Từ thuở còn đi học, nhất là khi rời thành phố về sống hẳn ở thôn quê, tuổi chớm lớn với chút tình cảm khác lạ le lói ở trong lòng, tôi bắt đầu biết đến Nguyễn Bính với đôi câu thơ tình của ông vơ vẩn trong đầu. ở vào thời ấy, những năm sáu mươi, thơ Nguyễn Bính không mấy phổ biến trong sách giáo khoa, còn sách in thì hiếm lắm, sở dĩ tôi biết được là qua miệng lớp anh chị lớn tuổi. Thế rồi, bầu không khí thời cuộc và sách học cho cả thế hệ chúng tôi tiếp cận với những bài thơ, câu thơ hào hùng, hoành tráng. Phải nói rằng, những năm tháng ấy, văn học nghệ thuật nói chung và thi ca nói riêng đã xốc cả thế hệ chúng tôi vào cuộc hoặc trên mặt trận chống xâm lược nơi tiền phương, hoặc trên mặt trận học tập, nghiên cứu và lao động sản xuất ở hậu phương, tuy trong sâu thẳm cõi lòng, với chút tình cảm riêng tư, tình yêu đôi lứa, không ít người vẫn bị ám ảnh bởi những câu thơ tài hoa của Nguyễn Bính.
Những năm gần đây, hàng loạt những tuyển tập của lớp các văn nghệ sĩ tiền chiến được các nhà làm sách, nhà xuất bản in tới tấp. Riêng thơ Nguyễn Bính đã có đến mấy tuyển tập khác nhau. Không hiểu thế hệ trẻ bây giờ - thế hệ của những vi tính, ngoại ngữ, có màng gì đến hồn thơ quê mùa Nguyễn Bính? Vào một chiều một chạp trời trở gió mùa, mây xám ùn ùn kéo kín đặc cả bầu trời và gió bấc nổi ào ào, lá cây trên phố phường Hà Nội như trút bay rối bời thinh không. Mọi người đi trên đường như gấp gáp hơn, dáng vẻ họ tuy vội vã song tuyệt không mấy lo lắng gì, bởi ai cũng biết, chỉ ít ngày nữa thôi trời sẽ ấm lên, mưa xuân sẽ rơi nhẹ và lộc nõn sẽ ứa đầu cành. Tôi đi giữa dòng người hối hả như vậy và đầu chợt vang lên một câu thơ Nguyễn Bính “Lá nõn nhành non ai tráng bạc/Gió về từng trận gió bay đi...”. Ờ mà sao đến tận lúc này mình vẫn chưa hề có trong tay một tập thơ nào của Nguyễn Bính nhỉ? Bèn rẽ vào một hiệu sách ngay gần đấy...
Nguyễn Bính cảm và viết nhiều về mùa xuân. Với Mưa xuân, là hội chèo làng Đặng, là cô gái trong khung cửi phơi phới tình xuân, thế nhưng tình duyên cũng lỡ làng, để rồi mẹ già phán bảo “Mùa xuân đã cạn ngày”. Với Mùa xuân xanh, thì mọi chuyện cũng mới chỉ gợi mở “... Bắt đầu là cái thắt lưng xanh”. Trong xế mùa xuân, chiều xế xuân... Sang với Nhạc xuân, xuân là của vạn vật và thi sĩ có reo lên đi chăng nữa thì cũng chỉ là: “Mùa xuân, mùa xuân, mùa rôi rồi/ Giờ đây chín vạn bông trời nở/ Riêng có tình ta khép lại thôi”. Ở Rượu xuân, chỉ còn là xuân của sự phiền muộn nhớ nhung “Uống đi! Em uống cho say/ Để trong mơ sống những ngày xuân qua”. Đến Xuân tha hương thì cảnh ngộ thật thê lương, Nguyễn Bính đã hơn một lần rên rỉ: “Chao ôi! Tết đến mà không được/ Trông thấy quê hương thật não nùng” và “Chị ơi! Tết đến em mua rượu/ Em uống cho say thật não nùng!”, để rồi sau đó “Không than chắc hẳn hồn tươi lại/ Không khóc tha hồ đôi mắt trong/ Chị ơi! Em cưới mùa xuân nhé...”. Có chăng riêng với Thơ xuân, bầu không khí tươi vui hơn, tình xuân lai láng hơn, nhưng rồi với thi sĩ, riêng mình với mình chỉ còn mỗi “... Một áng thơ đề nét chẳng phai”.
Vâng, chỉ riêng với Xuân về, Nguyễn Bính thật sự vui tươi với cảnh sắc thiên nhiên, làng xóm, con người... và có lẽ trước hết bởi tự trong lòng thi sĩ hân hoan, thơ thới tình xuân. Ngẫm toàn bộ bài thơ, từ đầu đến cuối cứ như là có sự hiện diện lần lượt của ba ông Phúc - Lộc - Thọ. Hãy xem, Phúc với màu hồng trên má cô gái chưa chồng, với đàn con trẻ ríu rít trong cảnh mưa tạnh, giời quang, nắng mới hoe. Lộc với lá nõn, lưúa thì con gái, với đầy vườn hoa bưởi, hoa cam ngào ngạt hương... Và Thọ với đôi cô trẩy hội chùa và một viễn cảnh đối với các cô là bà già chống gậy trúc, miệng nam mô, tay lần tràng hạt...
Mỗi xuân về, mỗi lời cầu chúc Phúc, Lộc, Thọ đâu chỉ riêng niềm mong mỏi của Nguyễn Bính hơn nửa thế kỷ trước, mà từ cổ chí kim, ai còn mong muốn gì hơn thế?