Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Hữu Quý » Vạn lý Trường Sơn (2009)
Đăng bởi Vanachi vào 10/07/2014 05:56
1
Sinh ra cùng ngày với tượng đài
Tổ quốc ghi công
cây bồ đề đã trở thành đại thụ
tán lá – bầu trời tròn che chở
vạn linh hồn phiêu diêu...
Duy nhất mọc ở Nghĩa trang Trường Sơn
mọc không do ai trồng cả
cây bồ đề từ lòng Phật bước ra
làm một tượng đài Trường Sơn khác
Một tượng đài xanh cao mười mấy mét
mà vẫn không vượt qua mái tóc trắng mẹ ta
một tượng đài được tưới bằng nước mắt
giữa cõi Trường Sơn mặn chát vô cùng...
*
Mọc để bén rễ một – nén – hương
xanh tươi mà quặn thắt cả đất trời
có phải
Cõi Thiêng đau hơn nhân thế?
lòng người bao giờ bằng lòng Phật?
để nghe lời niệm thẳm xa
Mọc để nâng một – chữ – Tâm
toả dài trăm núi
toả rộng trăm sông
tán cây
như mái nhà sinh sôi, sinh sôi,
sinh sôi diệp lục
sinh sôi, sinh sôi, sinh sôi phồn thực
nỗi đau hậu chiến vợi đi chăng?
Mọc để cảm thông những đoạn trường
xum xuê mà khảm khắc giọng từ quy
kêu như đuổi đêm đi
kêu như đục vào đá
sương khoả xuống đỉnh giấc mơ trần
chợt thức những chiếc trầu non...
những ngọn lửa dầm mưa hôm nào nay đầu thai vào lá
xanh vào bi bô, lẫm chẫm xóm làng
về với hoàng hôn thấm đẫm mùi khói bếp
ai như cây ngã bóng xuống sân nhà
Mọc bên những con sóng hoá đá
rì rào mà thăm thẳm lặng im
đằng sau mỗi phiến lá
không tiếng nói mặt trời
chỉ có lời thầm thì của đất...
Mọc ngoài cây
ôm trọn ý thức của những người đã chết.
Cây nói rằng:
Họ vẫn sống như từng đã sống
trong đạn bom, mưa nắng Trường Sơn
và vẫn vươn xa như những con đường
đưa đất nước vượt qua "thời đồ đá"
họ nguyện gánh trên vai Tổ quốc
nhẫn nại bước đi trong giông bão gập ghềnh.
2
Chảy trước mặt cây là dòng sông Bến Hải
chảy trong lòng cây là ký ức đại ngàn
người đưa sông về giữa vòng xoáy thời gian
sông hát ru người quây quần trong lá
Nhật – Nguyệt đi qua trắng toát thượng nguồn
Trường Sơn.
Lau trắng ngoài con đường lịch sử
Mây trắng bay lên từ bia mộ điệp trùng.
Lời đồng đội tỏ mờ trong sương trắng
Ai chưa tin, xin hãy đến nơi này.
Hương khói trắng hai mùa ngan ngát
Màu hoa nào trắng nỗi mẹ đơn côi.
Chị xuống tóc cửa Thiền cơn lũ trắng
trước nâu sồng hương khói trắng hoàng hôn.
*
Sông...
ai ví sông như vệt – nước – mắt – dài
sau cuộc chiến
có mấy người trở lại?
Đất nước nhiều nghĩa trang liệt sĩ
thông vi vu và cỏ im lìm...
Ba thập kỷ vô danh
ba mươi thu tấm bia còn để trống
xương cốt đây rồi tên tuổi ở nơi đâu?
Thôi, cứ để cho ta khấn cầu, ta gọi
gọi anh
gọi em
gọi đồng đội
gọi bạn bè
gọi người đi trong nắng
gọi người về trong mưa
gọi rừng chợt trắng như chưa là rừng!
Gọi tên năm tháng bão bùng
gọi thời xẻ núi, gọi vùng không dân
gọi về những cuộc hành quân
đá già in lõm dấu chân triệu người
bom rơi đạn nổ tơi bời
bao nhiêu tiếng nói giọng cười bay đi...
