Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi qua đời tại Hà Nội chiều ngày 18/4/2003, hưởng thọ 79 tuổi. Câu thơ nổi tiếng - tiếng tốt và tiếng xấu - làm nên danh phận, - danh và phận - Nguyễn Đình Thi:
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Một câu thơ mới mẻ, tươi thắm, hiện đại vào bậc nhất sau Cách mạng tháng Tám 1945. Câu thơ nhỏ nhoi này sẽ mang một số phận nghịch lý: được phổ biến trong mấy tháng, nó bị lên án và cấm chỉ, tháng 9/1949, trong Hội nghị Văn nghệ tại Việt Bắc do Tố Hữu chủ trì. Nghịch lý vì được phổ biến không bao lâu mà câu thơ đã được truyền tụng, có thể nói là rộng rãi nhất của Nguyễn Đình Thi thời kháng chiến chống Pháp. Và có lẽ là câu thơ tiêu biểu cho toàn bộ thi phẩm anh - trong cái bạo và cái mới. Nghịch lý trong số phận bài thơ - ở chừng mực nào đó, cũng phản ánh nghịch lý trong cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Đình Thi, cái phần "tươi thắm vô ngần" không khuất lấp hết phần "vất vả, đau thương" (Nhớ, 1954).
"Cỏ mòn thơm mãi..." là câu thứ ba trong bài Sáng mát trong như sáng năm xưa đăng trên báo Văn Nghệ số 6 tháng 10/11/1948 xuất bản tại Việt Bắc. Bài này kết hợp với bài Đêm mít tinh, số 8-9 xuân 1949 sẽ trở thành bài
Đất nước nổi tiếng về sau.
Dạng thứ hai của câu thơ là:
Sông Cầu êm ả cuộn về xa
Dạng thứ ba (cuối cùng), 1955 phổ biến đến bây giờ:
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Câu thơ, tự thân nó, ở dạng 1 là hay nhất. Nhưng trong toàn cảnh bài
Đất nước, thì thoại 3 hài hoà hơn. “Cỏ mòn thơm mãi...” câu thơ tôi đã biết từ lâu, qua lời truyền tụng. Nhưng toàn văn bản, giấy trắng mực đen thì chỉ được đọc mới đây thôi, năm 1998, khi Hội Nhà văn cho in lại những số báo
Văn nghệ thời kỳ đầu.
Tuy nhiên, trước đó tôi có được nghe toàn văn, lần đầu ngày 29/10/1990 tại Paris, hôm đi chơi với hai anh Phạm Duy và Nguyễn Đình Thi là bạn cũ. Anh Thi sang Pháp lần ấy là lần duy nhất, sau khi đã thôi chức ở Hội Nhà văn. Hôm ấy, tôi đưa hai anh đến quán La Closerie des Lilas, ngồi vào chỗ Apollinaire thường ngồi, và Phạm Duy đã mơ màng đọc thuộc lòng nguyên bài Sáng mát trong, thoại 1948 non 30 câu, cho Nguyễn Đình Thi nghe. Tôi rất phục trí nhớ Phạm Duy. Và phục các anh ấy ở nhiều điểm khác. Như chuyện tình bạn và tình nghĩa.
Cách đây 43 năm, 1947, những ngày thu đã xa, vào cuối tháng 10 này, các anh ấy đã hát cho nhau nghe. Một đêm vui, trăng sáng sân đình, tại làng Gia Điền, miệt trung du Phú Thọ. Phạm Duy đã thích thú hát Tiếng hát Trương Chi. Chuyện này do Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) kể lại, trong Nhật ký.
Hôm ấy, Paris trời mưa
Những phố dài xao xác hơi may.
Mưa lay bay mà nhớ thao thao
Nguyễn Đình Thi là một tác gia quan trọng, đã gắn liền tài năng và tên tuổi mình vào lịch sử văn học đất nước, từ những cuộc tranh đấu kháng Nhật, đến hai cuộc chiến tranh sau này.
