Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
2 bài trả lời: 2 thảo luận

Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 16/07/2007 10:15, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Kim Diệu Hương vào 27/04/2008 04:25

I
Tháng giêng ơi, mưa bụi trắng trời
Mưa như buổi đầu ta xa nhà nhỉ?
Con chim lẻ đàn, nhớ tổ
Bâng khuâng ta dắt vợ con về.

II
Lao xao hàng dừa, kẽo kẹt bờ tre
Xanh mởn cúc tần tơ hồng quấn quýt
Ao nhà hoa lục bình tím biếc...

Cây đa làng bão quật đổ rồi
Tôi tìm lại gặp khoảng trời ngơ ngác
Lũ sáo sậu bỏ làng sang chốn khác
Chiều nay sao man mác nỗi buồn riêng.

Cố hương ơi, mảnh đất thiêng liêng
Nơi tổ tiên xóm giềng bình dị
Nơi tôi một thời nhập bạn cùng lũ trẻ
Hái trái thị vàng về ủ giấc chiêm bao.

Nơi cô Tấm dịu hiền, hiếu thảo
Nơi chim đại bàng về đậu ngọn khế chua
Nơi Thạch Sanh xách rìu canh miếu
Nơi bác gái tôi đóng kịch làm vợ vua...

Bà tôi ru tôi:  "Cái cò... cái vạc..."
Cái cò nào lặn lội bờ sông?
Cái cò nào đi ăn đêm vụng trộm?
Vụng trộm nuôi con? Thầm lặng thờ chồng?

Làng ơi, đâu con chim mách lẻo?
Đâu con chích choè tu... huýt...tu... hoe?
Nào con sẻ nâu nhỏ bé?
Nào con cào cào cánh xanh cánh đỏ?
Chập chờn bay trong ký ức tuổi thơ ơi?

Đây giếng làng như một mảnh gương trời
Em  gái nhỏ chiều chiều gánh nước
Em gánh cả bồng bềnh mây thổn thức
Chùng chình, sóng sánh- nỗi đầy vơi.

III
Con nhẹ bước sợ làm đau ngọn cỏ
E thành hoàng chẳng yên giấc nghìn thu
Mẹ ơi, chú cún cưng của mẹ
Điềm tĩnh, phong sương chửa hết dại khờ....


Thanh Hoá, tháng giêng năm 1993

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (2 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Nhạc sĩ Đức Trịnh phổ nhạc

Nhạc: Đức Trịnh
Thơ : Nguyễn Anh Nông
Bản nhạc đươc giới thiệu tại:
http://nguyenng...ost/1894/399234

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

LỚP VỈA TẦNG HOÀI NIỆM TRONG BÀI THƠ VỀ CHỐN CŨ

VỀ CHỐN CŨ
     NGUYỄN ANH NÔNG

I
Tháng giêng ơi, mưa bụi trắng trời
Mưa như buổi đầu ta xa nhà nhỉ?
Con chim lẻ đàn, nhớ tổ
Bâng khuâng ta dắt vợ con về.

II
Lao xao hàng dừa, kẽo kẹt bờ tre
Xanh mởn cúc tần tơ hồng quấn quýt
Ao nhà hoa lục bình tím biếc...

Cây đa làng bão quật đổ rồi
Tôi tìm lại gặp khoảng trời ngơ ngác
Lũ sáo sậu bỏ làng sang chốn khác
Chiều nay sao man mác nỗi buồn riêng.

Cố hương ơi, mảnh đất thiêng liêng
Nơi tổ tiên xóm giềng bình dị
Nơi tôi một thời nhập bạn cùng lũ trẻ
Hái trái thị vàng về ủ giấc chiêm bao.

Nơi cô Tấm dịu hiền, hiếu thảo
Nơi chim đại bàng về đậu ngọn khế chua
Nơi Thạch Sanh xách rìu canh miếu
Nơi bác gái tôi đóng kịch làm vợ vua...

