Thiên Nam Động Chủ là tên hiệu của Lê Thánh Tông (1446 - 1497)(1) do ông tự đặt khi cùng với các văn thần Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Quách Đình Bảo, Đào Cử, Đàm Văn Lễ làm tập Thiên Nam dư hạ(2).
Lê Thánh Tông không những là vị Hoàng đế có tài năng chính trị xuất sắc, nhà văn hoá lỗi lạc mà còn là nhà thơ lớn. Những năm gần đây, giới nghiên cứu đã sưu tập, giới thiệu dịch chú các tác phẩm thơ chữ Hán của ông. Song, như chúng ta đã biết, “Lê Thánh Tông là người thích tuần du ngoạn cảnh, tham dự nhiều buổi diễn tập quân sự và thân chinh, bước chân của ông in dấu trên nhiều miền của đất nước, và thơ ngự chế của ông cũng được khắc trên vách đá mái núi của nhiều thắng cảnh”(3). Do vậy, việc thu thập thơ ông chưa thể nói là hết được, đó đây còn bỏ sót. Bài viết này giới thiệu một bài thơ của ông khắc trong động đá đã bị bỏ quên.
Trong chuyến đi công tác ở Hải Dương, qua sông Kinh Thầy, đến thị trấn Kinh Môn. Từ thị trấn Kinh Môn đi về phía tây bắc 7 km, đến xã Phạm Mạnh, chúng tôi lên thăm động Kính Chủ, một di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng vùng đông bắc. Động Kính Chủ sử sách gọi là động Dương Nham. Động này nằm ở lưng chừng núi Dương Nham. Núi Dương Nham còn có tên là núi Thạch Môn. Trong động có chùa, tên gọi là chùa Dương Nham.
Trong các động đá được biết ở nước ta, chưa có động đá nào có nhiều văn khắc chữ Hán chữ Nôm (sau đây gọi là văn bia) như ở nơi đây(4), trong đó có một văn bia là bài thơ của Thiên Nam Động Chủ. Bài thơ này khắc trên một mặt đá phẳng mài nhẵn, chếch 450 hướng xuống đất, ở vị trí chính giữa vòm động, nơi cao nhất, trang trọng nhất. Bởi vì vòm động cách sàn động khá cao, nên đứng dưới nhìn lên chỉ thấy rõ 5 chữ Hán “Thiên Nam Động Chủ đề”. Bia ở vị trí cao quá tầm với của chiếc thang dài nhất, lại chơi vơi giữa khoảng không, không có chỗ tỳ bám; do vậy, công việc in lấy thác bản rất vất vả và nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ sẽ dẫn đến tử thương. Mặc dầu vậy, hiện nay trong tay chúng tôi cũng đã có được thác bản văn bia bài thơ này.
Nói là bị bỏ quên, là vì bài thơ này hiện diện ở một di tích văn hoá lịch sử nổi tiếng, nhưng lại vắng bóng trong các bộ sưu tập thơ Lê Thánh Tông, kể cả các tập sách nghiên cứu giới thiệu dù đó là công trình khoa học về thơ Lê Thánh Tông hay về văn khắc, văn bia. Một bản niên biểu dài 14 trang trong sách(5) có ghi thời gian Lê Thánh Tông đề thơ ở động Hồ Công, động Long Quang, động Lục Vân, nhưng không nói gì đến bài thơ này. Ngược dòng lịch sử, các tập thi tuyển cũng như tổng tập thơ, chẳng hạn Hoàng Việt thi tuyển của Bùi Huy Bích (1714 - 1818), Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726 - 1784) cũng không thấy chép. Bài thơ này chưa thấy chép ở một tài liệu nào, nhưng sử sách đã nhắc đến sự kiện Lê Thánh Tông đề thơ ở động Dương Nham, ở núi Thạch Môn. Văn bia Trùng tu Dương Nham tự bi ký(6) do Vũ Cán, Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) soạn năm Đại Chính thứ 3 (1532) đời Mạc, cho biết: “Chùa Dương Nham có từ xưa - đời Lý, vua Lý Thần Tông thường tới thăm; đời Lê, vua Lê Thánh Tông có thơ đề”. Sách Đại Nam nhất thống chí(7), ở tập 4, phần chép về chùa Dương Nham tỉnh Hải Dương như sau: “Gian giữa thờ Phật, bên trái thờ sư Không Lộ, Đạo Hạnh và Huyền Quang; bên phải thờ Trần Anh Tông... Vua Lê Thuần Hoàng đế vịnh thơ chạm vào bia nay vẫn còn”. Sách Hải Dương phong vật chí(8) cũng chép tương tự như hai tài liệu vừa dẫn. Những năm đầu thế kỷ XX Trường Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội đã in dập được thác bản văn bia này rồi(9), có điều thác bản đó không lấy được hoa văn trang trí diềm bia.
Bia hình chữ nhật nằm ngang, kích thước 0,9x1,50m, cả chiều ngang và chiều dọc phần diềm bia đều chạm khắc hoa văn lá và dây leo hình lượn sóng gần giống như hoa văn ở bia Đề Long Quang động(10) và bia Đề Hồ Công động(11). Chữ Hán trên bia khắc theo hàng dọc từ phải sang trái. Căn cứ vào nội dung văn tự trên đó, chúng tôi chia văn bia làm 3 phần: đề từ (còn gọi là lời dẫn) 5 dòng, chính văn 12 dòng (là bài thơ cổ phong thất ngôn trường thiên 22 câu), lạc khoản 3 dòng, tổng cộng 20 dòng, gồm 220 chữ Hán (trong đó có một chữ ở bia bị sứt, ở thác bản bị mờ, không đọc được). Toàn văn chữ Hán như sau:
.......
(lược phần chép bài thơ)
Đinh Văn Minh
(1) Lê Thánh Tông còn một tên hiệu nữa, là Đạo Am chủ nhân.
(2) Xem Hoàng đế Lê Thánh Tông, nhà chính trị tài năng, nhà văn hoá lỗi lạc, nhà thơ lớn. Nxb. KHXH, H. 1998, tr.16.
(3) Sđd, tr.51.
(4) Động Dương Nham có 42 văn bia, niên đại khá phong phú: Trần, Lê, Mạc, Nguyễn.
(5) Phần phụ lục ở tài liệu đã nói ở chú thích 2. Phần này có chỗ nhầm, Lê Thánh Tông đề thơ ở động Hồ Công và động Long Quang vào năm Hồng Đức thứ 9, tức là năm Mậu Tuất (1478), chứ không phải là năm Quý Tỵ (1473) và năm Đinh Dậu (1477).
(6) Ký hiệu N0 12007 – Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm (TVVNCHN).
(7) Ký hiệu A 69/ 1-12 (TVVNCHN).
(8) Ký hiệu A 568 (TVVNCHN).
(9) Ký hiệu N0 12001 (TVVNCHN).
(10) Ký hiệu N0 297 (TVVNCHN).
(11) Ký hiệu N0 20964 (TVVNCHN).
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]