Tuỳ giai đoạn lịch sử và theo tuổi đời, Nguyễn Đình Thi đã chứng tỏ tài hoa và tài năng qua nhiều bộ môn sáng tác: nhạc, thơ, tuỳ bút, bút ký, lý luận, truyện ngắn, tiểu thuyết và kịch. Đồng thời anh đảm nhiệm thường xuyên nhiều trách vụ chính trị. Uỷ viên chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam từ 1948, anh làm Tổng Thư ký Hội Văn nghệ từ 1956 rồi Hội Nhà văn hơn ba mươi năm liền (1958-1989), làm Chủ tịch Uỷ ban Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam. Nguyễn Đình Thi là nhân vật quyền chức, chức thì đã rõ ràng là nhiều, nhưng quyền đến đâu thì chúng tôi không rõ.
Việc chính của nhà văn là làm văn, chứ không phải làm quan. Con thuyền chức tước Nguyễn Đình Thi, suốt nửa thế kỷ thuận buồm, nhưng những trước tác tâm đắc của anh chưa bao giờ một lèo xuôi gió.
Nguyễn Đình Thi quê quán Hà Nội, nhưng sinh tại Luang Prabang, Lào, ngày 20/12/1924. Từ 1931 theo gia đình về nước, học tại Hải Phòng, Hà Nội. Năm 1941 tham gia Thanh Niên cưú quốc, 1943 tham gia Văn hoá cứu quốc, bị Pháp bắt nhiều lần. Năm 1945, tham dự Quốc Dân Đại hội Tân Trào, vào Uỷ ban Giải phóng Dân tộc. Năm 1946, là đại biểu Quốc hội trẻ nhất, làm Uỷ viên Thường trực Quốc hội, khoá I.
Từ 1942, anh đã viết hàng loạt sách triết học. Triết học nhập môn, Siêu hình học, triết học Aristote, Descartes, Kant, Nietzsche, Darwin, Einstein... trong khi giới trí thức Việt Nam thời ấy không mấy quan tâm đến triết học, ví dụ Xuân Diệu, Huy Cận, Hoàng Cầm, Vũ Hoàng Chương. Các lý thuyết gia như Đặng Thai Mai, Hoài Thanh cũng không mấy lưu tâm đến các khái niệm trưù tượng, có lẽ trừ nhóm Hàn Thuyên, về sau bị lên án là tờ-rốt-skít. Do đó, tư duy Nguyễn Đình Thi có những nề nếp và nền nét riêng.
Thời kỳ này anh sáng tác nhạc, nổi tiếng nhất là bài Diệt phát xít, làm đua với Văn Cao, và anh làm xong trước bài Chiến sĩ Việt Nam. Bài Thanh Niên cứu quốc ca được hát ở Tân Trào, Hồ Chí Minh đã phê bình: "Bây giờ còn hỏi: gươm đâu, súng đâu là muộn đấy. Phải nói gươm đây, súng đây...", sau đó là bài hát của Người Hà Nội, về mặt trận Hà Nội đầu 1947 làm tại Phú Thọ.
Thời chống Pháp, anh tham dự hầu hết các chiến dịch lớn, Tây Bắc 1948, Biên Giới 1949, Trung Du 1951, Hoà Bình 1952. Ở mặt trận Điện Biên 1954, anh làm Chính trị viên Phó Tiểu Đoàn, đánh lên đồi A1, sau đó làm công tác tù binh. Nhưng có lần anh thổ lộ với tôi: chưa hề bắn một phát súng. Anh người cao lớn, có lần bị du kích bắt vì nhầm là Tây... đi lạc.
Từ 1955, anh về làm việc tại Hội Văn nghệ Việt Nam tại Hà Nội, làm Tổng Thư ký từ 1956, đúng vào thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, và bị nhiều tai tiếng và ân oán giang hồ kể từ đó.
Vốn hiểu biết sâu rộng, nhất là về triết học và thẩm mỹ học, cảm quan nghệ thuật sắc bén, tài hoa về nhiều mặt, Nguyễn Đình Thi còn có một kiến thức và ý thức chính trị vững chãi. Sức khoẻ dồi dào, anh là người xông pha và xông xáo, ham suy nghĩ, học hỏi và lao động nghệ thuật cật lực. Anh đủ các phẩm chất để hoàn tất một sự nghiệp văn hoá lớn, trong một xã hội bình thường. Nhưng hoàn cảnh lịch sử đã đòi hỏi anh phải phân tán tài năng và đặt các tiêu chuẩn xã hội lên trên quan niệm thẩm mỹ. Sau đó là công tác hành chánh, quản lý một mặt chiếm thì giờ, mặt khác ràng buộc khả năng nghệ thuật. Anh đánh cuộc và phải trả giá. Trả giá để sống, sống để viết, viết chừng mực nào đó theo ý mình.
