15.00
Thể thơ: Lục bát
Thời kỳ: Nguyễn

Đăng bởi Vanachi vào 13/11/2005 03:34, đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 13/11/2005 03:36

Ý trong thơ sấm sâu xa,
Ta từng phân giải chẳng ra lẽ gì.
2875. Xưa nay lẽ có thịnh suy,
Gặp sao chịu vậy, hỏi chi sự đời.
Ta nghe quân tử vui trời,
Chỗ lo chẳng vượt khỏi nơi ngôi mình.
Dù còn lòng chính làm lành,
2880. Lựa là phải hỏi tiền trình mà chi?
Hai người muốn học Nhân Sư,
Đợi thầy trở lại Đan Kỳ sẽ hay.
Nợ con, nợ vợ còn vay,
Thần tiên người ấy, e nay khó tìm.
Ngư rằng: Chí dốc đi tìm,
Nho thầy dạy vẽ trọn niềm y tông.
Hay đâu việc học rồng rồng,
Còn ngoài cung bích luống trông ngỡ ngàng,
Trót đà nhờ bạn chỉ đàng,
2890. Đi chưa tột chỗ e mang tiếng cười.
Phép y trước đã trao lời,
Chưa hay tay thước đón nơi thiên nào?
Dẫn rằng: Thầy đã có trao,
Phép dùng thuốc ấy dón vào hai thiên.
2895. Một bài Tiêu bản luận biên,
Một bài Tạp trị phú truyền cho ta.
Để lòng bữa bữa ngâm nga,
Thuộc hai bài ấy; đủ ra làm thầy.

Tiêu bản luận
(Bàn về lẽ gốc ngọn
Dịch nghĩa:
Phàm kẻ trị bệnh, nên biết gốc ngọn, Đem thân người mà bàn, thì ngoài là ngọn, trong là gốc; dương là ngọn, âm là gốc; sáu phủ thuộc dương là ngọn, năm tạng thuộc âm là gốc. Các kinh lạc của tạng phủ thì ở ngoài là ngọn, ở trong là gốc. Cho nên lại như trong thân thể thì khí là ngọn, huyết là gốc. Đem bệnh người mà bàn, thì các bệnh mắc trước là gốc, biến chứng về sau là ngọn. Phàm việc trị bệnh át phải trước trị gốc, sau trị ngọn. Nếu trước trị ngọn, sau trị gốc thì tà khí thêm tăng mà bệnh càng chất chứa, còn nếu trước trị gốc, sau trị ngọn thì dẫu bệnh có hàng chục chứng cũng lui. Như trước mắc bệnh nhẹ, sau thành bệnh nặng thì cũng trị bệnh nhẹ trước, trị bệnh nặng sau, như vậy thì tà khí sẽ lui. Đại khái trị gốc trước vì như vậy.
Như có chứng đầy bên trong, thì không cần hỏi gốc ngọn, hãy chữa chứng đầy bên trong trước, vì nó là chứng gấp. Nhưng nếu sau chứng đầy bên trong còn có chứng đại tiểu tiện bất lợi, thì cũng không cần hỏi gốc ngọn, hãy chữa chứng đại tiểu tiện bất lợi trước, rồi sau hãy chữa chứng đầy bên trong, vì nó còn gấp hơn.
Lại như trước thì mắc bệnh phát nhiệt, thêm chứng nôn mửa, tả lỵ, cơm cháo thuốc men đều khó nuốt, thì khoan chữa bệnh nhiệt mà hãy chữa chứng nôn mửa trước. Khi ăn uống đã tạm bình thường mới trị kèm luôn chứng tả. Đợi cho nguyên khí bắt đấu phục hồi thì mới chữa bệnh nhiệt. Đó là điều người ta vẫn nói là “Hoãn thì chữa gốc, gấp thì chữa ngọn” vậy. Nói chung ngoài các chứng đại tiểu tiện bất lợi, đầy bên trong và thổ tả ra, đều nên chữa gốc trước, không thể không cẩn thận vậy.
Giả sử như can chịu tà của tâm hoả, đó là tà khí từ trước lại, là thực tà.“Thực thì tả con nó”. Nhưng không phải tả thẳng vào hoả, mà phải dùng thuốc dẫn vào can kinh mà dùng vị tả hoả làm quân, đó là cách trị bệnh thực tà. Giả sử như can chịu tà của thận, đó là tà khí từ sau lại, là hư tà.“Hư thì bổ mẹ nó”, dùng thuốc dẫn vào thận kinh mà vị bổ can làm quân, thế là đúng.
