Thơ thành viên » @ MINH HÙNG PY » Trang thơ cá nhân » Thơ thất ngôn bát cú, trường thiên
Thập đạo Lê Hoàn chức tướng quân (1)
Đổi đời Nhiếp chính, Phó vương xưng (2)
Triều ca nổi loạn, trừ gian dữ (3)
Long cổn mặc vào, đánh giặc hung (4)
Rửa nhục, Chiêm Thành vua bị chém (5)
Gột hờn, Triệu Tống tướng đành vong (6)
Mở mang biên ải, cày điền tịch (7)
Kinh tế buổi đầu được chấn hưng (8).
Tuy Hoà, 10/8/2018
(1) Lê Hoàn làm quan cho nhà Đinh dưới thời Đinh Tiên Hoàng, đến chức Thập đạo tướng quân.
(2) Năm 979, vua Đinh Bộ Lĩnh bị ám sát cùng người con Đinh Liễn. Người con thứ của vua tên Đinh Toàn nối ngôi lúc 6 tuổi, Lê Hoàn làm Nhiếp chính, xưng là Phó vương.
(3) Lúc bấy giờ Định quốc công Nguyễn Bặc, Ngoại giáp Đinh Điền, Phạm Hạp nghi ngờ Lê Hoàn sẽ làm điều bất lợi cho vua nhỏ, bèn dấy binh, chia hai đường thuỷ bộ muốn tiến về kinh đô Hoa Lư giết ông.
Lê Hoàn chỉnh đốn quân lữ, đánh nhau với Đinh Điền, Nguyễn Bặc ở Tây Đô, Đinh Điền, Nguyễn Bặc bỏ chạy, đem quân thuỷ ra đánh. Lê Hoàn nhân chiều gió phóng lửa đốt thuyền chiến, chém Đinh Điền, bắt Nguyễn Bặc đóng cũi đưa về kinh sư, sau đem chém. Phạm Hạp được tin, mất khí thế, chạy về làng Cát Lợi ở Bắc Giang. Lê Hoàn đuổi theo, bắt sống Phạm Hạp mang về kinh sư.
(4) Năm 980, nhận tin quân Tống chuẩn bị xâm lược, Thái hậu Dương thj sai Lê Hoàn chọn dũng sĩ đi chiến đấu, lấy người Nam Sách Giang là Phạm Cự Lạng làm Đại tướng quân. Khi triều đình đang bàn kế hoạch xuất quân, Phạm Cự Lạng cùng các tướng quân khác đều mặc áo trận đi thẳng vào Nội phủ, nói với mọi người: “Thưởng người có công, giết kẻ trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao, thì có ai biết cho? Chi bằng trước hãy tôn lập ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”. Quân sĩ đều hô vạn tuế. Thái hậu thấy mọi người đồng lòng quy phục bèn sai lấy áo long cổn khoác lên người Lê Hoàn, mời lên ngôi Hoàng đế. (Sự kiện này gần giống với “Binh biến Trần Kiều” trước đó 20 năm (960) đưa Triệu Khuông Dận lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà Tống ở Trung Quốc).
(5) Năm 982, Lê Hoàn cử Ngô Tử Canh và Từ Mục đi sứ Chiêm Thành bị vua Chiêm là Bê Mi Thuế (Paramesvaravarman) bắt giữ. Lê Hoàn tức giận, sai đóng chiến thuyền, sửa binh khí, tự làm tướng đi đánh, chém Bê Mi Thuế tại trận.
(6) Tháng 12 năm 980, quân Tống phá được hơn 1 vạn quân Đại Cồ Việt.
Mùa xuân, tháng 2 năm 981, Hầu Nhân Bảo, Tôn Toàn Hưng đến Lạng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng. Lê Hoàn tự làm tướng đi chặn giặc, sai quân sĩ đóng cọc ngăn sông Chi Lăng. Vua sai quân sĩ trá hàng để dụ Nhân Bảo, đem chém. Bọn Khâm Tộ nghe tin quân thuỷ thua trận, dẫn quân về. Vua đem các tướng đánh, quân của Khâm Tộ thua to, chết đến quá nửa, thây chết đầy đồng, bắt được tướng giặc là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân đem về Hoa Lư. Từ đó trong nước rất yên.
(7), (8) Năm 996, vua Lê Hoàn đem quân đi đánh được bốn động Đại, Phát, Đan, Ba ở Ma Hoàng. Tháng 7, năm 996 vua Lê Hoàn thân đi đánh quân làm phản ở Đỗ Động Giang, bắt được đồ đảng đem về kinh sư.
Năm 999, vua Lê Hoàn thân đi đánh Hà Động..., tất cả 49 động và phá được động Nhật Tắc, châu Định Biên. Từ đó các châu động đều quy phục. Năm 1000, Lê Hoàn xuống chiếu đi đánh người ở châu Phong là Trịnh Hàng, Trường Lệ, Đan Trường Ôn, khiến cho nhóm người này phải chạy vào vùng núi Tản Viên.
Năm 1001, Lê Hoàn thân đi đánh quân Cử Long. Quân Cử Long thấy vua Lê Hoàn, giương cung nhắm bắn thì tên rơi, lại giương cung thì dây đứt, tự lấy làm sợ mà rút lui. Vua Lê Hoàn bèn đi thuyền vào Cùng Giang để đuổi. Quân Cử Long bày trận hai bên bờ chống lại, quan quân bị hãm ở giữa sông, vua cũ nhà Đinh là Vệ vương Toàn trúng tên chết tại trận. Vua Lê Hoàn kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh, quân Cử Long tan vỡ. Năm 1003, vua Lê Hoàn đi Hoan Châu, vét kinh Đa Cái thẳng đến Tư Củng trường ở Ái châu. Người Đa Cái làm phản, chém đầu để rao.
Lê Đại Hành khi cai trị đã cho xây dựng nhiều công trình, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp để chấn hưng đất nước. Ông là vị vua mở đầu cho lễ Tịch điền nhằm khuyến khích sản xuất nông nghiệp dưới chế độ phong kiến Việt Nam. Mở đầu cho một lễ nghi trọng đại mà các vương triều sau tiếp tục noi theo để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Mùa xuân năm 987, vua Lê Hoàn lần đầu cày ruộng Tịch điền ở núi Đọi được một hũ nhỏ vàng; lại cày ở núi Bàn Hải được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân. Năm 1003, vua Lê Hoàn đi Hoan Châu, vét kinh Đa Cái thông thẳng đến Tư Củng trường ở Ái châu.
Lê Đại Hành cũng là vị vua đầu tiên tổ chức đào sông. Công trình đào sông Nhà Lê (hiện được nối liền 4 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và là một di tích lịch sử) do Lê Hoàn khởi dựng là con đường giao thông thuỷ nội địa đầu tiên của Việt Nam. Sự nghiệp mở đầu vĩ đại đó đã trở thành phương châm hành động của các thời Lý, Trần, Hậu Lê, Nguyễn sau này. Từ con sông đào do Lê Hoàn khai phá trên đất Thanh Hoá, đến thời Lý, Trần sông đào đã xuất hiện ở đồng bằng Bắc bộ đến Thanh-Nghệ-Tĩnh. Đến thời Lê đã rộng khắp dải miền Trung Bộ và đến thời Nguyễn thì sông đào có mặt ở khắp mọi miền Việt Nam.