Nguyễn Đình Thi thường thường là người đi trước. Chưa dám nói là người dẫn đường, cũng phải nhận anh là người "nhận đường" (1947) với số phận chênh vênh của nó. Anh đi trước trong những phong trào, thể loại, chủ đề, rung cảm.
Ví dụ về thơ. Cánh mạng tháng 8/1945 chấm dứt phong trào Thơ Mới và tạo điều kiện cho một cách tân trong thi ca, mà Nhớ máu của Trần Mai Ninh, Đèo Cả của Hữu Loan, Ngoại ô mùa đông 46 của Văn Cao là những điển hình. Nhưng sau đó, các Hội nghị Văn nghệ 1948 và nhất là 1949 tại Việt Bắc đã dập tắt những ngọn lửa cách tân, nhân danh các tiêu chuẩn dân tộc, khoa học và đại chúng - nhất là đại chúng.
Và làm cái bung xung cho lời chỉ trích là thơ Nguyễn Đình Thi, mà Xuân Diệu chê là đầu Ngô mình Sở, Lưu Trọng Lư đòi "tống cổ ra khỏi nền văn học mới, nền văn học kháng chiến và cách mạng" (1). Nhưng nặng nề, dứt khoát và thẩm quyền hơn ai hết là Tố Hữu - mặc dù và sau khi Nguyễn Đình Thi đã nhận kiểm điểm: "Nghe anh Thi tự phê bình thơ anh, anh chị em nghĩ: tại sao biết mình như vậy, mà cứ làm như vậy (...). Lúc thấy cần làm việc, tôi thấy ghét những bài thơ ấy, và tôi thù ghét cái cá nhân chủ nghĩa nó lại trở về với tôi (...) Những bài thơ anh Thi, tôi cho là không hay vì chưa nói lên được nỗi niềm của quần chúng. Đó là nội dung.
Tôi đồng ý thái độ tự phê bình của anh Thi, một thái độ đúng đắn. Còn một điều cần thiết nữa là anh phải kiểm tra lại cái tư tưởng, cái rung cảm của mình trong quần chúng" (2).
Câu cuối của Tố Hữu, không dừng lại ở những bài thơ Nguyễn Đình Thi làm khoảng 1947-1948, nó sẽ là tác động cho toàn bộ trước tác Nguyễn Đình Thi về sau. Những bài diễn văn sau này của Tố Hữu, như những năm 1963-1964 sẽ hệ thống hoá quan điểm đánh giá nói trên, tràn sang phê phán chủ nghĩa nhân đạo chung chung, miêu tả hạnh phúc cá nhân, ngợi ca cuộc sống bình thường, những con người bình thường (3). Nhưng Nguyễn Đình Thi vẫn làm thơ như cũ, có khi còn... tệ hơn trước!
Về văn xuôi, Nguyễn Đình Thi cũng là người đi trước, trong hai chủ đề chính yếu là chiến tranh và cách mạng.
Ngày nay, người ta ca ngợi những tác phẩm sau thời Đổi Mới, 1986, nói lên những mất mát, thương tích của chiến tranh. Nhưng từ thời chống Pháp, Nguyễn Đình Thi, và Bùi Hiển, đã đề cập đến chủ đề này, và đã từng bị chê là tiêu cực, bi quan, chủ bại. Do đó, những truyện ngắn của anh, viết rải rác từ 1948 đến 1954, mãi đến 1957 mới được xuất bản thành tập Bên bờ sông Lô. Chu Nga, không phải là ngòi bút giáo điều, đã tự hỏi: trong những truyện ngắn này của anh phảng phất một nỗi buồn man mác, khó tả làm cho người đọc không thể không suy nghĩ về những hậu quả đau thương của chiến tranh. Tất nhiên điều đó cũng là sự thực thôi, song có nên nhấn mạnh vào khía cạnh đó?(4) Ngược lại, tiểu thuyết Xung kích phấn khởi, sôi nổi hơn, được in từ 1951 và được ngay giải thưởng Văn nghệ, lại là một tác phẩm xoàng.
