Đầu năm mới 2007 tôi nhận được một món quà từ một người bạn ở Pháp: nhà phê bình Đặng Tiến. Đó là bức ảnh chụp lại một bài thơ bằng chữ Hán của cố thi sĩ Vũ Hoàng Chương mà sinh thời Vũ tiên sinh chưa bao giờ cho công bố. Đặng Tiến nhờ tôi phiên âm, dịch nghĩa và nếu có thể dịch ra thơ, tiện cho bạn đọc xa gần thưởng lãm. Tôi vui mừng mở file ảnh do bạn gửi và nhận ra đây quả là món quà quý, bởi nó là thủ bút của Vũ Hoàng Chương. Theo Đặng Tiến, bài thơ được thi sĩ viết trên bìa tờ báo Nhà văn số xuân Ất mão (1975) và vì viết trên bìa một tờ báo, anh nghĩ rằng bấy giờ đã là sau tháng Tư 1975 lúc mà giấy trắng khổ lớn - đúng hơn là giấy xuyến chỉ - trong nhà họ Vũ bắt đầu khan hiếm. Nhưng thực tế, nội dung bài thơ lại cho thấy Vũ quân đã sáng tác nó vào đêm trừ tịch năm Ất Mão. Có lẽ việc ông thuận tay viết lại trên bìa số xuân báo Nhà văn tức sau Tết âm lịch là việc làm tuỳ hứng, không có gì bất thường. Nhưng số phận bài thơ khá kỳ bí: nó lọt vào phía sau bức ảnh Vũ Hoàng Chương chụp ở tuổi 24 như một tấm giấy lót và đặt trên bàn thờ trong nhiều năm. Khi Đặng Tiến về Việt Nam (tôi nhớ đâu như năm 1979 thì phải vì anh có đến thăm Viện Văn học), người vợ cố thi sĩ đã trân trọng mang bức ảnh tặng anh kể cả khung, và anh cũng trân trọng/vô tình để nguyên trong khung ảnh, gìn giữ nó từ bấy đến nay.
Xem xét bài thơ trong khuôn hình của tấm ảnh scaner ta càng có một ấn tượng lý thú. Đúng là một bài thơ xuân được viết trên bìa một tờ báo xuân có màu hồng điều. Chữ của Vũ Hoàng Chương không thuộc hàng thư pháp nổi danh nhưng rất phóng túng. Trong số các thi nhân thơ mới có dễ ông là một trong dăm bảy người sành chữ Hán và thích chơi thư pháp. Bài thơ có những chữ viết thảo, tiếc thay lại là thảo “lòi tói”, người nhận ảnh đọc đi đọc lại mà vẫn bí đến 3 chữ. Phải nhờ bạn Phạm Văn Ánh - một bạn trẻ rất giỏi nhận mặt chữ thảo - đến cùng luận với nhau mới tạm nhất trí về ba chữ ấy: đó là chữ khúc (chữ cuối tiêu đề), chữ giao (chữ thứ hai câu 5) và chữ kim (chữ thứ sáu câu 5). Những chữ khác như chữ hồi (chữ thứ sáu câu 4), chữ tuý (chữ thứ sáu câu 7) dù vẫn chưa thông cũng không còn tìm ra cách đọc nào khác. Một điều lạ là giữa tên ghi cuối bài thơ và tên khắc trong ấn triện đóng bên cạnh có khác nhau: tên cuối bài thơ là Vũ Hoàng Chương trong khi tên trong ấn triện lại là Loạn Trung Bút. Cho đến nay chỉ mới thấy ở trang đầu cuốn Rừng phong, Nxb. Lửa thiêng, Sài Gòn, 1971, dưới hai câu chữ Hán viết toàn thảo (cũng là thủ bút của tác giả):
冷 桂 香 沈 蒼 海 月
亂 蓬 心 帶 白 雲 秋
Lãnh quế hương trầm thương hải nguyệt,
Loạn (hoặc Phi飛) bồng tâm đới bạch vân thu.
