Đăng bởi Lilia vào 27/03/2011 08:59
Đó là cuộc gặp gỡ giữa Agnes, Kundera và H. Như thường lệ, động tác của Agnes đã đưa Kundera vào một cơn diễn giải mà mỗi diễn giải chàng thốt ra chỉ làm H nực cười bởi thông qua đó, H, một nhà thơ, đã hiểu rằng chàng, Kundera, một nhà văn, từng bất lực đến thế nào, từng cô độc đến thế nào, từng cố gắng đến thế nào nhưng không bao giờ có thể thoát khỏi mê cung của các chỉ hiệu do chính tay mình tạo nên bằng nỗi dốt nát sinh ra từ một trí tuệ chỉ có phương tiện song lại phải đối mặt với cơn khát khao mục đích, do vậy, vĩnh viễn chìm vào một bi kịch có tên là “Đôi-Chân-Đánh-Mất-Bước-Chân”.
Đó là cuộc gặp gỡ giữa Agnes, Kundera và H. Như thường lệ, sự im lặng của H đã toả ra một vòm trong lạnh phủ che toàn bộ các động tác của H và thế là ở phía ngoài vòm trong lạnh ấy Kundera và Agnes — vì không còn trông thấy H nữa — đã bị cuốn vào một cuộc quyến rũ lẫn nhau dựa trên ám hiệu mà đỉnh cao của nó là sự diễn giải sai bắt nguồn từ các trích dẫn đúng, sự mô tả đúng bắt nguồn từ các cảm xúc giả tạo và các quyết định cực kỳ mơ hồ bắt nguồn từ một bảng tổng hợp chính xác đến từng dấu hoa thị. Thế rồi, trong một khoảnh khắc lạ lùng và đột ngột nhất, cả ba chợt cùng thấu hiểu cái nỗi u buồn ấy, có tên là “Khe-Sâu-Giữa-Bề-Mặt-Và-Ý-Nghĩa”.
Đó là cuộc gặp gỡ giữa Agnes, Kundera và H. Như thường lệ, sự rạch ròi mang nhãn hiệu Hy-La của Kundera — nguồn cơn tước đi của chàng giải Nobel — đã làm cả Agnes, kẻ yêu thích mọi-hình-thái-có-tốc-độ-cực-chậm lẫn H, kẻ căm ghét mọi-tốc-độ-có-hình-thái-định-trước, bị bắt buộc phải đối diện với nhau trong một không gian phẳng triệt để phi ẩn dụ, nơi mà, lời lẽ, ngay khi chỉ mới định nẩy chồi trong não, đã lập tức héo quắt ngoài hiện thực, ngay khi chỉ mới định toả hương ngoài hiện thực, đã lập tức úa tàn trong ký ức và ngay khi chỉ mới định kết tủa trong ký ức, đã lập tức bốc hơi vào lãng quên. Rốt cục, cả Agnes và H cùng bị ném ngược trở lại phía ngoài cánh cửa khắc hàng chữ “Nhà-Gương”.