Trong đề tài chiến tranh, Vào lửa, 1966, là tiểu thuyết đầu tiên về cuộc kháng chiến chống Mỹ trên miền Bắc, đồng thời cũng là tác phẩm đầu tiên nêu lên những va chạm giữa hai thế hệ, già và trẻ, chống Pháp và chống Mỹ, chủ đề sẽ được phát triển về sau trong Mẫn và tôi, 1973, của Phan Tứ, hay Dấu chân người lính, 1972 của Nguyễn Minh Châu. Và Nguyễn Minh Châu sẽ trực diện diễn tả số phận con người trong chiến tranh, đồng thời ngay thẳng đặt vấn đề tự do văn nghệ, "Ai điếu cho một nền văn chương minh hoạ", một dũng cảm mà Nguyễn Đình Thi chưa bao giờ bày tỏ, ở một vị thế được ưu đãi hơn nhiều.
Mặt trận trên cao, 1967 của Nguyễn Đình Thi, là tiểu thuyết đầu tiên nói về binh chủng không quân, về chiến tranh kỹ thuật, một đề tài hoàn toàn mới, mà Hữu Mai về sau, sẽ khai thác triệt để hơn trong hai tập Vùng trời, 1971 và 1974.
Văn chương về chiến tranh Việt Nam thì nhiều, nhưng Nguyễn Đình Thi đã vạch lại hành trình người lính bộ đội Việt Nam, từ thuở chân không giầy đạp nát đồn Tây (1950) đến khi sử dụng tên lửa, ra đa. Đồng thời anh cũng ghi lại tâm lý, tâm tư, hoài vọng của người lính thuộc nhiều thế hệ, hoàn cảnh, trong ba mươi năm cầm súng.
Trong đề tài cách mạng, hai tập Vỡ bờ I, 1962 và Vỡ bờ II, 1970, là tác phẩm quy mô đầu tiên dựng lên toàn cảnh cuộc vận động Cách mạng 1945 - đề tài mà anh đã ấp ủ từ 1948, ước mơ học tập được nghệ thuật của Tolstoi trong Chiến tranh và hoà bình. Anh đã dày công lao động trong hơn mười năm - thời gian này anh đã tranh thủ viết Vào lửa và Mặt trận trên cao để... dưỡng sức. Hai tập Vỡ bờ là bức tranh hoành tráng về cuộc tổng khởi nghĩa đi từ mặt trận Việt Minh kháng Nhật chống Pháp đến Cách mạng tháng 8/1945, từ khu mỏ than Đông Triều, qua thôn xóm ven sông Lương đến hè phố Hà Nội, tầng tầng lớp lớp quần chúng đủ mọi giai cấp, ào ào "tức nước vỡ bờ", nô nức hướng về cách mạng. Vỡ bờ là trước tác tâm huyết mà Nguyễn Đình Thi ấp ủ với nhiều kỳ vọng và trau chuốt rất công phu, nhưng đã không được tiếp đón như anh mong ước.
Trái lại tác phẩm đã bị phê phán gay gắt, khiến anh nổi đoá, trả lời trên Tạp chí Văn Học "tôi là người viết, dắt đến một con ngựa, nhưng bạn phê bình lại hỏi: cái con này của anh sao lại thiếu hẳn một đôi sừng? Rồi chỉ cho người viết, một con trâu: hãy xem đôi sừng hùng dũng đẹp thế kia! Tôi e như thế, nói chuyện với nhau vẫn chưa hiểu nhau".(5)
Mấy tháng sau, Phong Lê, thuộc Viện Văn Học, thay mặt cho giới phê bình đã trả lời "nhưng đâu phải thế. Nhà phê bình cũng biết là ngựa đấy, nhưng là giống ngựa gầy yếu mà nhà văn thì có vẻ lại muốn xem nó là thứ ngựa chiến, khoẻ và đẹp".(6)
Trả lời giới phê bình đòi hỏi ở tiểu thuyết những "tính cách", Nguyễn Đình Thi cho rằng đấy là lối "đi xem voi, gấu, trong rạp xiếc mà thôi. Tôi e rằng có bạn, đáng lẽ mở trang sách đến với con người, thì lại mải đi soi đi đo nó". Phong Lê cũng đã trả lời, giải thích tại sao phải "đi soi đi đo" và đánh giá tư tưởng Nguyễn Đình Thi còn chậm chạp hơn cả Vũ trọng Phụng hay Khái Hưng, Nhất Linh thời trước, thậm chí sa vào quan điểm vị nghệ thuật mà Nhất Linh đã không vướng mắc. Rồi Phong Lê kết luận: "những tư tưởng đó là rơi rớt của chủ nghĩa lãng mạn, và ít nhiều cũng còn dấu vết của chủ nghĩa tự nhiên nữa, lại được bộc lộ qua một cây bút có vị trí quan trọng như Nguyễn Đình Thi, nên hiện tượng đó càng không thể bỏ qua".(6)
Ngoài những phê phán về đường lối, tư tưởng và phương pháp, giới phê bình thời đó còn chê trách Nguyễn Đình Thi cho những nhân vật trong Vỡ bờ hôn nhau nhiều quá, và như vậy là "không đứng đắn" (!).(5)
Về sau Phan Cự Đệ sẽ phê phán ôn hoà, chừng mực hơn: "Nguyễn Đình Thi nhìn một số nhân vật dưới góc độ của chủ nghĩa nhân đạo (ít nhiều mang màu sắc tiểu tư sản) của những vấn đề lương tâm, danh dự, nhân phẩm, đạo đức chung chung nhiều hơn là dưới ánh sáng của quan điểm giai cấp công nhân... Nguyễn Đình Thi nhạy bén với những vấn đề của đất nước, dân tộc hơn là những vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp".(7)
Một cách nói rằng: anh là nhà văn giỏi, nhưng là một người công dân tồi. Nếu quả đúng như thế thì may cho anh Thi, may hơn là phương trình ngược lại.
Về điện ảnh, ở miền Bắc thời ấy, Nguyễn Đình Thi cũng là người khai phá. Hợp tác với đạo diễn Liên Xô, Roman Karmen, anh đã thực hiện và thuyết minh phim tư liệu dài và màu đầu tiên "Việt Nam trên đường thắng lợi" 1955.
Cuối cùng, về kịch, Nguyễn Đình Thi lại là người đi trước. Trong thể loại sân khấu, trước tác Nguyễn Đình Thi gian nan hơn cả, không phải vì tác giả đưa tư tưởng đi xa hơn so với thơ và truyện. Nhưng vì kịch có một quần chúng đông đảo quy tụ cùng một lúc, khác với thơ và truyện mà người ta có thể trùm chăn đọc một mình. Thơ trường phái Nguyễn Đình Thi khó mong nhiều độc giả, mà độc giả trường phái ấy cũng khó bề làm hậu thuẫn chính trị. Những độc giả thơ có tiềm năng làm "gió hôm nay là giông bão ngày mai" thì đã được rèn luyện trong lò Tố Hữu.
Vì vậy kịch bản Con nai đen, 1962, bị phê phán và ngăn chặn từ trong trứng nước. Sau đó, Nguyễn Đình Thi viết: Hoa và Ngần, 1974; Giấc mơ, kịch thơ, 1977; Rừng trúc, 1978; Nguyễn Trãi ở Đông Quan, 1979; Tiếng sóng, 1980; và bốn vở kịch ngắn khoảng 20 trang: Người đàn bà hoá đá, 1980; Cái bóng trên tường, 1982; Trương Chi, 1983; Hòn cuội, 1986.
Vở Nguyễn Trãi ở Đông Quan, sáng tác cho kỷ niệm 600 năm sinh Nguyễn Trãi, được trình diễn mấy đêm gì đó, rồi bị cấm, bị phê phán nghiệt ngã, là đã mỉa mai chế độ, cho rằng trí thức là tù nhân của chế độ. Tôi chưa được xem trên sâu khấu, nhưng anh Nguyễn Đình Nghi đạo diễn đã kể lại niềm hào hứng khi dàn dựng vở kịch, mang nhiều truyền thống sân khấu cổ truyền lẫn tính cách hiện đại, và anh dựng tiếp Rừng trúc trước khi mất.
Trong kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại, 1997, của Hội Nhà văn - mà Nguyễn Đình Thi đã trấn nhậm hơn 30 năm - ở thư mục Nguyễn Đình Thi, trang 630, có đầy đủ tác phẩm theo trật tự thời gian, chỉ loại trừ Nguyễn Trãi Ở Đông Quan.