Tác giả tự dịch:
Quế lạnh hương chìm trăng bể biếc,
Cỏ bồng mây trắng rối lòng thu.
cũng có thấy tên ký Vũ Hoàng Chương kèm theo mấy chữ Loạn Trung Bút cả Việt và Hán. Được biết, cuốn này đã in lần thứ nhất ở Nxb. Pham Văn Tươi, Sài Gòn, 1954 (ra mắt trước Hiệp nghị Genève) và cũng đã dùng chữ Loạn Trung Bút rồi. Ngoài ra, Loạn trung bút còn là tên một thiên tuỳ bút của nhà thơ in ở Sài Gòn vào năm 1970 mà người viết chỉ mới thấy nhắc trong trang quảng cáo của tập thơ Rừng phong chứ chưa có hân hạnh được đọc. Như vậy, có phần chắc đây là một biệt hiệu Vũ Hoàng Chương tự đặt cho mình kể từ khoảng giữa những năm 50 trở về sau.
Cuối cùng, dầu biết là mạo muội, vẫn đành gắng hết sức thoả mãn bạn Đặng Tiến bằng một bản phiên âm, một bản dịch xuôi và hai bản dịch thơ, sau khi đã “giải mã” các điển cổ khó hiểu. Xin được gửi đến quý độc giả Kiến thức ngày nay trong số Tết năm Đinh hợi này để tưởng niệm 31 năm từ trần của Vũ Hoàng thi sĩ và cũng mong quý vị góp thêm những chỗ thâm sâu của chữ nghĩa mà người viết và dịch còn e ngại, băn khoăn:
开春石曲
祥雲滿坐坐杯明
嬉祝春開夜半瓊
東柳西桃雙盡美
秦桑燕草一回青
儘教故國懷金粉
自有狂言出石屏
頹臥與沙場醉臥
古來誰也占高名
Khai xuân thạch khúc [1]
Tường vân mãn toạ toạ bôi minh,
Hy chúc xuân khai dạ bán quỳnh. [2]
Đông liễu Tây đào song tận mỹ,
Tần tang Yên thảo nhất hồi thanh.
Tẫn giao [3] cố quốc hoài kim phấn [4],
Tự hữu cuồng ngôn xuất thạch bình [5].
Đồi ngoạ [6] dữ sa trường tuý ngoạ,
Cổ lai thuỳ dã chiếm cao danh?
Dịch nghĩa:
Khúc trầm tấu khai bút đêm xuân
Mây lành đầy khắp chỗ ngồi, chén rượu sáng lóng lánh,
Đùa vui chúc cho phút giao thừa xuân sang, nhiều điều tốt đẹp.
Liễu phía Đông và đào phía Tây cả hai đều đẹp tuyệt,
Dâu nước Tần và cỏ nước Yên cùng một sắc xanh.
Dẫu cho vẫn nặng lòng nhớ thương hương phấn nước cũ,
Song đã có một lời ngông vọng lên giữa núi dựng như thành.
Giữa kẻ say nằm nghiêng ngả và người say lăn nơi sa trường,
Xưa nay ai lưu danh cao hơn ai?
Hai bản dịch thơ của Nguyễn Huệ Chi:
Bản dịch thứ nhất:
Chỗ ngồi mây bọc, chén long lanh,
Đùa khấn xuân sang: đêm tốt lành.
Đào, liễu Đông Tây đều tuyệt sắc,
Cỏ, dâu Tần Sở thảy tươi xanh.
Phấn hương nước cũ chưa khuây nhớ,
Vách dựng lời ngông đã trót thành.
Say khướt văn nhân, say tráng sĩ,
Xưa nay ai dễ chiếm cao danh?
Bản dịch thứ hai:
Mây lành vờn khắp chỗ ngồi,
Giao thừa rượu chói, bồi hồi chúc xuân:
Liễu, đào rực rỡ thanh tân,
Cỏ, dâu như một, bội phần xanh tươi.
Phấn hương nước cũ chưa nguôi,
Vách cao trót đã buông lời nói ngông.
