Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Thanh Hiện
Đăng bởi tôn tiền tử vào 01/06/2018 15:13
Dấu tích những khúc rong ca
Ngay từ những dòng đầu, tập thơ Những tổ khúc rời của Nguyễn Thanh Hiện đã gợi một không khí xáo động hiện sinh. Một thế giới chòng chành, chông chênh, nơi những ý nghĩa tưởng như đã xác lập đang đi đến vô nghĩa trong khi những ý nghĩa mới còn chưa thành hình. Thơ, có lẽ, là thứ ngôn ngữ cần thiết dành cho những chiêm nghiệm riêng tư khi đối mặt với trạng thái hiện sinh xáo động như thế.
Cả tập thơ có thể xem như một cuộc du hành bất định của “tôi”, nhân vật trữ tình, khởi đầu từ ngôi làng quê hương, để rồi cứ thế phiêu bạt những xứ sở xa xôi khác – một cuộc du hành bằng tưởng tượng và của tưởng tượng. ftang bóng dáng những nghệ nhân hát rong xa xưa, “tôi” cùng ngôn ngữ ca ngâm về hành trình của mình. Từ những tổ khúc rời, một tấm bản đồ lạ lùng hiện lên qua ngôn từ – tấm bản đồ thế giới trong những khả thể của nó. Tập thơ của Nguyễn Thanh Hiện làm tôi liên tưởng đến tác phẩm Những thành phố vô hình của Italo Calvino. ftarco Pollo, nhân vật trong cuốn sách của Calvino, có khả năng nhìn thấy những thành phố lạ lùng và miêu tả chúng đầy mê hoặc, cái khả năng mà quyền lực, dù tột đỉnh như Hốt Tất Liệt, cũng không cách nào sở hữu, bởi những thành phố vô hình ấy chỉ có thể thấu thị bằng tưởng tượng thi ca. Những hình ảnh của thế giới khả thể mà “tôi” tái hiện cũng là thứ ta sẽ không bao giờ thấy chỉ với con mắt duy lý hay với tham vọng muốn thâu tóm, muốn thống trị. Ở đây, những biên giới địa lý, những khoảng cách thời đại kết nối và đồng hiện. Thế giới ấy mang vẻ đẹp và hơi thở ba-rốc, rậm rạp, u trầm. Thế giới ấy đầy những chi tiết tạo hình siêu thực. Thế giới ấy được nhìn từ con mắt của kẻ du hành, vừa ngưỡng vọng, đắm đuối vừa trầm tư, u uẩn, như thể y hiểu rằng, rồi mình sẽ phải bỏ chúng lại để đi tiếp một hành trình bất định. Trước mắt y, mọi thứ chợt bừng trong khoảnh khắc, như ánh nắng cuối cùng loé lên chiều muộn.
Những tổ khúc rời đầy nhạc. Nhưng đó không phải là một thứ âm nhạc của những phép chơi ngữ âm mà là thứ âm nhạc của thơ văn xuôi, ngân lên từ sự trùng điệp câu chữ và sự dập dìu của nhịp điệu. ftột thứ nhịp điệu của nỗi say đắm, trên nền cảm nghiệm về hư vô. Vì thế, nó chất chứa, đam mê, nhưng không bồng bột, sôi trào kiểu thơ ca lãng mạn mà thâm trầm, lắng đọng trải nghiệm. Nguyễn Thanh Hiện như một thi sĩ ẩn mình. Không có mấy thông tin về ông ta có thể tìm thấy trên truyền thông. Ông chỉ hiện diện qua những bài thơ mà việc áp lên đó vài cái nhãn phong cách làm sẵn sẽ là khiên cưỡng. Nhưng tôi rất tin Nguyễn Thanh Hiện vun trồng được một vùng không gian thi ca của riêng mình. Không gian ấy vừa rộng rãi, khoáng đạt vừa kết lắng nhiều văn hoá. Ông nuôi dưỡng sự bí ẩn của không gian riêng tư ấy, ông bao bọc nó trong nỗi muộn sầu hiện sinh. Giữa thời mà ta có thể thấm thía hơn bao giờ điều Milan Kundera từng cảnh báo về nguy cơ cái cá nhân bị công cộng hoá, Nguyễn Thanh Hiện bảo bọc sự riêng tư không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho chính thơ ca.
Có lẽ, khi sự riêng tư bị thôn tính, thơ sẽ đến hồi cuối kết. Quả tình, thơ có thể chẳng phải là phương tiện cách mạng hay cứu rỗi nhân gian. Nhưng bất chấp bấy nhiêu hồ nghi, mỉa mai về tính chất có ích và vô ích của nó, những hiện hữu thơ vẫn là điều gì ý nghĩa, dù chỉ cho một vài cá nhân. Với Nguyễn Thanh Hiện, thơ có thể là nơi ông dồn tụ sức sống và mở rộng không gian riêng, là nơi ông sống thêm những cuộc đời khác nữa trong nhịp điệu câu chữ. Trong hình dung của tôi về một người thơ chưa từng gặp ngoài đời, Nguyễn Thanh Hiện như thể một người chơi với chữ, bình thản và đam mê, mặc quanh ông mọi thứ xoay vần. Con người chơi ấy chính là con người hoan lạc.