Bà tôi ru tôi:  "Cái cò... cái vạc..."
Cái cò nào lặn lội bờ sông?
Cái cò nào đi ăn đêm vụng trộm?
Vụng trộm nuôi con? Thầm lặng thờ chồng?

Làng ơi, đâu con chim mách lẻo?
Đâu con chích choè tu... huýt...tu... hoe?
Nào con sẻ nâu nhỏ bé?
Nào con cào cào cánh xanh cánh đỏ?
Chập chờn bay trong ký ức tuổi thơ ơi?

Đây giếng làng như một mảnh gương trời
Em  gái nhỏ chiều chiều gánh nước
Em gánh cả bồng bềnh mây thổn thức
Chùng chình, sóng sánh- nỗi đầy vơi.

III
Con nhẹ bước sợ làm đau ngọn cỏ
E thành hoàng chẳng yên giấc nghìn thu
Mẹ ơi, chú cún cưng của mẹ
Điềm tĩnh, phong sương chửa hết dại khờ....

Thanh Hoá, tháng giêng năm 1993
Nguồn:
http://www.thiv...fAp6BrEnqMVLLcQ


LỚP VỈA TẦNG HOÀI NIỆM
TRONG BÀI THƠ VỀ CHỐN CŨ
CỦA NGUYỄN ANH NÔNG

   Tạ Xuân Ngọc

Nguyễn Anh Nông viết nhiều, đủ các thể loại: thơ 4 chữ, thơ 5 chữ, lục bát, tự do… nhưng không hiểu sao tôi vẫn thích cái phá cách của nhà thơ trong bài Về chốn cũ. Nó là sự đan xen giữa giữa 7 chữ, 8 chữ, rồi lục bát biến thể. Có lẽ sự không câu nệ về hình thức thể loại đã giúp cho nhà thơ thể hiện được trọn vẹn mạch cảm xúc của mình. Nếu chỉ đọc lướt qua một lần bài thơ người đọc sẽ chỉ cảm nhận được nỗi bâng khuâng của người con xa xứ. Người con ấy sau bao nhiêu nhiêu năm rong ruổi sông hồ, bây giờ khi thời gian chững lại mới trở về quê để mà ngậm ngùi, để mà hoài niệm. Song, ẩn sâu trong mạch ngầm văn bản, người đọc hãy nhẩn nha, thong thả, suy ngẫm từng câu, từng chữ như người thưởng ngoạn mới có thể nhận ra lớp vỉa tầng hoài niệm của chủ thể trữ tình.
Không - thời gian mở đầu cho bài thơ gợi nên cảm xúc hoài niệm là “tháng Giêng”, là “mưa bụi trắng trời”. Trong cái riu riu lạnh buổi sớm đầu năm, con người ta cần lắm một chỗ tựa nương, một nơi để bộc bạch, giãi bày. “Con chim có tổ, người có tông”, nhân vật trữ tình đã nghĩ đến điều đó nên anh đã đưa vợ con về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. Theo dấu chân của đứa con xa quê lâu ngày về lại đất mẹ, người đọc nhận ra cái không gian quen thuộc của vườn quê xứ Thanh. Đây là hàng dừa lao xao trong nắng, kia là khóm cúc tần bên bờ dậu, là hoa lục bình lặng một màu tím biếc nao lòng… Cảnh đó là cảnh thực. Từ cảnh thực ấy, lần theo từng trang kí ức người đọc mới khám phá ra từng lớp vỉa tầng hoài niệm của thi sĩ.
Thế nhưng, ở ngay lớp vỉa tầng hoài niệm thứ nhất, người đọc đột ngột nhận được… một khoảng trắng trống không. Cây đa đầu làng, dấu vết của thời gian, chứng nhân lịch sử, cột mốc, ngọn hoa đăng chỉ đường cho đứa con xa xứ đã không còn nữa. Người đọc bắt gặp cái ngơ ngác của nhà thơ giữa đồng không mông quạnh - hay cái trống không của quá khứ. Trong tiềm thức của người Việt, hình ảnh cây đa, bến nước sân đình vô cùng gần gũi. Đây là nơi diễn ra nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng thường ngày. Chẳng thế mà trong Đồng chí, Chính Hữu cũng đã từng viết: “Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”. Phải! Cây đa làng, hồn xưa làng cũ không còn. Chỉ còn sự tiếc nuối tiếc đến nao lòng. Đàn sáo đã bay về chốn khác. Nhưng cũng chính từ khoảng trắng ngơ ngác đến hụt hẫng này, người đọc cảm nhận được trọn vẹn vỉa tầng hoài niệm tuổi thơ của chủ thể trữ tình.