Nội Kinh chép “Bệnh là gốc, phép chữa bệnh là ngọn. Nếu hiểu cả gốc ngọn để trị liệu, tà khí sẽ lui”. Người làm thuốc đối với phép xem sắc coi mạch không được quên lãng, không được dùng lầm, đó là phép tắc lớn của việc chữa bệnh. Nếu làm ngược trái lẽ, mỗi làm mỗi sai, sao có thể chữa bệnh cho người. Người bệnh nếu thần bí bị hại thì nên bỏ ông thầy cũ chữa bệnh trái lẽ mà tìm đến ông thầy mới hiểu rõ y lý. Được chữa bằng phép tắc cẩn thận đúng đắn thì mới toàn sinh được. Hai phép ấy là điều chí lý trong việc chữa bệnh, là mẫu mực của nghề làm thuốc vậy.

Tạp trị phú (Bài phú về phép chữa các tạp bệnh)
(Dọn theo của Nhân Trai cùng các sách Bệnh cơ, Dược tính biên chú)
Dịch nghĩa:
Trăm bệnh không ra ngoài tám trận; Chữa bệnh tất phải theo ba phép.
Chính khí ở trong người, dương là biểu mà âm là lý, danh ngôn truyền tự thuở xưa; Tà khí hại người, biểu là âm mà lý là dương, phép mầu lập tự Trọng Cảnh.
Thực thì mạch đi mạnh, da nóng, bụng đầy, đại tiểu tiện không thông; Hư thì mạch đi yếu, da lạnh, khí nhược, tả lỵ, ăn ít.
Bệnh mới phần nhiều là nhiệt; Đau lâu thường trở lại hàn.
Nội thương vì năm tà, cốt phải điều hoà; Ngoại cảm vì lục dâm, liệu mà phát hãn.
Phong là do hoả bốc; Hàn gốc bởi hư ra.
Nắng làm hao khí dịch tinh thần, thường dùng vị ngọt chua mà bổ liễm; Thấp làm hại da thịt gân cốt, tạm uống bài cay, đắng để hãn thăng. Táo phải phân có thực, có hư; Hoả phải xét nên bổ, nên tả.
Đuổi bệnh tật như theo giặc cướp, trừ chúa trùm mà tha lũ hùa theo; nuôi chính khí như chiều tiểu nhân, cốt ngay thẳng chớ quá lòng xét nét.
Vả như:
Thương thực chứa ở dạ ruột, tẩy rửa sẽ khỏi; Đình ẩm thuộc về kinh lạc, tiêu bổ kiêm dùng.
Cá thịt ăn càn mà thấp nhiệt thịnh, phải chữa cho tỳ thổ ráo, cho tiêu hoá lại hồi; Trai gái chơi quá mà tướng hoả xông, phải bổ cho thận thuỷ lên, cho phần âm tính được vững.
Khí có dư mà đầy, suyễn, bĩ, tắc, hoả nhẹ nên cho rút xuống; Huyết không đủ mà ho lao, thổ huyết, kim (phổi) ráo nên cho mát đi.
Bệnh khí thì chữa khí mà huyết có nơi tựa nương; Bệnh huyết phải hoà huyết, mà khí khỏi nỗi ngừng đọng.
Chữa khí phải cay mát cho tan cái nóng; Hoà huyết phải cay nóng mới thông được dòng.
Đến như:
Đờm đọng vì hoả, trị hoả chớ chậm; Hoả uất vì khí, chữa khí nên tăng.
Đờm thì làm cho trong, cho ấm, cho nhuận, cho ráo, chữa có nhiều cách; Uất thì phải nào phát, nào tiết, nào đạt, nào đoạt, khai có, nhiều đường.
Uất lâu sinh đờm, sinh hoả, mà bệnh càng tăng; Bệnh lâu hao khí, hao huyết, sinh hư từ đó
Dương hư ngoài sợ lạnh, thêm thấp nhiệt đọng thì sinh phù thũng; Âm hư trong sinh nóng, nếu phong táo thịnh thì thành dệt tê.
