64.17
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
4 bài trả lời: 4 thảo luận
16 người thích

Đăng bởi saoviet vào 02/03/2009 18:37, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi saoviet vào 02/03/2009 18:38

(Thơ viết trong đêm tự tử)

Trái tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!


1.

Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Tôi ra đi nào phải không yêu Mẹ
Tôi ra đi nào phải chẳng yêu người
Chưa phải thế nhưng mà nó thế

Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Bạn bè tôi còn hy vọng tôi nhiều
Những bài thơ còn mắc nợ mây chiều
Chưa phải thế nhưng mà nó thê

Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Tôi ra đi đừng nghĩ vắng tôi rồi
Tôi ra đi vì yêu quá cuộc đời
Chưa phải thế nhưng mà nó thế


2.

Vì sao tôi phải tự giết mình bằng hai viên đạn
Điều băn khoăn không phải chuyện tình cờ
Tôi không phải là người cố chết
Vậy thì lý do gì?

Một viên đạn tự giết tôi cũng đủ
Còn viên kia? Đáng dành cho kẻ khác
Nhưng tôi đã thương kẻ khác hơn mình
Viên đạn kia sẽ giết tôi lần nữa!


3.

Người ta sống thế nào thì chết cũng vậy thôi
Tôi sống không dối lừa tôi chết không lừa dối
Hơn 30 năm trước tôi đến với đời này
Cũng ra đi từ đời này sau hơn 30 năm tuổi

Có khác chăng những ngày tôi đã sống
Gặp người này bằng cái bắt tay người khác bằng cái hôn
Giờ tôi chết một mình trong phòng kín
Khônng cái bắt tay. Cái hôn cũng không.


4.

Hoa ơi! Nếu bạn buồn rầu về cái chết của tôi
Tôi không muốn can ngăn sự buồn rầu của bạn

Chúng mình sống cho nhau như cây với cội
Khuyên can để làm gì nếu chẳng ích gì hơn

Và bởi vậy Hoa ơi xin đừng trách
Tôi ra đi không hỏi bạn một lời.


5.

Không ngờ tôi có thể biết rõ ràng bài thơ cuối cùng tôi viết
Bài thơ nghiêm trang và run rẩy của tôi
Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây…


6.

Trên thế gian này tôi đến rồi đi như tia chớp mà thôi
Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Chia tay tuổi thơ vẫy tung mùa phượng đỏ
Áo lính thời trai chưa kịp cũ

Ngoảnh lại yêu đương như muối xát lòng
Con gái bé bỏng ơi! Con là bài thơ lớn nhất
Mãi hoài thai những câu thơ ba viết
Hoài thai ba những giây phút yếu lòng

Bạn bè đông
Một hai tâm đắc
Suốt cả thời mình sống trên trái đất
Sống thật lòng như tia chớp vậy thôi

Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Ghét bỏ làm chi tiếc nuối làm chi
Tia chớp thế nào phát sáng thế ấy
Người đến thế nào người cứ thế ra đi

“trên thế gian này tôi chỉ là người đi qua
em hãy vẫy cho tôi một bàn tay trìu mến”
Tôi đã vẫy cho Ê-xê-nhin cái vẫy tay anh muốn
Giờ đến lượt tôi. Ai sẽ vẫy tôi đây?


7.

Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Đối diện với chân trời tuổi nhỏ
Đối diện với bất công đau khổ
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây

Lòng bộn bề và trời đầy mây
Khao khát tự do thì tự do bị trói
Khao khát yêu thương thì ba chìm bảy nổi
Sự thật thiêng liêng bị đánh tráo dối lừa

Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Để được hát bài hát mình lần cuối
Để được hát ngợi ca lẽ phải
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây


8.