Nguyễn Đình Thi là người tài năng, ai cũng biết, và tôi rất phục tài anh. Năm 1967, anh viết bài chào mừng đại hội 4 các nhà văn Liên Xô, là một loại văn ước lệ, chỉ cần làm chiếu lệ mà anh đã kể tâm tình:
"Ở miền rừng núi chúng tôi, có một giống chim gọi là từ quy. Các ông bà già bảo rằng có đôi người yêu ngày xưa bị kẻ gian ác ngăn cấm không lấy được nhau, đã hoá thành giống chim ấy. Cho nên đến tận bây giờ, cứ đêm đêm người ta nghe thấy những con chim từ quy gọi nhau từng đôi, một con ở đầu núi này, một con ở đầu núi khác, suốt đêm đôi chim tìm gọi nhau cho đến sáng thì mới gặp nhau. Tôi nghĩ rằng các dân tộc từ bao thế kỷ, cũng đã mò mẫm đi tìm nhau như thế. Và những tác phẩm của các nhà văn thơ lớn ở thời trước cũng khác nào những tiếng gọi tìm nhau của các dân tộc còn bị ngăn cách, chia rẽ trong bóng đêm dày. Chính Cách mạng tháng Mười là buổi bình minh làm cho các dân tộc nhìn thấy nhau và gặp được nhau".(8)
Anh nguỵ biện. Chim từ quy thì quan hệ gì đến văn học, và giao lưu văn học thì cần gì đến cách mạng tháng nọ tháng kia. Rõ là nguỵ biện, thậm chí còn là nguỵ tín. Nhưng tài quá: một là phát biểu đúng đường lối "vô sản quốc tế". Hai là, đề cao văn học Việt Nam và các dân tộc nhược tiểu ngang tầm với các nền văn học bề thế hơn. Ba là, anh mượn diễn đàn quốc tế để hồi âm một tiếng chim từ quy nghe được từ núi rừng Tây Bắc, suốt đời thao thiết ngân vang trong hồn anh.
Lòng ta vẫn ở trên Tây Bắc
Những đêm thao thức tiếng từ quy
(Quê Hương Việt Bắc, 1950)
Đôi chim từ quy là biểu tượng cho tình yêu xa cách - chủ đề chính yếu trong toàn bộ thơ anh:
Anh đứng đây thầm gọi tên em
Xa em anh ngơ ngác
Anh gọi em anh gọi mãi
Em có nghe thấy anh không
(Núi và biển, trong Tia nắng, 1983)
Có một lần, không rõ vì lý do gì, anh cao hứng bảo rằng tôi hiểu thơ anh. Không biết anh nói thật hay nói đùa, cho vừa lòng tôi. Nhưng anh đã nói và tôi đã nghe.
Tưởng nợ nhau một lời nói. Hoá ra nợ nhau một tiếng từ quy. Một kiếp từ quy.
Khỉ thật
"Người bạn thơ phương trời xa"
Orléans, ngày 8 tháng năm 2003
Đ.T
(172/06-03)
(1) Cách mạng, Kháng chiến và Đời sống Văn học, nhiều tác giả, Nxb Tác Phẩm Mới, tr. 206, 1985 Hà Nội
(2) Tố Hữu, Xây dựng một nền văn nghệ lớn, Nxb Văn Học, tr. 46, 1973, Hà Nội
(3) Tố Hữu, sđd, tr. 356
(4) Tác gia văn xuôi Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa Học Xã Hội, tr. 160, 1977 Hà Nội
(5) Nguyễn Đình Thi, Tạp chí Văn Học, số 3, tháng 5-6/1972, tr. 49, 47 và 43, Hà Nội.
(6) Phong Lê, Tạp chí Văn Học, số 6, tháng 11-12/1972, tr. 105 và 109, Hà Nội
(7) Phan Cự Đệ và Hà Minh Đức, Nhà văn Việt Nam, Tập I, Nxb Đại Học và Trung Học chuyên nghiệp, tr. 735, 1979 Hà Nội
(8) Tạp chí Văn Học, số 11, 1967, tr. 74, Hà Nội
Nguồn: Tạp chí sông Hương
tửu tận tình do tại