Thơ thành viên » @ MINH HÙNG PY » Trang thơ cá nhân » Thơ thất ngôn bát cú, trường thiên
Công Uẩn điện tiền chỉ cấm quân (1)
Được làm hoàng đế bởi suy tôn (2)
Dời đô đất mạch xây thành quách (3)
Bình loạn biên cương phá trại đồn (4)
Văn trị dẻo mềm nào kẻ giỏi (5)
Võ công dũng lược mấy người khôn (6)
Thăng Long thủ phủ rồng vàng hiện
Thái Tổ truyền nay mãi vĩnh tồn!
Tuy Hoà, 08/3/2017
(1) Lúc bấy giờ Lý Công Uẩn đương chức “Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ” là chức Tổng chỉ huy quân cấm vệ của vua (Ở thời Tiền Lê, chức vụ này khá quan trọng).
(2) Vào mùa đông, tháng 10 năm Kỷ Dậu 1009, Lê Long Đĩnh qua đời. Nhân lòng người và các triều thần đã chán ghét nhà Tiền Lê, sư Vạn Hạnh cùng bầy tôi trong triều đã vận động và tôn Lý Công Uẩn làm vua vào ngày 2 tháng 11 năm Kỷ Dậu (tức 21/11/1009). Ông nằm trong danh sách 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
(3) Tháng 7 năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) thì khởi sự dời đô. Khi thuyền mới đến đậu ở dưới thành, thấy có con rồng vàng hiện ra, nhân thế đặt tên là Thăng Long, liền lập nhiều cung điện, cộng 13 sở, xây thành luỹ, sửa sang phủ khố; thăng châu Cổ Pháp làm phủ Thiên Đức, Bắc Giang gọi là Thiên Đức Giang, thành Hoa Lư gọi là phủ Tràng An.
(4) Năm 1022, thổ dân Đại Nguyên Lịch - một sắc dân Mán cư trú giữa trại Như Hồng và trấn Triều Dương (Đại Tống) - sang đánh phá biên ải Việt-Tống. Lý Thái Tổ ra lệnh cho Dực Thánh vương đánh dẹp Đại Nguyên Lịch, quân đánh đến châu Như Hồng trong đất Tống, đốt kho tàng, bắt nhiều dân và gia súc rồi kéo về.
(5) Thời vua Lý Thái Tổ, Đại Tống và Đại Việt có mối quan hệ hoà bình. Khi Lý Thái Tổ lên ngôi, ông sai Lương Nhậm Văn và Lê Tái Nghiêm sang nước Tống để kết hảo. Năm 1010, Tống Chân Tông phong Lý Thái Tổ chức Giao Chỉ quận vương lĩnh Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ, sau lại gia phong làm Nam Bình vương vào năm 1017. Các vương quốc láng giềng như Chiêm Thành và Chân Lạp cũng thường sang triều cống, cho nên việc bang giao thời bấy giờ khá yên trị.
(6) Năm 1014, vua Đại Lý sai hai tướng Dương Trường Huệ, Đoàn Kính Chí đem 20 vạn quân đánh nước Việt. Quân Đại Lý tiến lên đóng ở bến Kim Hoa, dũng trại Ngũ Hoa. Sau khi châu mục châu Bình Lâm là Hoàng Ân Vinh thông báo, Lý Thái Tổ sai Dực Thánh vương đánh bến Kim Hoa. Quân Việt đánh tan quân Đại Lý, “chém vạn đầu giặc, bắt được quân sĩ và ngựa nhiều vô số” (nguyên văn trong Đại Việt sử lược). Sau chiến thắng, Lý Thái Tổ hạ lệnh cho viên ngoại lang Phùng Chân, Lý Hạc mang 100 ngựa chiến của Đại Lý biếu tặng vua Tống. Triều đình Tống đối đãi các sứ thần rất hậu.