Bạn ơi! Có thể bạn đã ủng hộ tôi mà chưa đạt được
Bạn ơi! Có thể tôi với bạn đã cãi cọ nhau không bằng lời
Bạn ơi! Có thể bạn thờ ơ lãnh đạm với tôi
Bạn ơi! Có thể tôi với bạn đã thỏa thuận điều này. Điều khác chưa thỏa thuận

Cuộc đời là vậy nó cứ vậy kéo dài

Hôm nay tôi chết ai chết ngày mai
Hôm nay ai thương tôi ngày mai ai thương người
Hôm nay ai ghét tôi ngày mai ai ghét người
Cuộc đời là vậy nó cứ vậy kéo dài

Hôm nay tôi chết ai chết ngày mai


9.

Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Người ta sống với nhau dè dặt đến nghi ngờ
Nụ cười xã giao
Công việc cũng xã giao
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế

Có khi vì một cái gì đó
Như lòng ganh tị  nhỏ nhen
Sẵn sàng đánh vào kẽ hở của lòng tốt
Trâu bò húc nhau cánh đồng bị dẫm nát
Bố mẹ giận nhau bỏ đói đàn con

Vì sao người ta miễn cưỡng nghe lòng thành thật
Vì sao người ta lại vu cáo anh khi anh đang lâm nạn
Vì sao anh tự tử người ta uống rượu mừng
Vì sao anh không biết tựa lưng
Vào những người trung thực

Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Đời bao nhiêu phe phẩy đứng chắn đường
Bọn phe phẩy ăn diện sang trọng quá
Da dẻ hồng hào
Nụ cười ma giáo
Cũng có khi mang trang phục quân nhân

Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế


10.

Nếu tim tôi có thể bóp tơi ra thành muôn hạt li ti
Tôi sẽ ném lên trời cho gió mang đi

Nếu tim tôi có thể rung âm nhạc
Thì tôi đã dành nó cho bài hát

Nếu tim tôi có thể viết thành thơ
Nó đã ở trong thơ tôi bao giờ

Nếu tim tôi có thể yêu say đắm
Nó đã ở trong ngực em đằm thắm

Trái tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!


Vân Hồ 3, đêm 11.11.1981

Khi tôi viết xong 10 bài thơ này thì trời đã gần sáng. Tôi tháo 2 băng đạn ra khỏi 2 khẩu súng ngắn, cho vào bao súng. Một khẩu cất vào tủ của mình, một khẩu trả lại tủ Nguyễn Hoa, người bạn thân ở cùng phòng đang về quê.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Báo Thể Thao Văn Hoá phỏng vấn tác giả

Thứ Năm, 5/3/2009, 14:45 (GMT+7)
Nguyễn Trọng Tạo và “Thơ viết trong đêm tự tử”

(TT&VH) - Mới đây, trên blog cá nhân của mình, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã công bố “10 bài thơ viết trong đêm tự tử". Đó là những bài thơ được viết vào chính đêm ông định dùng hai khẩu súng ngắn bắn vào đầu mình - ngày 11/11/1981... Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

http://images.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/03/20090305095155994/Nguyen%20Trong%20Tao.jpg
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đọc thơ bên tượng Nguyễn Du

“Nếu anh định tự tử thì có gọi nhân chứng"?

* Thưa nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đây có phải là lần đầu tiên ông công bố những bài thơ “Thơ viết trong đêm tự tử” của mình?


- Đây là lần đầu tiên tôi công bố những bài thơ này trên blog. Tôi đã định viết xong rồi để đó thôi, nhưng vừa rồi vì trong một bài viết trên báo, nhà phê bình Nguyễn Hòa cho rằng, việc tôi định tự tử hồi 1981 là câu chuyện "hoang đường" và hỏi "nhân chứng": "Giá ngày ấy ông bóp cái cò súng thì có phải thi ca nước nhà đã có một sự kiện bi tráng để lưu danh muôn thuở hay không, nhưng tôi lại ngờ đó là chuyện hoang đường, vì chỉ có mỗi mình ông là... chứng nhân!?".

Thử hỏi: Nếu anh định tự tử thì anh sẽ gọi mấy người đến để làm nhân chứng? Tự tử mà cần người làm chứng ư? Mời họ đến để xem anh tự tử? Tôi thật không thể hiểu nổi lại có thể hỏi một câu… như thế. Riêng đặt câu hỏi đã là một sự áp đặt và quá chủ quan. Và tôi thấy cần phải công bố những bài thơ đó.

