Dưới trời lửa khói
Em như cánh tên
Bay trên cồn cát
Rẽ gió xông lên.

Cởi khăn quàng đỏ
Bọc đạn chuyền đi
Trận địa bom nổ
Gót son sá gì.

Tiếp đạn! Tiếp đạn!
Chuyền tay chiến hào
Cho chú dân quân
Bắn nhào phản lực.

Máy bay bốc cháy
Đâm xuống biển khơi
Em reo, em nhảy
Em truyền tin vui.

Như cánh hoa nhỏ
Nở trên chiến hào
Như chim đầu ngõ
Hót mừng xôn xao.

Em bé Bảo Ninh
Bên bờ Nhật Lệ
Quay đẹp cuốn phim
Làng ta đánh Mỹ.


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Trần Hữu Pháp phổ nhạc thành bài hát cùng tên năm 1965.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Lời bài hát “Em bé Bảo Ninh” của Trần Hữu Pháp

Em bé Bảo Ninh,
Bên bờ Nhật Lệ.
Dưới trời lửa khói,
Em như cánh tên,
Bay trên cồn cát,
Rẽ gió xông lên.
Cởi khăn quàng đỏ,
Bọc đạn chuyển đi,
Trận địa bom nổ,
Khó khăn sá gì.

Tiếp đạn nào,
Tiếp đạn chuyền tay trên chiến hào,
Cho chú dân quân bắn nhào phản lực.
Máy bay bốc cháy,
Đâm xuống biển khơi,
Em reo em nhảy,
Em truyền tin vui.
(x2)

Em bé Bảo Ninh,
Bên bờ Nhật Lệ.
Như cánh hoa nhỏ,
Nở bên chiến hào,
Như chim đầu ngõ,
Hót mừng xôn xao.
Quay đẹp cuốn phim,
Làng ta thắng Mỹ,
Có em bé Bảo Ninh.

tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Sức sống của “Em bé Bảo Ninh”

Ngày 7, 8 và 11 tháng 12 năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt tiến hành cuộc tập kích chiến lược, đánh vào Đồng Hới, mở màn cho cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của chúng.

Từ những giây phút đầu tiên xẩy ra chiến sự, nhân dân Đồng Hới đã giáng trả những đòn sấm sét vào lũ giặc cướp nước Hoa Kỳ. Nhiều máy bay Mỹ bị bắn rơi, bắn hỏng. Nhiều tên giặc lái hoặc bị tiêu diệt, hoặc bị bắt sống. Trong không khí sục sôi chiến đấu ấy, biết bao hoa chiến công nở rộ trong vườn hoa chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Bảo Ninh, xã cát bên kia sông Nhật Lệ, là một mảnh đất nóng bỏng chiến sự của những ngày lịch sử ấy.

Trong một cuộc đánh trả máy bay Mỹ đang diễn ra ác liệt của những ngày tháng 2 năm 1965 ấy, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã cùng nhà báo Nguyễn Đình Hồng (phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân) đã dũng cảm vượt sông Nhật Lệ bằng một chiếc xuồng thúng để có mặt trong công sự dân quân tự vệ ở thôn Sa Động xã Bảo Ninh, tại một điểm cao trên động cát cuối làng. Ở đây, trong khói lửa của đạn bom, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh đã chứng kiến bao tấm gương gan góc, kiên cường trong chiến đấu của nam nữ dân quân đang xả đạn vào đầu thù. Song có một hình ảnh thật sinh động, đập vào mắt ông, đó là một em bé trai, độ chừng 13, 14 tuổi, mặc quần cụt, mình trần, nhễ nhại mồ hôi, băng qua động cát, ôm bọc đạn, gói bằng chiếc áo của mình, tiếp đạn cho các cô, các chú. Sau đó, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh mới được biết, em bé này là đội viên của Đội thiếu niên “Ba phòng” (Phòng gian - phòng hoả - phòng tai nạn), một tổ chức “Công an nhí” do Công an, Thị đội Đồng Hới phối hợp tổ chức để giúp các lực lượng vũ trang quản lý, phục vụ cuộc sống chiến đấu, sản xuất nơi mảnh đất đang nóng bỏng tình hình chiến sự.