Mượn lại chất liệu dân gian, Nguyễn Anh Nông đưa người đọc lên chuyến tàu về lại tuổi thơ. Này là “trái thị ủ giấc chiêm bao”, là “cô Tấm dịu hiền, hiếu thảo”, là “con đại bàng đậu ngọn khế chua”, là chàng “Thạch Sanh xách rìu canh miếu”… Những nhân vật trong thế giới cổ tích ấy đã đồng hành cùng nhân vật trữ tình suốt thời thơ ấu. Khi bàn về văn học dân gian M. Gorki đã nhận định, sáng tác của nhân dân, nó trong lành như nước nguồn ngọt ngào, tươi mát, róc rách từ khe núi chảy ra. Quả đúng như vậy. Làng quê dung dị, nuôi lớn, vỗ về tuổi thơ và tuổi thơ cứ thế lớn lên, cứ thế tắm mình trong không gian mát lành của những câu chuyện cổ tích, nhờ đó mà tâm hồn được chắp cánh bay cao bay xa hơn.
Trong mạch hoài niệm bâng khuâng ấy nhà thơ hỏi:
Làng ơi, đâu con chim mách lẻo?
Đâu con chích chòe tu… huýt…tu…hoe?
Nào con sẻ nâu bé nhỏ?
Nào con cào cào cánh xanh cánh đỏ?
Chập chờn bay trong kí tức tuổi thơ ơi?
Những con vật vốn dĩ rất quen thuộc với tuổi thơ làng quê, phải chăng bây giờ đã biến mất? Nếu thật thế thì tuổi thơ hiện tại sẽ về đâu? Quay trở lại trên ta đã thấy một khoảng trống hụt hẫng trong mạch hoài niệm của thi sĩ khi cây đa làng không còn nữa, vậy thì đến đây mạch hoài niệm ấy vẫn đang duy trì. Cái Nguyễn Anh Nông đi tìm không phải là cái trong hiện tại mà là trong kí ức. Cảnh ấy tồn tại trong tâm tưởng của nhà thơ và làm cho ông như đang được sống trong quá khứ, hòa nhập trọn vẹn với quá khứ. Việc phân thân tìm kiếm nó ở thực tại là điều không thể. Cho nên việc đặt ra những câu hỏi là cách để chủ thể trữ tình hoài niệm mà thôi.
Vẫn trong mạch hoài niệm ấy, người đọc cảm nhận một vỉa tầng khác mang tính nhân sinh. Đó là nỗi xót xa cay đắng phận người được gửi vào hình ảnh mang tính biểu tượng cao: “con cò”.
Bà ru tôi: “Cái cò... cái vạc…”
Cái cò nào lặn lội bờ sông?
Cái cò nào đi ăn đêm vụng trộm?
Vụng trộm nuôi con? Thầm lặng chờ chồng?
Vẫn là người bà ấy thôi. Người bà Việt Nam toan lo vất vả cho con, cho cháu. “Tóc bà trắng tựa mây bông/ Chuyện bà như giếng cạn xong lại đầy” (Nguyễn Thụy Kha). Trong lời ru, trong những câu chuyện bà kể, số phận người phụ nữ trong chế độ xưa vẫn vẹn nguyên trong kí ức của Nguyễn Anh Nông. Những câu hỏi tu từ liên tục đặt ra như một sự ám ảnh. Ca dao có câu “Con cò mà đi ăn đêm. Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao”, Tú Xương cũng viết “Lặn lội thân cò khi quãng vắng”. Con cò trong ca dao và con cò của ông Tú tựu trung lại cũng là hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam. Vất vả, toan lo, cần cù, nhẫn nại trong sự kìm nén hà khắc của chế độ phong kiến xưa. Con cò của Nguyễn Anh Nông ngoài những phẩm chất đó còn mang nặng nỗi lòng của người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống lại kẻ thù xâm lược: Thầm lặng chờ chồng. Có cảm giác như Nguyễn Anh Nông đang day dứt, đang nghiền ngẫm. Sự day dứt nghiền ngẫm ấy chứa đựng triết lí nhân sinh về một cuộc đời, một kiếp người của đứa cháu năm xưa giờ đã trưởng thành: Cuộc chiến tranh vệ quốc đã qua đi, ta được nhiều nhưng những mất mát, đớn đau vẫn còn đó, vẫn còn ám ảnh biết bao người, bao thế hệ.
Cứ tưởng, lần theo những vỉa tầng hoài niệm của nhà thơ, ta chỉ nhận được những hụt hẫng bởi những thăng trầm biến thiên của cuộc đời, những day dứt buồn đau của phận người, nhưng may thay, trở về thực tại người đọc được an ủi ít nhiều. Hình ảnh người em gái nhỏ gánh nước giếng làng như một mạch suối mát trong lành, gột rửa những bụi bặm trần ai sau một chặng đường mỏi mệt.
Đây giếng làng như một mảnh gương trời
Em gái nhỏ chiều chiều gánh nước
Em gánh cả bồng bềnh mây thổn thức
Chùng chình, sóng sánh - nỗi đầy vơi.
Không gian chiều ít nhiều thường gợi nhớ. Nỗi nhớ trong chiều ở ca dao được phân cấp và thể hiện qua công thức miêu tả thời gian. GS.TS. Nguyễn Xuân Kính trong công trình nổi tiếng Thi pháp ca dao đã thống kê số lời ca dao mở đầu bằng “chiều chiều” là 87. Tuy nhiên, không gian chiều trong ca dao, đại đa số đều mang tính ước lệ. Nguyễn Xuân Kính đã chỉ ra rằng, nếu thay đổi “Chiều chiều” bằng các từ “Ngày ngày”, “Đêm qua”, “Hôm qua”… thì ý nghĩa lời ca không thay đổi. Trong khi đó, không gian chiều của Nguyễn Anh Nông gắn với thời gian sự kiện cụ thể. Cho nên không gian chiều của Nguyễn Anh Nông vừa mang tính phiếm chỉ (Chiều chiều là thời gian lặp lại tuyến tính đều), vừa gắn với mạch kí ức của nhân vật trữ tình (Gắn với thời gian quá khứ và điểm đến hiện tại). Bên cạnh đó, việc nhà thơ kết hợp hài hòa các từ láy gợi tả “thổn thức”,  “đầy vơi” và từ láy tạo hình “sóng sánh”, “chùng chình” làm cho hình ảnh người em gái quê nổi bật trong vỉa tầng hoài niệm.
Từ hiện tại hoài niệm về kí ức, rồi từ kí ức trở về với thực tại là một quá trình khép kín. Chuỗi thời gian tuần hoàn trong Về chốn cũ khép lại bằng lời tự thú của nhà thơ. Cái nhẹ bước trên đường làng để khỏi làm kinh động hồn quê ấy chẳng qua chỉ là cái cớ để giãi bày. Rằng:
Mẹ ơi, chú cún con của mẹ
Điềm tĩnh, phong sương chửa hết dại khờ
Hóa ra người con nào khi trưởng thành, khi đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời mới nhận ra điều này: Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con (Chế Lan Viên).
Bài thơ ra đời năm 1993, hai mươi năm trôi qua nhưng vẫn vẹn nguyên sức gợi. Bởi có lẽ Nguyễn Anh Nông nói với mình nhưng cũng là nói hộ biết bao người nỗi niềm ưu tư mỗi khi lần dở từng trang hoài niệm về dĩ vãng một đi không trở lại.

T.X.N

12.00
Trả lời