* Nếu không có lý do đó thì ông có định “giấu nhẹm” những bài thơ ấy đi không?

- Những gì tôi viết ra, chưa công bố lúc này sẽ công bố lúc khác. Tập thơ 10 bài viết trong chính đêm tôi định tự tử, tôi nghĩ, có thể một dịp nào đó tôi sẽ in chúng vào tuyển tập. Chính cách “đặt vấn đề” của bài viết trên khiến tôi không muốn trò chuyện, nên tôi quyết định công bố trên blog của mình cùng với trang Website của bạn tôi là trannhuong.com. Đó là cách tốt nhất để thấy rằng văn chương sinh ra đều có những cái cớ của nó. Mà những cái cớ nảy ra từ sâu thẳm mỗi người mới có được những tác phẩm văn chương có tình cảm, có quan niệm. Nói cách khác, văn có gốc từ người.

“Thơ đã cứu tôi thoát chết”

* Vậy ông có thể nói rõ hơn về câu chuyện “chỉ có mỗi mình ông là... chứng nhân” hay cũng chính là cái cớ của "Thơ viết trong đêm tự tử"?


- Câu chuyện nó cũng đơn giản. Nó có liên quan tới một bài thơ khác của tôi. Đó là một bài thơ thể hiện bằng linh cảm dự báo của một nhà thơ đối với các thay đổi của xã hội Việt Nam. Lúc ấy tôi đã nói ra được một sự thật đau đớn, và xã hội Việt Nam sẽ phải thay đổi. Tôi tin rằng đó là quy luật. Nhưng rồi tôi bị đem ra kiểm điểm… Rồi cùng với đó là những chuyện không vui về gia đình, những phức tạp trong các mối quan hệ văn chương, cuộc sống. Tôi thấy một một áp lực ghê gớm, một sự bức bí đến nghẹt thở. Tôi có ý định tự tử.

http://images.thethaovanhoa.vn/Images/Uploaded/Share/2009/03/20090305095155994/Tao%20Hoa.jpg
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (trái) và nhà thơ Nguyễn Hoa (bạn cùng phòng tại trại sáng tác Vân Hồ) năm 1982

Đọc tiếp trên TT&VH tại đây

Trời mưa gió rét kìn kìn
Đắp đôi dải yếm hơn nghìn chăn bông
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Lời bình của Đỗ Quyên

1- Về Ý nghĩa:

Vụ ì xèo “tự tử” này phải nói là cái Dở nó đỡ cái Hay: Nhờ nó mà bạn đọc - trong đó có tôi - được biết 10 bài thơ “hồi sinh” NTT. Dạo đọc bài phỏng vấn của Nguyễn Đức Tùng với các bác, ĐQ đã nghĩ đến việc vấn hỏi về “thi chứng” đó (Ha ha! “Nhân chứng” với nghệ thuật là cái đinh mục!) nhưng chưa có dịp...

2- Về Nội dung:

10 BÀI THƠ VÀ MỘT LỜI ƯỚC MUỐN quả là 1 Di chúc nghệ thuật, nhưng là 1 Di chúc cho chính mình, của 1 nhà thơ trong lúc chấp chới giữa 2 dòng Sinh-Tử. Có mấy ai ở đời được đọc-lại-di-chúc như vậy?

3- Về Nghệ thuật:

Đây là 1 bi tráng ca của thi ca VN chứ chả bỡn! Nhịp thơ đi liền như hơi thở gấp của kẻ bị đuổi cùng đường, nhưng cú pháp thơ vẫn rất từ tốn như của người lần cuối nhìn lại gia tài tinh thần: Mẹ, Con, Bạn hữu, Vợ/Người yêu, Thơ ca, Kẻ khác mình (Cái hay là ở chỗ đọc thơ không thấy kẻ thù!). Một biên bản cuộc đời bằng ngôn ngữ thơ như vậy quả ít nhà thơ nào có.

4- Về Cấu trúc, Ngôn ngữ:

+ Không phải ngẫu nhiên tác giả gọi là “10 bài thơ” dù về cấu trúc nó là 10 “đoạn” của 1 “bài” thơ? Nếu đọc 10 bài độc lập thì cũng chả... chết thằng Tây nào cả! Ta hình dung: tác giả trong lúc ở bờ vực tâm lý, đã chọn 1 giải pháp toả dần tình cảm nhưng phải là gọn; để nếu nhỡ... quá tay súng lỏng tay thơ thì “Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây...”. Nhưng để sắp đặt đúng 10 bài - đủ 10 ngón tay trong 2 bàn tay - với cấu trúc khá chặt chẽ, đúng là Trời viết chứ không phải nhà thơ viết.

+ Tôi đọc tập thơ độc đáo về thi phận và hay về thi cảm này tới 5-6 lần, trong 2 ngày. Một lần đọc to ơi là to! (Cho thằng nào sắp tự tử nghe! Ha ha ha) Nhưng lần đọc nào cũng chọn lúc vội (dù không có súng lục kề tai!). Ấn tượng rõ nhất là như không thấy dụng công ngôn ngữ, tu từ... Nhưng chúng vẫn có, về “hình thức”, đó là các thi ảnh khá quen thuộc, dùng không cao tay là bị “sến”, “sáo”, trừ hình ảnh cuối cùng rất siêu thực. Thế mà trong mạch chảy chung toàn bài, ta như không thấy “thơ” (của thi sĩ viết với người đọc) mà chỉ thấy “lời” nói cuối cùng của một Người nói với nhiều Người.

5- Các câu và các đoạn (bài mini) rực sáng:

+ Câu đề từ:
“Và tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!”
Vẻ ảo và vẻ thực của hình ảnh rất rõ: Chôn tim là chuyện thường nghe nói (tim ông kẹ nhạc Chopin chẳng hạn!) Còn mọc mặt trời lên từ đất thì quả là siêu - chỉ có người sắp chết nói. Thoạt tiên, chắc nhiều người đọc cũng nghĩ một cách “lãng mạn cách mạng” như một bạn trên blog hỏi tác giả rằng sao không là “bình minh”. Câu đáp của khổ chủ hơi bị thật thà! Tôi mà được hỏi vậy, sẽ “nổ” rằng: “Cái chết sắp có của tui là 1 cái chết “đen”. Nó báo hiệu sự oan ức, sự đi xuống của... mặt trời”. Vân vân và vân vân.
Bác NTTạo này, tôi ngờ là cái chàng Tây Ban Nha - Lorca đã ám vào anh chàng Việt NTTạo ở 2 câu cuối trên: thi sĩ Tây Ban Nha có câu thơ, đại khái, sau lưng người bị bắn trên pháp trường nhô lên một ông mặt trời!

+ Bài 1 (Mở): Kỹ thuật lặp lại đúng là của người lúng ta lúng túng trước cái chết mà mình là kẻ sát nhân.
“Tôi ra đi nào phải không yêu Mẹ” là 1 câu làm xúc động nhiều lần, với sự giản dị nhiều lần. Câu này nâng bài thơ tới ý nghĩa khác hẳn nếu thiếu nó. Khi ta chết, ta nghĩ đến đấng sinh thành nên ta – đó là đạo người, đạo Việt. Hôm qua, đọc Nguyễn Quang Thiều trên lethieunhon.com có 1 câu về mẹ cũng giản dị và thổi cả bài tuỳ bút bay lên; đại thể, trong thời ấu thơ làng quê nghèo và buồn, “anh chị em tôi không có một gia sản gì ngoài mẹ.”

+ Bài 2: Nhân tính và khá tỉnh táo: “Vì sao tôi phải tự giết mình bằng hai viên đạn”. Đoạn trên tôi nói bài thơ khai tử này không có “kẻ thù” là thế!

