Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Thị Mai
Đăng bởi tôn tiền tử vào 12/06/2019 11:06
Nhà không có bố buồn sao
Cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn
Bơm xe chẳng hiểu cái jun
Rát tay bật lửa, đá cùn, xăng khô
Không có bố, không thì giờ
Bữa ăn sớm muộn, chẳng chờ, chẳng mâm
Ngày đông gió bấc mưa dầm
Đậy che mái dột, âm thầm mẹ con
Chẳng vui tiếng điếu rít giòn
Bia không mua uống, em còn bán chai
Nước đun sôi để nguội hoài
Nhà không có bố, biết ai pha trà
Cho dù bãi mật phù sa
Mà không bên lở chẳng là dòng sông.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 12/06/2019 11:07
Vai trò của người cha trong gia đình được khẳng định trong tục ngữ - túi khôn của dân gian - là rất lớn:
- Con có cha như nhà có nóc
- Còn cha gót đỏ như son
- Còn cha ăn cơm với cá
- Mất cha liếm lá, gặm xương...
Cùng mạch nguồn ấy, nhưng nhà thơ khai thác đề tài “không có bố” ở phương diện hơi khác. Không phải chỉ là vai trò tối thượng, tối quan trọng của người cha trong gia đình, mà chủ yếu là trong lĩnh vực tình cảm và trong những việc lặt vặt hàng ngày của cuộc sống.
Nhà không có bố là không có người đàn ông, là buồn sao. Các cụ nói rằng Có nam có nữ mới nên xuân. Không có bố tức là vắng thiếu một người quan trọng nhất của bên nam. Tức là không nên xuân được, cũng tức là thiếu cân bằng và vì thế mà buồn, mà mất vui. Không chỉ buồn vì thiếu tình cảm, mà còn buồn vì sự nghèo nàn, thiếu thốn từ những vật nhỏ nhoi trong những công việc lặt vặt nhưng cần thiết hàng ngày. Khâu vá, thêu thùa, bếp núc là việc của phụ nữ, của mẹ. Còn sửa guốc dép, bàn ghế, sửa xe đạp, bật lửa...là việc của đàn ông, của bố. Nhưng cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn, cái jun thì không hiểu, bật lửa thì bật rát tay mà không nên lửa vì đá mòn xăng khô... Không có bố biết bao nhiêu là phiền toái.
Nhưng chưa hết. Không có bố nên thiếu một nề nếp, một trật tự gia đình. Bữa ăn sớm muộn tuỳ nghi. Cũng tuỳ tiện về giờ giấc và có khi cả về nghi thức, phiên phiến thế nào cũng xong, không cần mâm bàn. Lại nữa không có bố nên mái nhà đành để dột. Và sự khắc phục cũng thật tạm bợ, không chắc chắn: Đậy che mái dột âm thầm mẹ con.
Không có bố chỉ như thế thôi cũng đã bao nhiêu là thua thiệt với gia đình, đặc biệt là với những đứa con. Nhưng chưa hết. Không có bố còn là sự thiếu vắng những niềm vui bé nhỏ, con con của căn nhà. Thiếu tiếng điếu cày rít ròn, không có chai cho em bán sau khi bố uống bia, và nước đun sôi để nguội hoài vì không có người pha trà...
Không có bố thì thiếu nhiều thứ và cũng có những thứ thừa. Và tất cả sự thiếu và thừa ấy đều làm nên gia đình bất bình thường, không hài hoà, cân đối.
Không có bố biết bao nhiêu là buồn...Nhưng vấn đề là vì sao lại có tình trạng nhà không có bố? Nhà thơ không lí giải, và cũng thật khó mà lí giải. Nguyên nhân thì nhiều lắm. Có thể bố đã chết. Có thể bố ra mặt trận. Có thể bố đi công tác. Có thể bố mẹ li dị, li thân. Có thể người phụ nữ “cả nể cho nên sự dở dang” dẫn đến phải nuôi con một mình... Điều mà nhà thơ quan tâm chính là nhà không có bố thì buồn lắm, những đứa trẻ không có bố thì thương lắm. Dù nhà giàu hay nghèo, sung túc hay thiếu đói thì không có bố vẫn làm cho gia đình cọc cạch, những đứa con thiệt thòi. Gia đình cũng như một dòng sông, phải có đôi bờ. Thiếu một vế, dù bất cứ lí do gì đều không ổn:
Cho dù bãi mật phù saTrong cuộc đời thường nhật của nhiều xã hội, nhiều quốc gia khác nhau trên toàn thế giới, không phải là không có những gia đình không có bố vì rất nhiều lí do như đã kể ra.Thông điệp gửi trong bài thơ rất rõ ràng và đầy tinh thần nhân hậu: Hãy làm tất cả để mỗi gia đình đều có đủ vợ chồng, con cái, để cho nhà nhà đều có bố, mẹ; cho trẻ em những niềm sướng vui, hạnh phúc lớn lên trong vòng tay yêu thương bảo bọc của cả mẹ và cha.
Mà không bên lở chẳng là dòng sông