Chưa có đánh giá nào
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Thất ngôn bát cú
Thời kỳ: Nguyễn
9 bài trả lời: 5 bản dịch, 4 thảo luận
2 người thích
Từ khoá: Vị Hoàng (3)

Đăng bởi Vanachi vào 12/07/2005 22:28, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 08/11/2022 16:00

渭潢營

渭潢江上渭潢營,
樓櫓參差接太青。
古渡斜陽看飲馬,
荒郊靜夜亂飛螢。
古今未見千年國,
形勢空留百戰名。
莫向清華村口望,
疊山不改舊時青。

 

Vị Hoàng doanh

Vị Hoàng giang thượng Vị Hoàng doanh,
Lâu lỗ sâm si tiếp thái thanh.
Cổ độ tà dương khan ẩm mã,
Hoang giao tĩnh dạ loạn phi huỳnh.
Cổ kim vị kiến thiên niên quốc,
Hình thế không lưu bách chiến danh.
Mạc hướng Thanh Hoa thôn khẩu vọng,
Điệp Sơn bất cải cựu thì thanh.

 

Dịch nghĩa

Cạnh sông Vị Hoàng có quân doanh Vị Hoàng,
Chòi gác nhấp nhô, cao tận trời.
Ở bến đò xưa, buổi chiều, trông thấy ngựa uống nước.
Giữa cánh đồng hoang, đêm thanh vắng, đóm bay lập loè.
Xưa nay chưa thấy triều đại nào đứng vững ngàn năm.
Nơi đây chỉ còn lại cái tiếng đã trải qua trăm trận đánh.
Thôi, đừng nhìn về phía Thanh Hoa nữa,
Dãy núi Điệp Sơn vẫn không thay đổi vẻ xanh tươi ngày trước.


Vị Hoàng là nhánh sông Hồng chảy qua thành Nam Định ra biển. Năm 1786, quân Tây Sơn theo biển vào sông đánh chiếm quân doanh Vị Hoàng rồi tiến ra chiếm Thăng Long.


[Thông tin 2 nguồn tham khảo đã được ẩn]

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (9 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Thạch Giang

Doanh trại Vị Hoàng bên mé sông,
Nhấp nhô lầu gác ngất tầng không.
Chiều tà ngựa uống ran ngoài bến,
Đêm vắng, huỳnh bay rợp nẻo đồng.
Triều đại ngàn năm xưa vẫn hiếm,
Thế hình trăm trận vẫn còn hùng.
Nhìn về phía xóm Thanh Hoa ấy,
Tam Điệp xanh xanh núi trập trùng.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Địa danh Phù Hoa và núi Điệp Sơn

Chú thích:
Trong sách "Nguyễn Du toàn tập" chép là "Phù Hoa" và chú là thôn Phù Nghĩa, ngoại thành Nam Định (nay là phường Phù Nghĩa, tp Nam Định), phía nam quân doanh Vị Hoàng rõ ràng phù hợp hơn. Một số bản khác cũng chép là Phù Hoa thôn. Không nên gọi một cách cưỡng ép tỉnh Thanh Hoá là "thôn".
- Điệp Sơn là núi Điệp, một quả núi nhỏ và thấp nay thuộc xã Yên Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, gần với Đọi Sơn, phía bắc Vị Hoàng. Cả hai đều có tích vua Lê Đại Hành đi cày ruộng tịch điền.
- Dịch: Đừng nhìn về phía thôn Phù Hoa (nhìn gần về hướng nam- nơi đang có chính quyền Tây Sơn) nữa, mà hãy hưỡng về phía núi Điệp (nhìn xa hơn về hướng bắc, nơi đang có chính quyền vua Lê), mong muốn một cuộc sống thanh bình sẽ được sớm phục hồi.
Đó là tư tưởng của Nguyễn Du thời thanh niên. Hai mươi năm sau, khi đã ra làm quan ở Huế dưới triều vua Gia Long rồi, Nguyễn Du vẫn còn hoài vọng về triều Lê như trong bài "Vọng Thiên Thai tự".

Theo báo: Trường Tiểu học Văn Lý

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bàn thêm về các địa danh trong bài thơ

Bài thơ này được Nguyễn Du viết sau khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc lần thứ nhất năm 1876, đánh chiếm Sơn Nam (đều bằng đường biển) để đánh đổ nhà Trịnh với danh nghĩa "phù Lê, diệt Trịnh".
Chỉ khi quân Tây Sơn tiến ra Bắc lần thứ 2 (ba năm sau đó- Tết Kỷ Dậu, 1789) một cách thần tốc bằng đường bộ nhằm đánh đuổi quân xâm lược Mãn Thanh thì mới đi qua Tam Điệp, Ninh Bình thì địa danh này mới được ghi nhận là nơi dừng chân, dưỡng sức và tuyển quân của vua Quang Trung.
Cho nên, các địa danh "Thanh Hoa" và "Tam Điệp" được gán một cách gượng ép là không phù hợp với bối cảnh của bài thơ.

Trường Tiểu học Văn Lý

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Cạnh sông Vị Hoàng có quân doanh,
Chòi gác nhấp nhô cao ngất xanh.
Chiều bến đò xưa ngựa uống nước.
Lập loè đêm vắng đóm đồng hoang.
Ngàn năm triều đại nào còn vững,
Còn tiếng nơi đây bãi chiến tràng.
Về phía Thanh Hoa đừng ngóng nữa,
Điệp Sơn không đổi vẻ phong quang.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Quách Tấn

Doanh Vị Hoàng trên bờ sông Vị,
Bóng chòi canh xấp xỉ trời cao.
Nhôn nhao ngựa uống bến chiều,
Đồng hoang đêm quạnh dập dìu đóm bay.
Nước nghìn năm xưa nay chưa thấy,
Thế hiểm còn lừng lẫy chiến công.
Thanh Hoa chớ ngoảnh đầu trông,
Điệp sơn núi vẫn trập trùng như xưa.


Đông 1969

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đào Văn Nghi

Vị Hoàng sông có Vị Hoàng doanh.
Gác phượng lầu vàng ngất ngưởng quanh.
Ngựa uống sông xưa chiều bến cũ.
Đóm loè chấm sáng loạn đêm thanh.
Nghìn năm triều thịnh chưa hề thấy.
Trăm trận đâu truyền đất có danh.
Xóm ấy Phù Hoa đừng ngó nữa.
Nơi này Tam Điệp vẫn ngời xanh.

Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Sửa chữ 聲 thành chữ 青

Chữ cuối của câu cuối ở đây chép là 聲 đọc là thanh có nghĩa là tiếng động, âm thanh. Nhiều sách chép chữ này là 青 nghĩa là màu xanh.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Sửa chữ 聲 thành chữ 青

Phải là chữ 青 mới đúng

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đào Duy Anh, Kim Hưng

Vị Hoàng sông có Vị Hoàng doanh,
Lầu gác lô nhô ngất cõi xanh.
Ngựa uống bóng chiều xem bến cổ,
Đóm bay loè nội rộn đêm thanh.
Nghìn năm thịnh mãi triều nào có,
Trăm trận truyền suông thế đất linh.
Cửa xóm Phù Hoa thôi chớ ngó,
Điệp Sơn sắc biếc vẫn rành rành.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Trả lời