Có lẽ ít nhà thơ nào lại viết nhiều về máu và về trăng như Hàn Mặc Tử. Tôi chỉ thử nhớ lại một số bài, một số câu, đã thấy những cách nói, những hình ảnh về máu, về máu, về trăng trong thơ anh, thật muôn màu muôn vẻ.

Đây là về máu: mặt nhật tan thành máu; phượng nở trong máu huyết; điên cuồng mửa ra máu; xin dâng này máu đang tươi; kìa ai gánh máu đi trên tuyết; bóng em chởn chờ trong bao nhiêu máu; Đứng ngửa tay và hứng máu trời sa; mửa ra từng búng huyết; bao nét chữ quay cuồng như máu vọt; máu đã khô rồi, thơ cũng khô v.v...

Và đây là về trăng: Trăng nằm sóng soải trên cành liễu; ăn vận toàn trăng; bóng trăng quỳ; cả miệng ta trăng là trăng; trăng tái mặt; trăng rơi lả tả trên cành; nước biển thành trăng, trăng ra nước; hãy nhập hồn em vào bóng nguyệt; dìm hồn xuống một vũng trăng; với sao sương, anh nằm chết dưới trăng; một nửa trăng ai cắn vỡ rồi; ta cười sặc sụa cả mùi trăng; ngủ với trăng; chơi trên trăng; trăng, trăng, trăng là trăng, trăng, trăng, trăng v.v...

Hàn Mặc Tử viết về máu thường là để nói đến nỗi đau tứa máu của mình; còn về trăng thường là để nói về người yêu, tình yêu. Cái mâu thuẫn chính, oái oăm khắc nghiệt, không cách nào giải quyết nổi của cuộc đời Hàn Mặc Tử kể từ khi anh mắc bệnh hủi (một trong bốn chứng bệnh nan y thời bấy giờ) là cái mâu thuẫn giữa hai cái chất liệu máu và trăng ấy. Đó là cái mâu thuẫn gữa cái yêu hết mình, cái đẹp đẽ ở tình yêu (trăng) và sự bất lực của cơ thể đang đau, đang càng ngày càng hao mòn rơi rụng (máu).

Mai Đình trong bài Trăng cũ (viết sau khi Hàn Mặc Tử mất) đã có những câu thơ như để đúc kết về cuộc đời và thơ của Hàn Mặc Tử: Từng tập thơ xưa, từng tập thơ; Từng trang lệ huyết ngấn trăng mờ. Đúng là như vậy, hầu như với Hàn Mặc Tử, trong thơ Hàn Mặc Tử trăng và máu cứ song song đi bên nhau, tồn tại bên nhau...

***

Trời hỡi bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ mặt nhật tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tơ si
Trong một bài viết về Hàn Mặc Tử, Trần Thanh Mại có một nhận xét tinh tế: “Hàn Mặc Tử có một thính giác đặc biệt để nghe được cả hơi thở của một cành lá hay tiếng chạm nhau của hai đường tơ ánh sáng”. Cũng từ đó mà tâm hồn Hàn Mặc Tử dễ rung cảm, dễ xúc động trước cái đẹp, trước tình cảm của mọi người đối với mình... Và anh muốn đáp đền lại mà không đáp đến nổi. Vì vậy nên Hàn Mặc Tử muốn tim mình, khối lòng mình cứ cứng tợ si (cứng tựa si) để đừng rung cảm, xúc động gì nữa. (Cứng tợ si là rất hay, chứ nếu cứng như đá, như sát thì đá và sắt khi gõ vào, còn có âm vang tình cảm, chứ cứng tợ si, thì gõ vào chỉ nghe cành cạch, rất dễ vỡ vụn ra, vì si, cái chất để gắn các phong bì, cái bưu phẩm, vốn rất dòn...).

Tâm trạng của Hàn Mặc Tử là tâm trạng của người dù trong trường hợp nào cũng bị đau, cái khổ bao vây, ngay trong những điều rất may mắn là được người khác yêu vì. Càng được yêu vì, càng khổ vì không đến, không đáp lại được như mình mong muốn... Và lẽ dĩ nhiên, không được yêu vì nữa thì càng đau khổ hơn!!!
Họ đã đi rồi, khôn níu lại
Lòng thương chưa đã, mến chưa bưa
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ
Có mấy chữ sau đây làm tôi chú ý: họ và người. Với họ thì tác giả chỉ thương và mến chứ không yêu; còn với người, thì không nói ra chữ yêu, nhưng với trạng thái một nửa hồn tôi mất, một nửa hồn tôi bỗng dại khờ thì chắc đó là người yêu rồi.