Bài báo về Em bé Bảo Ninh được nhà báo Nguyễn Văn Dinh viết ngay tại trận địa và số báo Quảng Bình tiếp đó đã đăng bài ấy của anh. Anh làm tiếp bài thơ có cùng nhan đề ấy khi cái tứ được hình thành trong chiến hào đang đậm mùi thuốc súng:

... Dưới trời lửa khói
Em như cánh tên
Bay trên cồn cát
Rẽ gió xông lên
Cởi chiếc áo nhỏ
Bọc đạn chuyền đi...
Hình tượng Em bé Bảo Ninh của nhà thơ Nguyễn Văn Dinh làm cho mọi người liên tưởng đến hình ảnh chú bé Ga - Vơ - Rốt trong Những người khốn khổ của văn hào Víc-to Huy-gô, chú Luỹ liên lạc trong tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi, bé Lượm trong bài thơ Lượm của Tố Hữu. Những hình tượng văn học ấy thực sự có tầm khái quát về tấm gương hy sinh vì cách mạng của lứa tuổi măng non.

Song, Ga-vơ-rốt, chú Luỹ liên lạc, bé Lượm, đều đã hy sinh trong chiến đấu giữa trang sách còn Em bé Bảo Ninh thì vẫn còn sống mãi với bài thơ và trong đời thật đến hôm nay.

Bài thơ Em bé Bảo Ninh không chữa lại nhiều so với bản thảo được tác giả viết trong chiến hào đánh Mỹ. Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh cho biết, bài thơ này, hôm sau được đọc ở trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình, anh em nghe xong, góp ý. Nhà thơ đã chữa hình ảnh:
Cởi chiếc áo nhỏ
Bọc đạn chuyền đi
Thành hình ảnh:
Cởi khăn quàng đỏ
Bọc đạn chuyền đi
Nhờ thế, bài thơ tạo được hình tượng sống động hơn, khái quát hơn, có sức hấp dẫn hơn.

May mắn thay, trong chuyến đi công tác thực tế ở Quảng Bình lúc đó, nhạc sĩ Trần Hữu Pháp được tác giả của Em bé Bảo Ninh đọc cho nghe. Thế là bài thơ liền được phổ nhạc ngay trên đất lửa Quảng Bình trong những ngày toàn quân, toàn dân đang sục sôi đánh Mỹ. Bài hát của Trần Hữu Pháp đã chắp thêm cánh cho bài thơ Em bé Bảo Ninh bay xa. Tuổi nhỏ của chúng tôi và các cháu hôm nay vẫn thường hát vang bài ca ấy.

Đã gần 50 năm, bài thơ cũng như bài hát Em bé Bảo Ninh vẫn là những tác phẩm được quần chúng yêu mến, được in trong nhiều tuyển tập thơ và nhạc thời kỳ chống Mỹ của nhiều nhà xuất bản. Nhà thơ Nguyễn Văn Dinh vừa qua đời hôm 25-2-2013. Còn Em bé Bảo Ninh, sau những ngày đi biển và hoạt động trong đội “Ba phòng”, được chính quyền địa phương cho đi học ngành hàng hải ở Trung Quốc, sau đó về làm việc tại Công ty đường sông Quảng Bình. Tên thật của anh là Trương Văn Hương. Hiện anh đang nghỉ hưu và phụ trách Hội chữ thập đỏ xã tại thôn Động Dương, xã Bảo Ninh, thành phố Đồng Hới. Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Văn Dinh và anh Trương Văn Hương vẫn thường gặp nhau luôn, khi chiếc cầu 13 nhịp, nối liền đôi bờ Nhật Lệ giữa thành phố Đồng Hới xinh đẹp. Những kỷ niệm khó quên trong những ngày đánh Mỹ thường được họ kể lại cho nhau nghe với bao tình cảm mặn mà, tươi thắm.


Hồ Ngọc Diệp

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời