Là một trong những đứa con tinh thần được ông yêu thích nhưng vì sao nhà thơ lại ít nhắc đến “Trước biển”?

Tôi yêu thích “Trước biển” vì tôi biết đây là bài thơ nói được nhiều điều, nói về cuộc đời và tình yêu chứ không đơn thuần nói về hàng hải hay hải sản, thuỷ sản.

Nhưng khi đi nói chuyện về thơ ca, tôi ít nhắc tới “Trước biển” vì bài thơ dài gần 60 câu. Thường thường, tôi chọn những bài ngắn khoảng hơn chục câu, thậm chí ngắn hơn.


Dù ít được giới thiệu nhưng “Trước biển” vẫn đi vào đời sống, nhất là sự hiện diện của bài thơ trong đề thi Ngữ văn năm nay. Nhà thơ thấy sao?

Quả thực, tôi đã hơi ngạc nghiên khi có một người tri kỷ nào đó đã nhận ra và đưa bài thơ vào đề thi năm nay. Và, tôi vui ở trong lòng nhưng cái chính là thấy được sự tin tưởng ở người đọc.

Chẳng phải sao trong khi tác giả ngại ngần về độ dài mà ít nhắc đến bài thơ để rồi đã phải bất ngờ khi “Trước biển” vẫn được mọi người chép trong sổ tay thậm chí thuộc làu cả trăm câu.

Ví dụ trong buổi giới thiệu sách cách đây mấy năm ở Hội Nhà văn Việt Nam, một người đã đọc bài thơ này, đọc liền một hơi. Hay như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng có lần bảo, lúc còn học phổ thông khi đọc bài thơ này anh ấy đã lấy giấy chép cả bài lại để lưu.

Nhất là, cách đây độ 20 năm, tôi đi nói chuyện ở một vùng nông thôn Phú Thọ. Độc giả có cả bà con nông dân và các giáo viên đến nghe.

Tan buổi nói chuyện, một phụ nữ độ 40 tuổi, đi xe đạp đằng sau có đèo 2 cái sọt để tranh thủ mua rau, các lá cải già mang về nấu cám cho lợn. Bà ấy hỏi tôi, sao buổi này nhà thơ không nói về “Trước biển”?

Tôi đã rất ngạc nhiên vì một người phụ nữ sống ở thôn quê, chân tay nứt nẻ vì việc đồng áng mà lại biết, lại hỏi đến bài thơ tôi có giới thiệu bao giờ đâu? Tôi liền hỏi, thế bà đọc bài thơ này ở đâu? Bà ấy bảo đọc thời sinh viên. Hỏi thêm thì hoá ra bà ấy vốn là sinh viên của đại học sư phạm và 10 năm qua dạy học ở huyện đó. Tôi đã rất cảm động trước niềm yêu mến với “Trước biển” của cô giáo ấy.

Từ mấy hiện tượng đó cùng với việc ra đề hôm nay tôi mới thấy rằng, người làm thơ bao giờ cũng có hạnh phúc là tác phẩm nào có được sự hấp dẫn thì người đọc không bỏ sót đâu.

Có thể, người này bỏ sót thì người kia lại tìm ra. Cho nên các nhà thơ cứ yên tâm rồi bạn đọc sẽ sàng lọc, sẽ nhận ra được cái giá trị, nếu quả thực là tác phẩm đó có. Nhà thơ cứ tin vào sự công bằng, tin vào sự khám phá của người đọc.


Bài thơ “Trước biển” được nhà thơ sáng tác trong hoàn cảnh nào?

Đầu những năm 1970, tôi vẫn công tác bên ngành y tế. Một dịp, dự hội nghị bàn về y tế trong ngành than ở Bãi Cháy, tôi được họp trong dãy nhà nhiều tầng quay lưng ra biển.

Vào một buổi chiều, tôi đã viết liền hơi gần 60 câu thơ và đặt tên là “Trước biển”. Vì được viết liền hơi nên cảm xúc khi đọc “Trước biển” rất lôi cuốn liền mạch. Giờ đây đọc lại tôi vẫn thấy nó như trong một cơn mê, một cơn say đề tài được viết ra chỉ trong một buổi chiều.