+ Bài 5: Súc tích! Lời nói nhuyễn không phải nhờ nước trong miệng mà bằng... máu từ tim! Chỉ có thi ca mới làm được vậy!
“Không ngờ tôi có thể biết rõ ràng bài thơ cuối cùng tôi viết
Bài thơ nghiêm trang và run rẩy của tôi
Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây...”
Hai cặp chữ đối trọng mà lại không đối lập “nghiêm trang và run rẩy” trúng tâm trạng của 1 “di chúc” và của 1 “tuyệt tự” với kẻ không có vũ khí gì ngoài thơ để chống lại súng lục!

+ 3 bài 7-8-9 có nhẽ là đoạn “lùng bùng” nhất trong cả thiên bi tráng ca này. Về nghệ thuật cũng lộ vẻ “non” nhất! Dường như chúng hiện ra trong lúc tay súng đang... siết thì buông, buông thì lại siết? Chúng cho thấy tác giả không dám kết tội ai hay vấn đề nào 1 cách róng riết (dù căn nguyên của các bức bối khiến tác giả cùng đường cũng đã được chỉ ra khá rõ - nhất là ở thời 1981, mà như vậy cũng đáng nể!) Nó cho thấy tác giả dao động giữa các suy nghĩ mà không cái nào làm “phạm nhân” cho 1 sự chết đang được thực thi.

+ Bài 10 (Kết): đúng là cái giẫy cuối cùng của Con Thiên Nga thi ca! Các hình tượng đẹp với vẻ tuyệt vọng. Ném tim lên trời xanh đã là đẹp, nhưng hơi... bốc, mà đặt tim mình vào “ngực em” thì không chỉ đẹp lại thánh thiện, lại kỳ ảo 1 cách hiện thực, kiểu như bác Thanh Tâm Tuyền cứ đòi “khóc bằng mắt em” chẳng hạn.

6- Về sáng tác “tiền tự tử”:

Còn 101 điều quanh bài thơ “tiền tự tử” kỳ khôi này của NTTạo cần sự xử lý của nhiều loại gia: phê bình gia, nghiên cứu văn bản gia, bình luận gia, tâm lý gia, và cả hình sự gia, rồi còn v.v... gia nữa! Gọi “kỳ khôi”, vì với làng văn Việt không có nhiều “văn bản” tương tự (như Nhất Linh với Chúc thư văn học).

Nghiên cứu hành trình tự tử của các nhà văn An Nam (và cả Tàu), tôi thấy có vẻ đìu hiu không phong phú như cánh văn sĩ Nhựt Bổn, Tây Âu, Bắc Mỹ... Hồ sơ nhà văn An Nam hiện đại tự tử đến nay chưa quá... 5 đầu ngón tay thì phải? Như trong chương Mộ Văn của trường ca Đống Chữ mà tôi đã phác lập chỉ nhõn có có 2 bác: Nhất Linh và Nguyễn Tất Nhiên (bên cạnh các “đại gia tự tử” của thế giới như Lý Bạch, Essenin, Hemingway, Maia...). Nhà văn Việt nào gần đây đã tự tử xin giơ tay lên để bổ sung?

Thôi, nào tay ly tay bút ăn mừng cho “giai đoạn” tay súng tay bút đã qua!


Bài bình này là 2 comment của Đỗ Quyên trên blog của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.
Vũ Thanh Hoa
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Viết tiếp về Nguyễn Trọng Tạo và “Thơ viết trong đêm tự tử”

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Không thể không tin gì mà viết (*)

Trước hết, tôi cảm ơn báo TT&VH và bạn đọc đã quan tâm tới “sự kiện không vui” trong đời thơ của tôi. Sự kiện ấy đã qua 28 năm rồi, (…), tâm trạng trong “đêm tự tử” thật vô cùng phức tạp. Chắc nó có khác với người khác đôi chút, vì tôi là một nhà thơ. Bởi vậy, sau khi quyết định tự tử, thay cho việc viết một lá thư tuyệt mệnh hay một “di chúc”, tôi đã làm thơ. Khi ngồi vào bàn viết, tôi viết liền 6 bài để bày tỏ tâm trạng /lý do tự tử, cùng với lời vĩnh biệt những người thân thiết. Kết bài thứ 5 tôi viết:


Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây...