Yến Lan trong một bài hồi ký có cho biết là bài Những giọt lệ Hàn Mặc Tử đã viết sau buổi Chế Lan Viên và Yến Lan ghé thăm anh tại một cái lều nhỏ, nằm cô độc một mình (trên một cái động cát, có trồng phi lao) vì không ai dám đến gần người bị hủi... Có lẽ sau cái vui ngắn ngủi được trò chuyện với hai người bạn thơ, khi họ ra về mà khôn níu lại được, mà lòng thương chưa đã, mến chưa bưa (chưa vừa). Thì Hàn Mặc Tử lại cảm thấy vô cùng cô đơn, và chợt nghĩ đến những phút chia tay với người mình yêu và cảm thấy “một nửa hồn bị mất, một nửa hồn bị dại khờ (như vậy có thể xem như là mất hết).

Đọc lại bài thơ này và nhớ lại những bài thơ khác, tôi bỗng cảm nhận thêm một điều này nữa về Hàn Mặc Tử. Hình như từ ngày lâm bệnh nặng, đối với các bạn trai, Hàn Mặc Tử muốn họ là người có thật còn với người yêu thì anh chỉ muốn người ấy chỉ là trăng, là thượng thanh khí (1) để tâm hồn anh có thể hoà nhập vào... Nhưng đó chỉ là mong ước, còn người yêu của anh, thì vẫn là người. Với tất cả sự lành lặn, đẹp đẽ, và xót xa thay, lúc ở kề ngay bên anh, anh vẫn cảm thấy có sự cách trở, do bệnh tật gây nên...

Cái tâm trạng đau khổ đến cùng cực ấy đã khiến nhà thơ sống mà như chết, tỉnh mà như mê:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Nhưng điều rất không ngờ là Hàn Mặc Tử, dù đau khổ đến dường ấy vẫn không bao giờ muốn tự mình mang cái chết đến cho mình. Trời hỡi bao giờ tôi chết đi thì rõ ràng đó là cái chết bình thường tự tạo. Bao giờ là không định trước được. Và dù đau khổ đến mấy, Hàn Mặc Tử vẫn muốn sống, dù phải sống rất bơ vơ. Vậy nên mới có cái cảm giác:
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Trời thì vẫn ở trên cao. Nhưng ở đây thì lại ở dưới thấp, dưới sâu. Con người là tôi ở giữa cái bầu trời vừa bao la vừa sâu thẳm ấy sao mà đơn côi, bé nhỏ. Câu thơ đọc lên nghe quặn cả ruột.

Nhưng cũng từ câu thơ này, tôi thấy lộ ra cái triết lý sống của Hàn Mặc Tử. Với anh, lúc nào anh cũng muốn sóng với bầu trời. Dù cao, dù thấp (khi sống, khi chết) cũng là bầu trời. Qua thơ và cả cuộc đời, tôi thấy anh sống thật dũng cảm, không hề bị luỵ. Anh tin ở cái đẹp, ở thơ ca, ở tình bạn, ở lòng nhân ái của con người. Nhờ đó, anh đã chấp nhận tất cả mọi thiệt thòi, mọi tai ương, vượt lên trên chúng, để sống thật hết mình, và thật thanh cao. Có lẽ vì vậy mà khi nhắc đến Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Tế Hanh và nhiều nhà thơ khác thường đã tặng anh hai chữ cao cả (Isublime).

Hai câu cuối cùng trong Những gọt lệ phần nào cũng đã chứng minh thêm cho điều đó chăng:
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?
Hoá ra những giọt lệ thương cảm nhỏ xuống lòng nhà thơ chẳng khác là những bông hoa phượng vĩ đỏ thắm, đỏ cả miền Trung, đỏ cả Quy Nhơn, nơi nhà thơ đã sống suốt cả tuổi thơ, suốt cả tuổi trẻ của mình, cho đến ngày vĩnh biệt cuộc đời. Hai câu thơ vừa đặt câu hỏi, vừa tự trả lời. Và như đã thành một lời cám ơn, xúc động đến nghẹn ngào, của tác giả đối với thiên nhiên, đối với con người.

Có lẽ nói Những giọt lệ chỉ có mười hai câu, mà đủ sức chứa đựng, phần chủ yếu, tâm trạng của cả một đời Hàn Mặc Tử.

Hà Nội 12 - 1991

Báo Văn nghệ 8-222-1992

(1) Tên một tập trăng của Hàn Mặc Tử.