Thơ » Việt Nam » Nguyễn » Nguyễn Du » Nam trung tạp ngâm » Làm quan ở kinh đô Huế (1805-1808)
征夫懷往路,
夜色尚蒙蒙。
月落猿聲外,
人行虎跡中。
力衰常畏露,
髮短不禁風。
野宿逢樵者,
相憐不在同。
Chinh phu hoài vãng lộ,
Dạ sắc thượng mông mông.
Nguyệt lạc viên thanh ngoại,
Nhân hành hổ tích trung.
Lực suy thường uý lộ,
Phát đoản bất cấm phong.
Dã túc phùng tiều giả,
Tương liên bất tại đồng.
Khách lữ hành nghĩ đến con đường trước mặt
Sắc trời đêm vẫn còn mờ mờ
Trăn lặn ngoài nơi có tiếng vượn hú
Người đi trong chốn cọp in dấu chân
Sức yếu thường sợ sương móc
Tóc ngắn không ngại gió thổi
Đêm ngủ nơi đồng quê gặp người đốn củi
Thương nhau không vì chỗ giống nhau
Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]
Nghĩ đường trước mặt mà lo,
Trời mai còn vướng lờ mờ bóng đêm.
Ngoài nơi vượn hú trăng chìm,
Trong nơi cọp dạo im lìm người đi.
Sương đầm những ngại lực suy,
Mái đầu tóc ngắn sợ gì gió tung.
Quán quê gặp gỡ tiều ông,
Thương nhau há tại cảnh đồng mà thương.
Gửi bởi Trương Việt Linh ngày 29/09/2013 18:33
Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Trương Việt Linh ngày 08/11/2018 11:53
Trời đêm mịt mịt mờ mờ
Đường lên phía trước khách ngơ ngẩn lòng
Lối đi in dấu hổ rừng
Trăng tà tiếng vượn não nùng hú vang
Tuổi già thêm ngại hơi sương
Mái đầu tóc ngắn dễ đương gió bồng
Tiều phu đêm trọ ngủ chung
Thương nhau đâu nệ phải cùng giống nhau
Câu thứ 6 của bài thơ: 髮短不禁風/Phát đoản bất cấm phong, ý đã dịch là: Tóc ngắn không sợ gió. Xét cùng câu 5. 力衰常畏露/Lực suy thường uý lộ, ý đã dịch là: Sức yếu thường sợ sương. Ta có cặp câu 5 và 6 rất đối nhau là: Sức yếu thường sợ sương,/Tóc ngắn không sợ gió.
“Quách Tấn là một nhà thơ chuyên về Đường luật. Có lẽ từ đầu thế kỷ đến nay, không một nhà thơ nào chuyên chú và có công với thơ luật bằng ông; vì ông đã sáng tác trên cả ngàn bài thơ Đường, kể cả thơ dịch" đã dịch thơ là “Sương đầm những ngại lực suy,/Mái đầu tóc ngắn sợ gì gió tung.”.
Về bài Trên đường Phượng Hoàng ông dịch chuyển thể ngũ ngôn bát cú sang thể lục bát, sát nghĩa mà đọc rất tự nhiên thể hiện được tinh thần của bài thơ của Nguyễn Du, mặc dù ở thể lục bát những câu ở thể “biền ngẫu”, “biền văn” hay “đối nhau” rất khó dịch.
Tôi phải nói dài dòng như vậy vì cụ Quách Tấn (1910-1992) là nhà thơ lớn, dịch giả lớn.Song có một câu trong bài tôi vẫn thấy ngờ ngợ về ý tứ của nó.
Xin mạo muội nêu cùng các vị:
Vấn đề ở đây là dịch nghĩa câu 6.