Miền xưa còn lại những gì
câu ru mầm cỏ ấu nhi nghẹn ngào
ai tìm ai giữa trời sao
Tô Châu – túi chéo nơi nào phơi phong?
Bây giờ người đã núi sông
hồn phách về cõi hư không bốn mùa...
3
Hiện trước mặt cây những con đường xuyên núi
16.000 cây số mở ra
mở ra
5 trục dọc
21 trục ngang
bát quái trận đồ
giữa lòng nguyên sinh
tám hướng
bốn phương
kín
mở...
Trường Sơn
Kim la bàn Đất nước.
Vạn – lý – Trường – Sơn
Đức Phật hiển linh che chở con đường.
Mọi quê hương vượt Trường Sơn đánh giặc
người lính gánh gùi bão táp trên lưng
họ đi song song với biển Đông
trong cuộc đọ sức với kẻ thù đã bay lên
mặt trăng bằng tàu vũ trụ
Họ phải đi bằng đầu
thế mới thành huyền thoại
có một Trường Sơn làm kinh ngạc
quân thù.
Có ở nơi nào
hoa phong lan trở thành vũ khí
nguỵ trang những con đường dài hàng trăm cây số
con gái tranh nhau đi phá bom từ trường, nổ chậm
con gái lái xe vượt trọng điểm mịt mù...
Thời ấy, Trường Sơn
chẳng có nơi nào bom nhiều như thế
(bốn triệu tấn bom địch giội xuống tuyến đường)
trọng điểm
đá núi thành đất bụi
mảnh bom cứa vào giấc ngủ
chất độc da cam gặm nhấm tế bào người
Giặc Mỹ đẻ ra quỷ dữ pháo đài bay B52 rải thảm
bắt mây làm mưa nhão nhoét cung đường
cắm xuống mặt rừng cây nhiệt đới biết lắng nghe
chế tạo bom laze định hướng
chúng có thể đốt cháy cả Trường Sơn nghìn dặm
nhưng làm sao thiêu huỷ được con đường
con đường mang ý nghĩa Sinh tồn
Tổ quốc!
*
Dưới tán cây bồ đề
ta gặp cua chữa A
gặp đèo Phu La Nhích
gặp ngầm Tà Lê
gặp đỉnh Cổng Trời
ngã ba Lùm Bùm
bãi Dinh
Tha Mé
gặp lại Văng Mu – cuống họng
Trường Sơn...
Kể sao hết những địa danh máu lửa
Muốn vượt qua ta phải vượt chính mình.
Có lúc
ta trở thành kẻ thù của ta
cái chết – nỗi sợ
không phải chỉ một lần ám ảnh
cuộc chiến nhiều xương máu
ta chấp nhận hy sinh
bởi không chịu đánh mất Tổ quốc này.
Trường Sơn
những người lính công binh
những người lính bộ binh
những người lính pháo binh
những người lính lái xe
những người lính xăng dầu
những người lính giao liên
những người lính văn công
những người lính quân y...
và lớp lớp thanh niên xung phong
thay nhau ngã xuống
cùng nhau ngã xuống.
20.000 người lính Trường Sơn
nằm lại Trường Sơn.
Có một Trường Sơn
nằm dưới ba thước đất
đồng đội ru nhau dưới đáy rừng già
đồng đội hát dội vào ngực đá
Ta vượt lên đỉnh núi cao Trường Sơn
đá mòn mà đôi gót không mòn
trong vòng xoáy âm dương mờ tỏ
một binh đoàn mang dáng núi hiện lên...
*
Vị Tư lệnh Trường Sơn năm xưa
đứng dưới cây bồ đề tóc rớm trắng
giọng nghiêm trang như đọc lệnh thông đường:
- Khi nâng cấp, tôn tạo nghĩa trang
cây bồ đề vẫn phải được giữ nguyên vị trí.
Vị trí mọc của cây đã được Đấng Thiêng liêng lựa chọn
Tượng đài Đức Phật không ai được đổi thay
Tâm linh tôi tin vào điều ấy
như tin dưới cỏ xanh có Cuộc sống Vĩnh hằng.