(VietNamNet) - Với Nguyễn Trọng Tạo, phong vị trữ tình chưa đến mức lẳng lơ nên rất may nó cũng chưa đánh thức được bản năng gốc đáng sợ nhưng nó khơi dậy trong ta niềm sung sướng pha lẫn nỗi hoài nhớ về những kỷ niệm êm đềm đẹp đẽ và sâu lắng.
Nói đến Nguyễn Trọng Tạo là người ta nhớ ngay đến một nhà thơ, một nhà báo, một kẻ lãng du không bến đỗ nhưng ít ai nhớ đến một Nguyễn Trọng Tạo với những ca khúc khá trong sáng.
Cũng như đa số các nhạc sĩ cùng thời, Nguyễn Trọng Tạo sáng tác bằng cảm hứng bản năng, bằng nguồn sữa dân ca không bao giờ cạn. Người ta nhớ đến một Làng quan họ thấm đẫm chất trữ tình với chiếc nón quai thao, cơn gió, bờ tre, vầng trăng, câu hát gọi bạn vv... rất khác với làng quan họ của nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Cảm xúc về quê hương, về ngôi làng ám ảnh Nguyễn Trọng Tạo đến mức anh sáng tác một loạt những ca khúc như:
Cảm xúc biển quê,
Chèo thuyền trên sông Bùng,
Đôi mắt đò ngang,
Làng tôi bên dòng Ô Lâu,
Khúc hát sông quê vv...Có lẽ anh là nhà thơ yêu thích kinh Thi, thơ Đường nên phần ca từ rất được anh chú trọng, được anh trau chuốt tỉ mỉ như nét vẽ trên tranh thuỷ mặc.
Sự khác biệt thể hiện ở chỗ cùng là làng tôi nhưng với Nguyễn Trọng Tạo phải là một cái làng cụ thể, gắn bó máu thịt với hồi ức tuổi thơ như ngôi làng quan họ có con sông Cầu âu yếm ôm “ngang lưng làng quan họ xanh xanh...” Với Nguyễn Trọng Tạo, phong vị trữ tình chưa đến mức lẳng lơ nên rất may nó cũng chưa đánh thức được bản năng gốc đáng sợ nhưng nó khơi dậy trong ta niềm sung sướng pha lẫn nỗi hoài nhớ về những kỷ niệm êm đềm đẹp đẽ và sâu lắng.
Trong CD
Tình khúc 4 mùa, chỉ với 12 ca khúc nhưng Nguyễn Trọng Tạo đã cho thấy sự giao hoà giữa yếu tố lãng mạn mang đậm chất dân dã với nỗi buồn chiêm nghiệm cá nhân trước dòng đời vô cùng vô tận.Phận người, phận dế, bài ca của loài dế trong đêm trăng, suy nghiệm của con người trong đêm vắng mới buồn làm sao, đẹp làm sao!
Cảm nhận về nỗi ngang trái trong tình yêu, tình đời về những tai hoạ ẩn giấu ngay dưới mỗi bước chân buồn bã của lữ khách cô đơn khiến anh viết nên những lời như khóc trong ca khúc Vầng mây bất hạnh. Niềm vui và nỗi đau, hạnh phúc và bất hạnh, sáng và tối,... cùng vật lộn trong tâm hồn của mỗi con người mang bản chất nhị nguyên và Nguyễn Trọng Tạo đã nghe được tiếng động từ cuộc giao tranh ấy nên các ca khúc của anh vừa có tính hiện sinh vừa có nỗi khắc khoải hoài nhớ vẻ đẹp yên lành cổ kính.
Quang Hải