Khi đó, cái chết của nhà thơ Nga Xergay Exenhin ám ảnh tôi rất mạnh. Tôi rất mê thơ Exenhin, cũng đã từng tập dịch mấy chục bài thơ của ông, và tôi nghĩ, lại đến lượt tôi:


Tôi đã vẫy cho Ê-xê-nhin cái vẫy tay anh muốn
Giờ đến lượt tôi. Ai sẽ vẫy tôi đây?

Tôi đọc lại 6 bài thơ, thấy thế cũng đã đủ. Để nguyên cuốn sổ trên bàn, tôi lên giường và kê 2 khẩu súng ngắn đã lên đạn vào hai bên thái dương. Tại sao lại 2 khẩu súng thì tôi đã giải thích ở bài trước rồi. Tâm lý của người tự tử là muốn mính chết thật nhanh, chết dứt điểm. Nhưng khi đã kê súng vào thái dương, tôi tiếp tục suy nghĩ. Tôi nghĩ đến những vụ việc vừa qua (…) và thấy cái chết thật là phi lý. Tôi dậy viết tiếp 4 bài thơ nữa với những câu hỏi lặp đi lặp lại: “Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây”. Đó là câu hỏi đánh thức tất cả những suy nghĩ nhân văn của tôi tiếp theo. Thay cho lời phán xét, thơ đã giải toả dần cho tôi:

Và tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!

Nghĩa là trái tim tôi vẫn tái sinh. Và tôi từ bỏ quyết định tự tử ngay sau khi kết thúc bài thơ thứ 10.

Mỗi bài thơ đều có một “câu chuyện thơ” kèm theo mà chỉ có tác giả của nó mới biết đích xác(…). Nhưng có người không tin chuyện đó (Nguyễn Hoà), lại cho rằng tôi đã “mông má”, “nói vống lên” và hỏi ai làm “chứng nhân” khi tôi định tự tử thì tôi thấy buồn. Trong “sự kiện” này theo tôi 10 bài thơ và câu chuyện thơ luôn bổ sung cho nhau. Còn việc tin hay không tin, tôi đã từng viết:

Nhưng tôi người cầm bút, than ôi
Không thể không tin gì mà viết:
Tin thì tin không tin thì thôi!

Một lần nữa, tôi cảm ơn độc giả đã quan tâm, và nhờ báo TT&VH đăng bài thơ để bạn đọc được đọc liền mạch, như một chia sẻ cái khoảnh khắc không bao giờ trở lại của một thời đã xa.


(*) Đầu bài do TT&VH đặt

Nguồn: Báo Thể thao & Văn hoá
Vũ Thanh Hoa
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Tốt hơn đừng chết

Tốt hơn đừng chết

Nếu tôi chết đừng tìm tôi nhé
Trời xanh như tất cả còn xanh
Xin đa tạ rất nhiều em gái
Cho một lần tôi được hồi sinh

Nếu tôi chết đừng tìm tôi nhe
Một trưa nào như trái mùa thu
Góc chiến hào năm thằng lăn ra ngủ
Ôi lời ru! tiếng đại bác ru

Néu tôi chết đừng tìm tôi nhe
Một đêm nào êm ái mùa đông
Chiều thứ 7 xưa quán cà phê đắng
Em có buồn,em có nhớ tôi không

Nếu tôi chết đưng tìm tôi nhé
Ân ái nào dưới đất phong phanh
Những chuyện đời để thương để nhớ
Những chuỵen tình như lớp sóng dồn nhanh

Nếu tôi chết đừng sầu tôi nhé
Một nghĩa trang văng vắng bên đồi
Giấu mẹ nghe em,nói là tôi không chết
Nếu thương thì mua hoa thắm cho tôi

Nếu tôi chết tốt hơn đừng chết
Ai phục sinh để sống mãi bên đời
               HNC


Lời khuyen dối với ai làm sai ý trời!
Tôi nào đâu với đam mê
Với bao la,trước bến bờ viễn vông
Chưa có đánh giá nào
Trả lời