Tôi làm nhiều bài thơ, cũng có lúc mê lúc tỉnh, nhưng thường thường là tỉnh để nghĩ ngợi, chọn lựa hình ảnh, câu chữ. Riêng “Trước biển” có một cái hơi liền mạch và có một sức lôi cuốn ngay từ đầu.

Cho nên, ngay cả phần đầu điệp khúc: Cái hào hiệp ngang tàng của gió/ Cái kiên nhẫn nghìn đời sóng vỗ/ Cái nghiêm trang của đá đứng chen trời/ Cái giản đơn sâu sắc như đời cũng được tôi viết một hơi, một mạch. Được viết trong cảm xúc đứng trực tiếp trước biển, bài thơ luôn có hình ảnh vừa thực lại vừa tưởng tượng xen lẫn với nhau.


Nhà thơ đã gửi gắm gì trong “Trước biển” từ gần 50 năm trước?

Chủ đề của bài thơ là khát vọng con người nhưng được bộc lộ kín đáo. Đó là khát vọng gì? Khát vọng của ông đánh cá, khát vọng của san hô hay anh chiến sĩ?

Không, khát vọng ở đây là khát vọng của con người đứng trước cuộc đời cũng như đứng trước biển vậy; hay tuổi thanh niên đứng trước tình yêu cũng như đứng trước biển vậy. Tất cả luôn biết rằng trong này có thành, có bại.

Dẫu rằng, bại chất chồng: Bao khát vọng nửa chừng tan với sóng/ Vầng trán mặn giọt mồ hôi cay đắng/ Bao kiếp vùi trong đáy lạnh mù tăm… nhưng biển không bao giờ vắng người cả khi: Nhưng muôn đời vẫn những cánh buồm căng/ Bay trên biển như bồ câu trên đất/ Biển dư sức và người không biết mệt/ Mũi thuyền lao mặt sóng lại cày bừa/ Những chân trời ta vẫn mãi tìm đi…

Tại sao? Bởi vì, biển luôn có sức hấp dẫn, thu hút, thoả mãn khát vọng của con người cho nên bao giờ nó cũng có cái hy vọng ở đằng sau tất cả những gian nguy đó. Biển được tôi viết ở đây không hẳn chỉ là sóng, là nước, là cá mà còn như là một điểm tựa cho cuộc đời, cho tình yêu.

Đứng trước biển là đứng trước cuộc đời – nơi đó còn nhiều thứ mà mình chưa biết nên dẫu biết rằng gian khổ, biết rằng hiểm nguy, biết rằng có khi phải trả giá nhưng con người không bao giờ nản vẫn lao vào cùng những chứa chan hy vọng.


15 câu thơ của bài thơ “Trước biển” được trích trong đề thi Ngữ văn có phải là những câu nhà thơ tâm đắc nhất không? Theo nhà thơ, đoạn trích này đã là “đắt” nhất, phù hợp nhất để gần 900 nghìn học trò tham gia Kỳ thi THPT quốc gia năm nay đọc hiểu, cảm nhận không?

Dẫu được viết cách đây gần 50 năm nhưng bất cứ lúc nào đọc lại, “Trước biển” luôn cuốn tôi đi trong cái hơi toàn thể, mỗi đoạn đều có một nội dung gửi gắm. Mỗi đoạn thơ đều có chủ đề nhỏ trong cái toàn thể. 15 câu đầu nói biển gian lao nhưng người ta vẫn kiên trì tìm đến. Đoạn khác nói thiên về tình yêu, thiên về hy vọng…

Tôi thấy, đoạn trích này (đoạn đầu của bài thơ) dù có chút chơ vơ nhưng vẫn phù hợp với học sinh khi đủ để các em hiểu được nội dung. Người ra đề thế là rất khéo khi chỉ bằng một đoạn thơ nhưng kích thích được khả năng tư duy của học sinh và ai cũng có thể viết được.

Chỉ có điều, nếu học sinh ưa nghĩ ngợi một chút thì viết sẽ không khó khi nắm được chủ đề là khát vọng, muốn thực hiện nó thì người ta phải có bản lĩnh, không mệt mỏi không sợ hãi tức là phải dám trả giá cho khát vọng của mình.

Mà các em đang ở tuổi 18 đôi mươi - lứa tuổi mang đầy khát vọng mơ ước nên tôi tin rằng không có gì khó khăn khi các em thực hiện phần thi này.

Trân trọng cảm ơn nhà thơ!

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]