1. Từ việc xem xét từ 不禁/bất cấm,
-Theo Từ Điển Hán Việt do Vương Trúc Nhân- Lữ Thế Hoàng biên soạn, 不禁/bất cấm là từ có hai âm tiết với nghĩa là: Không nhịn được, không kìm nổi, không nén nổi (theo sách Giáo Trình Hán ngữ của Đại Học Ngôn Ngữ Văn Hoá Bắc Kinh cũng có nghĩa như thế)
- Theo Từ Điển Hàn Việt Trích dẫn, và Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu…Động từ 禁/cấm có các nghĩa là: Ngăn, chận, Giam cấm, Đương nổi, chịu đựng nổi, nhịn, nín, cầm
. Với cấu trúc phó từ 不/bất- động từ 禁/cấm, thì 不禁/bất cấm có các nghĩa: Không ngăn được, không chặn được, không cấm được, không đương nổi, không chụi nổi, không nhịn được, không kìm nổi, không nén nổi.
Như vậy 不禁/bất cấm tuyệt nhiên không có nghĩa nào là: không sợ,
2. Xét nghĩa của 不禁風/bất cấm phong . Như đã nêu trên ta không thể dịch là: “Không sợ gió” mà phải dịch là: “Không đương nổi gió, không ngăn nổi gió, không chụi nổi gió …”
Xin ví dụ:- Trong Từ Điển Hàn Việt Trích dẫn : “ Nguyễn Du 阮攸: Thành nam thuỳ liễu bất cấm phong 城南垂柳不禁風 (Thương Ngô Trúc Chi ca 蒼梧竹枝歌) Thành nam liễu rủ không đương nổi với gió”.
- Trong Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu: “ thơ Nguyễn Du 阮攸: Thành nam thuỳ liễu bất cấm phong 城南垂柳不禁風 thành nam liễu rủ khôn ngăn gió.”
3. Nghĩa của câu 6: 髮短不禁風/Phát đoản bất cấm phong. Nếu 髮短/phát đoản dịch là tóc ngắn , thì câu 6 có nghĩa: Tóc ngắn không đương nổi gió, Tóc ngắn không chụi nổi gió, hay Tóc ngắn không ngăn nổi gió.Hình tượng “Tóc ngắn” chẳng ăn nhập gì với bài thơ.
Nhưng 髮短/phát đoản còn có nghĩa khác. Chữ 髮 /phát theo Từ Điển Hàn Việt Trích dẫn có nghĩa là: “(Danh) Chỉ cây cối trên núi..Trang Tử 莊子: Cùng phát chi bắc, hữu minh hải giả, thiên trì dã 窮髮之北, 有冥海者, 天池也 (Tiêu dao du 逍遙遊) Phía bắc cây cối trên núi khô cằn, có bể thẳm, tức là ao trời.”. Chữ 短/đoản có nghĩa là: “ (tính từ) ngắn , non”. Vì thế 髮短/phát đoản có nghĩa là: cây non trên núi
髮短不禁風/Phát đoản bất cấm phong. Có thể dịch là: Cây non không đương nổi gió, Cây non không ngăn nổi gió hay Cây non không chụi nổi gió.
4. Ta cũng có cặp câu 5 và 6 rất đối nhau là: Sức yếu thường vẫn sợ sương/Cây non không đương nổi gió. Hay: Sức yếu thường sợ sương/ Cây non khôn ngăn gió. Theo tôi dịch như vây hợp với bối cảnh của bài thơ hơn.
Một lần nữa xin các vị cẩn trọng cùng thảo luận thiển ý này.
Gửi bởi PH@ ngày 16/06/2017 09:24
Đi xa lo đường tới
Còn mịt mờ cảnh đêm
Trăng chìm nơi vượn hú
Đi giữa chân hổ in
Sức yếu sương thường sợ
Cây non gió sao đương?
Ngủ rừng gặp tiều lão
Khác phận mà cùng thương.
Gửi bởi Lương Trọng Nhàn ngày 22/05/2018 18:17
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Lương Trọng Nhàn ngày 23/09/2019 18:36
Con đường trước mặt nghĩ mà lo
Trời tối màn đêm còn mịt mờ.
Trăng lặn rừng sâu nghe vượn hú,
Người đi núi thẳm cọp gầm to.
Sức già thường sợ nơi sương móc,
Đầu bạc ngại gì rừng gió xô.
Đêm trọ đồng quê nhà đốn củi,
Thương nhau đâu phải sống cùng nhau.