THẾ GIỚI KHÔNG CÒN TRĂNG
(Tập thơ của Nguyễn Trọng Tạo, Nxb Hội Nhà Văn 2006)
Tưởng không còn gì thời sự hơn thế nữa. Từ một bản tin về một nhóm nhà khoa học Nga kiến nghị chính phủ tiêu hủy trăng để cứu thế giới, nhà thơ đã lập tức rùng mình bởi đừng tưởng giết một tinh cầu giá lạnh / mà ngỡ mình vô tội với tình trăng, và dẫu đó chưa phải là sự thật thì trái tim thi sĩ cũng đã xin nhỏ lệ một lần cho mãi mãi / những tinh cầu ta ngưỡng mộ trên cao.
Tôi liên tưởng đến nhà văn lớn Ý Dino Buzzati cũng đã có cảm giác tương tự khi ông nghe tin con người đặt chân lên Mặt trăng. Vui mừng trước thành tựu khoa học kỹ thuật kỳ diệu của con người, đồng thời nhà văn thấy buồn khi từ nay vẻ quyến rũ bí ẩn của chị Hằng không còn nữa. Tâm hồn văn sĩ thi nhân là vậy. Dino Buzzati là vậy. Nguyễn Trọng Tạo là vậy.
Trong tập thơ mới này Nguyễn Trọng Tạo còn cập nhật nhiều chuyện của đời sống hôm nay. Gọi đó là thơ phản ánh hiện thực cũng phải. Nhưng đúng hơn, đó là thơ ghi lại những dư ba địa chấn của thực tế cuộc sống hiện đại vào tâm hồn con người, một thi sĩ ba đào một chấm than. Số phận của nhà văn là phải làm người “không nhũn não”.
Giữa xô bồ náo động của cuộc sống thời thượng xoay vần chóng mặt con người, khi mà ngỡ như hàng hóa vật chất thay thế tình cảm, che lấp tâm hồn, nhà văn làm gì, làm được gì. Nguyễn Trọng Tạo không né tránh, không chối bỏ cuộc sống hiện đại.
Anh sống với nó cùng thơ, với thơ. Vì chức phận nhà văn là: Anh báo động một ngày tình tan rữa / sói thay người thống soái cả trần gian / trong tuyệt vọng anh tin từng con chữ / sẽ cứu rỗi địa cầu dù con chữ mong manh. Điều nói này không mới. Nhưng nhắc lại như Nguyễn Trọng Tạo ở đây vẫn là không cũ.
Và như thế, thơ Nguyễn Trọng Tạo ở Thế giới không còn trăng vẫn tiếp tục một mạch đi đã được vạch ra từ sớm của anh, riêng anh. Bằng những cảm xúc tươi mới, nóng hổi. Bằng những câu chữ có sức bật nẩy những vỉa tầng nghĩa mới. Bằng lối thơ nhịp chẵn, ngắt khổ đôi. Bằng những ý tứ và ý tưởng bất ngờ, nhiều khi.
Khá nhiều bài trong tập Nguyễn Trọng Tạo viết về bạn bè văn nghệ, người còn kẻ mất, nhưng hiện lên chân dung họ từ câu thơ anh là những người sống tốt trên đời, sáng tạo cô đơn ở đời và dâng hiến lặng lẽ trong đời. Vậy thì làm sao có thể mất đi vầng trăng trong cõi thực và cõi hư, cõi thơ và cõi người như tượng “thằng cu đái” ở thủ đô nước Bỉ vào thơ anh nghìn năm chẳng chịu mặc quần để trở thành biểu tượng vĩnh hằng sự sống trần gian. Đó là sự sống thật. Đó là thơ thật.
PHẠM XUÂN NGUYÊN