Thương ôi! người ngọc ở Bình Đông
Lớn nhỏ trong làng thảy mến trông.
Biết đạo khác bầy con mắt tục
Dạy dân nắm giữ tấm lòng công.
Đặng danh vừa rạng bề nhà cửa,
Vì nghĩa riêng đền nợ núi sông.
Một trận trải gan trời đất thấy,
So xưa nào thẹn tiếng anh hùng.


Phan Ngọc Tòng hay Phan Tòng, Phan Công Tòng (1818-1868) quê làng An Bình Đông, tổng Bảo An, huyện Ba Tri (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre), là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa kháng Pháp năm 1868 tại Ba Tri, Bến Tre. Tương truyền, ngay sau khi quân Pháp đánh chiếm Bến Tre năm Đinh Mão (1867), phong trào kháng Pháp liền nổi lên khắp nơi trong tỉnh. Khi ấy, Phan Ngọc Tòng chỉ là một thầy giáo làng (hương giáo) và đang mang tang mẹ, nhưng vẫn đứng ra tập hợp dân chúng đứng lên hưởng ứng và được Phan Tôn, Phan Liêm cử làm Đốc binh. Đầu năm Mậu Thìn (1868), quân Pháp mở cuộc hành quân về Ba Tri. Ngày, đội quân ấy đi ruồng bố, đến đêm, thì co cụm lại nơi ngôi miếu cũ trên một gò đất hoang vu, có tên là Giồng Gạch (nay thuộc xã An Hiệp).

Hiểu được việc đi lại của quân Pháp, đêm ngày 6 rạng ngày 7 tháng Giêng (30-1-1868), Phan Ngọc Tòng, khi ấy mới nhận chức có bảy tám ngày, đã tổ chức nghĩa quân tấn công vào cứ điểm trên của quân Pháp, với khẩu lệnh xung phong là tiếng hô “hè” (vì vậy trận này có tên là trận Giặc Hè) để uy hiếp tinh thần đối phương. Trong trận kịch chiến này, ông Tòng đã tử trận cùng với nhiều nghĩa quân. Thân xác Phan Ngọc Tòng sau đó được dân làng mang về chôn cất tại quê nhà, tức làng An Bình Đông.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]