Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông,
Nó lại lôi ông đến giữa đồng.
Lấy của đánh người, quân tệ nhỉ!
Thân già da cóc, có đau không?
Bây giờ mới khẽ sầy da trán,
Ngày trước đi đâu mất mảy lông.
Thôi cũng đừng nên ky cóp nữa.
Kẻo mang tiếng dại với phường ngông!


Rút từ Quốc văn tùng ký (AB.383), Nam âm thảo (VHv.2381), Quế Sơn Tam nguyên thi tập (A.3160), Quế Sơn thi tập (A.469). Tiêu đề có bản chép là Hỏi thăm mất cướp, Hỏi thăm quan tuần thất cướp, bản trong Nam âm thảo chép là Phỏng ký cố hữu tú tài mỗ thất kiếp (Hỏi thăm bạn cũ tú tài mổ mất cướp), bản trong Quế Sơn Tam nguyên thi tập chép là Ký Tiên Khoán tuần phủ thất kiếp (Gửi tuần phủ Tiên Khoán mất cướp), bản trong Quế Sơn thi tập chép là Ký vấn Tiên Khoán Trần công (Gửi thăm ông Trần ở Tiên Khoán).

Bài này tác giả gửi cho ông Tuần phủ Đích là bạn học, người làng Tiên Khoán, huyện Bình Lục (Hà Nam). Ông Đích vốn có tính keo kiệt bủn xỉn với bạn bè, do đó thường bị Nguyễn Khuyến giễu cợt đả kích. Về sau ông Đích được bổ làm Ngự sử ở Kinh, lại hiềm khích riêng với ông. Lúc ông Đích hưu quan về nhà, chỉ lo làm giàu, rồi bị cướp, ông nhân đó gửi bài này “hỏi thăm”. Ông Đích cũng có bài hoạ lại:
Ông thăm tôi cũng giã ơn ông,
Nó có lôi tôi đến giữa đồng.
Cũng tưởng vun thu phòng lúc thiếu,
Nào ngờ ky cóp lại như không.
Chém cha thằng quỷ đen tai mắt,
Chẳng nể ông già bạc tóc lông.
Ông hỏi thăm tôi, tôi biết vậy,
Thương ông tuổi tác, cháu thời ngông.
Bài thơ này từng được sử dụng trong phần đọc thêm SGK Văn học 11 giai đoạn 1990-2006, nhưng đã được lược bỏ trong SGK Ngữ văn 11 từ 2007.


[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]