Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp nổi danh trong trào lưu Thơ Mới những năm 30 thế kỷ trước với chất giọng tươi trẻ, hài hước, hiền lành mà có duyên như nhận xét của Hoài Thanh: “Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào cũng thoáng thấy bóng một người đang khúc khích cười”. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914, mất năm 1938 tại Hà Nội, là con duy nhất của bà vợ hai nhà báo, dịch giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh. Bà tên là Vi Thị Lựu, người dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn. Sau khi bà Vi Thị Lựu sinh Nguyễn Nhược Pháp, ông Nguyễn Văn Vĩnh lấy thêm vợ ba, người Pháp. Bà Vi Thị Lựu phẫn uất tự tử chết. Lúc đó Nguyễn Nhược Pháp mới hai tuổi.
Nhà báo, dịch giả tài năng Nguyễn Văn Vĩnh là cộng sự về báo chí, được người Pháp trân trọng và tin dùng. Ông giữ trọng trách nhiều tờ báo lúc bấy giờ. Năm 1907, chủ bút
Đăng cổ tùng báo (tiếng nói của Đông Kinh nghĩa thục). Năm 1908, chủ bút
Tờ báo của chúng ta. Năm 1909, tạp chí của chúng ta đều bằng tiếng Pháp. Sau đó làm chủ bút
Đông Dương tạp chí,
Trung Bắc tân văn,
Học báo. Và làm cố vấn tờ
Lục tỉnh tân văn trong Sài Gòn. Đặc biệt thành lập trung tâm Âu Tây tư tưởng năm 1922. Thời gian sau Âu Tây tư tưởng bị khủng bố, lập ra tờ
Nước Nam mới năm 1931.
Do cộng sự với Pháp, ông Nguyễn Văn Vĩnh hiểu nhiều về nước Pháp. Nhận rõ thực chất của chính sách bảo hộ, ông tỏ thái độ bất bình, phản ứng. Tư tưởng ấy bắt nguồn từ việc thành lập Trường Đông Kinh nghĩa thục nhằm đầu tư khai mở dân chí cho người Việt, và việc thành lập Âu Tây tư tưởng đã bị khủng bố vì nó đi ngược lại với mục đích “ngu dân” của chính quyền bảo hộ.
Khi phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp, thế lực của thực dân Pháp suy yếu dần. Ngầm phản đối người Pháp từ lâu, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã thể hiện bằng cách: đặt tên cho cậu con trai bà vợ hai Vi Thị Lựu là Nguyễn Nhược Pháp. “Nhược” là suy nhược. “Pháp” là nước Pháp. Ông Nguyễn Văn Vĩnh sinh được 5 người con gái, 10 người con trai, nhưng không ai có chữ đệm. Chỉ duy nhất Nguyễn Nhược Pháp mang chữ đệm với ý đồ như thế.
Nguyễn Nhược Pháp tuy là con bà hai, nhưng luôn được các con bà cả tôn trọng gọi là anh. Vì bác Pháp học giỏi, hiểu rộng, biết nhiều lại luôn tận tuỵ kèm cặp các em học tập và giảng giải cho các em hiểu biết thêm về những kiến thức văn hoá, nghệ thuật… Nguyễn Nhược Pháp không chỉ là một nhà thơ, ông còn là nhà nghiên cứu văn học, với nhiều bài viết bằng tiếng Pháp.
Chuyện kể rằng, chàng trai Nguyễn Nhược Pháp “thầm yêu trộm nhớ” một tiểu thơ khuê các, lúc ấy được coi là “mỹ nhân đất Hà Thành” (bây giờ là hoa hậu). Đó là giai nhân Đỗ Thị Bính, ở số nhà 67 Nguyễn Thái Học – Hà Nội. Bài thơ
Chùa Hương được sáng tác trong thời gian này. Hôm nào Nguyễn Nhược Pháp cũng lặng lẽ đi qua số nhà 67 Nguyễn Thái Học. Tiếc rằng, số phận nghiệt ngã đã khiến ông sớm qua đời khi còn rất trẻ, tài năng đang ở độ chín. Nên đến khi ông mất cũng chưa kịp gặp tiểu thư Đỗ Thị Bính dù chỉ một lần.
Bạn thân nhất với nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp từ lúc còn trẻ là nhà thơ Nguyễn Bính. Năm 1938, Nguyễn Nhược Pháp mất, Nguyễn Bính đã viết một bài thơ khóc bạn. Ngày 30-3-1991, ông Hoàng Thiếu Sơn gặp ông Nguyễn Dực, em trai nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ở Thái Nguyên đã chép lại và giao cho ông Nguyễn Dực bài thơ này. Vì lý do nhận thức hạn chế thời kỳ đó, ông Nguyễn Dực cất bài thơ đi. Khi ông Nguyễn Dực qua đời, con trai ông là Nguyễn Lân Bình đã tìm thấy trong tài liệu của cha. Nguyễn Lân Bình coi bài thơ như một kỷ vật quý giá của gia đình, nên đã lưu giữ rất cẩn thận.
Nhân đến dự ngày giỗ lần thứ 70 nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, anh Nguyễn Lân Bình đã phô tô tặng tôi bài thơ này. Xin được trân trọng giới thiệu bài thơ:
Khóc Nguyễn Nhược Pháp của nhà thơ Nguyễn Bính để chúng ta có thể thấy rõ hơn tình cảm của những nhà thơ đối với nhau quý giá như thế nào.
[...]
Nguyễn Giang