chỉ là chép lại cảm xúc, cảm xúc dào dạt quá. Còn những câu thơ sau tôi viết thong thả trong nhiều năm.
* Trong 2 khổ đầu được viết rất nhanh ấy, có không ít câu thơ đã gieo dấu ấn sâu đậm trong nhiều độc giả. Thí dụ: “Sân trường đêm - Rụng xuống trái bàng đêm”. Anh đã gửi gắm điều gì trong câu thơ này?
- Ngay từ khi bỡ ngỡ bước chân vào lớp 1, cây bàng đã để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi như người lính gác tuổi thơ. Ấn tượng ấy cứ theo tôi mãi để rồi 12 năm sau trái bàng mới rụng xuống trang thơ tôi trong nỗi nhớ bâng khuâng.
* Trong bài thơ, anh đã gọi tên nỗi nhớ của 12 năm ngồi trên ghế nhà trường: Nhớ lớp học bâng khuâng màu xanh rũ, nhớ những trò đùa “nhất quỷ nhì ma”, nhớ thầy cô, bạn bè… nhưng có lẽ nỗi nhớ tạo thi hứng, làm điểm tựa cho bài thơ là nỗi nhớ về em. “Em” trong bài thơ thực hay hư?
- (Cười). Bản chất của rung động đầu đời vốn là mơ hồ. Thế nên tôi mới viết: Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu. “Có lẽ” thôi, ai dám khẳng định “chắc chắn” bao giờ. Và lại yêu qua sự báo tin của tiếng ve vô tình. Trong hai khổ thơ đầu, có hai câu thơ tôi gửi gắm nhiều nỗi bâng khuâng mùa hạ: “Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay – Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước”.
* Có người ví: “tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu” mỏng mảnh dễ tan vào sương khói. Còn anh?
- Tình yêu đầu là cảm xúc tinh sương của đời người. Nó không đơn giản là tình yêu nam - nữ thuần tuý, nó cao hơn thế nhiều, vì trong đó còn có cả tình bạn. Nhưng cũng hơn cả tình bạn, nó còn là tình người… Thật khó để gọi thành tên, nguồn cảm xúc rưng rưng ấy một đi không trở lại, như không ai có thể tắm hai lần trên một dòng sông.
* Anh tâm đắc nhất những câu thơ nào trong bài thơ?
- Tôi tâm đắc tất cả những câu thơ trong bài thơ này. Nhưng… (ngẫm nghĩ) tôi thích nhất khổ thơ cuối. Đất nước chiến tranh, tôi cũng như bao người trẻ thời đó xung phong tình nguyện nhập ngũ. Vào bộ đội trải qua trăm trận đánh, trăm lần bom đạn dập vùi, để đến một ngày đất nước không tiếng súng, tôi trở về trường xưa.
Cây bàng xưa vẫn đó, nhưng cái ngày xưa yêu dấu của tôi với phượng hồng, với ve kêu vĩnh viễn không bao giờ trở lại và em… em cũng xa. Người ấy đã đi lấy chồng. Khổ thơ cuối đã bật lên tất cả cảm xúc dồn nén của tôi: “Em đã yêu anh, anh đã xa vời/ Cây bàng hò hẹn chìa tay vẫy mãi/ Anh nhớ quá! Mà chỉ lo ngoảnh lại/ Không thấy trên sân trường chiếc lá buổi đầu tiên”.
* Hình ảnh hoa phượng xuất hiện khá nhiều lần trong sáng tác của anh? Anh có thể lý giải điều này?
- Ngay trong bài thơ gần đây, chính là bài kết cho tập thơ sắp xuất bản của tôi, cũng khắc khoải với phượng, có nhan đề:
Cho phượng năm xưa. Thơ ca theo tôi quan trọng là đôi mắt nhìn. Tôi vẫn chưa hết bâng khuâng. Tôi vẫn tìm thấy trong mùa hạ phượng vẫn hồng như máu những năm xưa. Chiếc lá nào với tôi cũng là chiếc lá đầu tiên, mối tình nào với tôi cũng mãi còn cái hồi hộp, xôn xao của mối tình thứ nhất.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]