Dương hư hoả suy, thuốc ông dễ bề bổ ích; Âm hư thuỷ thiếu, vị đắng hàn khó cách tưới vun.
Âm, dương đều hư, cứ bổ dương rồi âm sẽ lại; Khí, huyết cùng bệnh, cứ chữa khí mà huyết thấy yên.
Chữa nhiệt bằng thuốc hàn, hàn khí lấp mà khó tiêu được miếng cơm, ngụm cháo; Chữa hàn bằng thuốc nhiệt, nhiệt khí tắc liền thấy sinh ra trằn trọc, hôn mê.
Cho uống thuốc nóng mà không thấy ôn lại, nên bổ tâm phủ; Cho uống thuốc hàn mà không thấy mát đi, nên bổ thận âm.
Âm bình, Dương bí là kẻ sống lâu; Hoả giáng, thuỷ thẳng là mạnh khoẻ.
Lại nghe rằng;
Con trai dương nhiều hơn âm, nên bổ âm cho dương khỏi bệnh; Con gái khí trệ vì huyết, nên khai huyết cho khí được thông.
Người béo khí hư nhiều đờm, từ xưa dạy nên khoát đờm, bổ khí; Người gầy huyết hư hoả thịnh, nhất địng phải tả hoả mà bổ âm.
Trẻ khoẻ, bệnh còn nhẹ, công ngọn có sợ gì; Già yếu, bệnh đã sâu, giữ gốc mới là phải.
Người già khí nhiều huyết ít, chỉ nên liệu cách điều hoà. Trẻ con thuần dương không âm, chớ có quá tay công phạt,
Miền tây bắc gió cao, đất ráo, khát, bí, ung, nhọt thường đau luôn; Miền đông nam đồng trũng. ẩm nhiều, lỵ, ngược (sốt rét), sưng, phù hay mắc phải.
Cao lương thừa mứa, thanh nhiệt, nhuận táo là thuốc thần tiên; Rau cháo lần hồi, trừ thấp, tán hàn là phương tiện tuyệt diệu!
Than ôi! Bệnh có thứ nặng, thứ nhẹ; Chữa có phép nghịch, phép tòng,
Nhẹ thì cứ nghịch mà công; Nặng phải theo tòng mà chữa,
Hàn phải dẫn bằng vị hàn, nhiệt phải dẫn bằng vị nhiệt; Tắc chữa nhân ngay bế tắc, thông chữa nhân ngay thế thông.
Đập ghế mà thu được thần hồn của người khiếp sợ, tay lương y mới khéo làm sao; Sao hành mà khỏi được cơn đau của kẻ bị thương, viên quân lại thật tài quá đỗi,
Chứng thi quyết người như chết thật, nhưng mạch chạy vẫn thường, cứu huyệt Bách hôi sẽ khỏi; Chứng đầy hơi khí cứ tức hoài, nhưng ăn uống bình thường, dùng phép đạo dẫn sẽ lành.
Đường tiết đi thất thường, chỉ vì chân thuỷ không vượng; Oẹ nôn ăn chẳng được, thường là tà hoả bốc xông.
Hỡi ơi!
Phương thuốc cữ không nên câu nệ, khỏi bệnh là hay; Phép chữa xưa chớ hiểu hẹp hòi, tuỳ cơ ứng biến.
Hoàng liên, Khổ sâm là vị hàn, sách dạy uống nhiều hoá nhiệt; Phụ tử, Cam khương là vị bổ, ai hay dùng mãi hại to.
Đúng mà lầm rồi lầm mà đúng, phải rõ cơ mầu; Hư thì bổ mà thực thì tả, chớ dời phép gốc.
Xưa dạy rằng: Đọc sách Trọng Cảnh, cần phải hiểu bản ý của Trọng cảnh; Tôi cũng khuyên: theo phép Đan Khê, phải có kiến thức của Đan Khê,
Nói tóm lại:
Thuộc phép chữa thương hàn, thì khi chữa tạp bệnh càng thêm rõ ràng; Thuộc phép chữa tạp chứng thì khi chữa thương hàn càng thêm chín chắn,
Y đạo vốn nhất quán, định phép tắc nguyên từ các thánh xưa; Học tập phải dụng công, dù thông minh chớ nên cậy mình giỏi.