Sa trường ngất ngưởng mấy ông,
Cùng ta say xỉn, ai hòng hơn ai?
Thêm một bất ngờ là sau khi gửi sang cho Đặng Tiến ít hôm, liên tiếp trong hai ngày 5 và ngày 7 tháng 1 năm 2007 nhà phê bình đã phản hồi bằng hai bản dịch thơ, tự coi là “dịch cóp và dịch ké” nhưng lại mong “nhận được... giải thưởng THƠ của Hội Nhà văn”. Đọc thơ rất vui vì cái khả năng biến báo trong khi “cóp” của anh thật tài tình, hy vọng thế nào cũng được cả Hội đồng thơ chấm giải, tệ lắm thì rớt xuống loại khen tặng là cùng. Nhân chép gửi bài này cho talawas xin lục đăng luôn hai bài thơ của anh để độc giả biết cái tài Đặng Tiến và bỏ phiếu giùm cho anh:
Version 1:
Mây quấn ngôi thơ, chén rạng ngời,
Giao thừa mừng chúc đêm xuân tươi.
Tây đào đông liễu hây hây phất,
Dâu cỏ Yên Tần rỡ rỡ phơi.
Luyến phấn - hoa nghiêng đài nhớ nước,
Cuồng ngâm - thơ dựng vách in trời.
Thi nhân, tráng sĩ cùng say khướt,
Ai biết danh đời, ai nhượng ai?
Version 2:
Mây quấn ngôi thơ, rượu rực ngời,
Đêm quỳnh chén ngọc chúc xuân tươi.
Đông tây đào liễu hơ hơ hớ,
Dâu cỏ Yên Tần phới phới phơi.
Tiếc nhuỵ - hoa nghiêng đài nhớ nước,
Cuồng ngâm - thơ dựng vách in trời.
Thơ Say khướt hỏi người Chinh Chiến:
Tuý ngoạ sa trường, ai nhượng ai?
[1] Chữ này trong bản viết rất khó đọc; bạn Phạm Văn Ánh đoán là chữ khúc 曲. Chữ thạch 石 có nghĩa là âm thanh không vang. Chu lễ 周禮。春官。典同: 厚聲石 hậu thanh thạch. Trịnh Huyền 鄭玄 chú: 鐘大厚。則如石。叩之無聲Chung đại hậu, tắc như thạch, khấu chi vô thanh. Nghĩa là: chuông lớn mà dày thì như đá, gõ vào không có tiếng. Chúng tôi tạm dịch là khúc trầm tấu. Cũng có bạn như TS Nguyễn Thị Oanh đoán là chữ bình屏. Nhưng hai chữ thạch bình đặt vào đây về ngữ pháp rất khó giải nghĩa.
[2] Trong hai câu đầu, tác giả có dụng ý chơi chữ: chữ minh cuối câu thứ nhất và chữ quỳnh cuối câu thứ hai hợp lại là minh quỳnh 明瓊 còn có nghĩa là trò chơi đánh bạc. Quỳnh là một loại thẻ, ném được 500 thẻ gọi là minh quỳnh. Ý nhà thơ muốn nói trong đêm giao thừa ông vừa đón xuân vừa đang thả sức vào cuộc đỏ đen để mua vui.
[3] Tẫn giao: mặc dầu, mặc cho. Mai Khắc Trang 劉克莊 đời Tống trong Hậu thôn tập 後村集 quyển 6, bài Sạ quy 乍歸 thứ 9 có câu: 儘教人貶駁。喚作嶺南詩 Tẫn giao nhân biếm bác / Hoán tác Lĩnh Nam thi; nghĩa là: Mặc cho người chê bai khích bác / Gọi là thơ Lĩnh Nam.
[4] Kim phấn: 1. Phấn nhuỵ hoa; 2. Chỉ những trang sức của phụ nữ; thơ xưa nói về phụ nữ thường dùng ẩn dụ này, ví dụ trong Tây sương ký 西廂記 có câu: 香消了六朝金粉。清減了三楚精神 Hương tiêu liễu Lục triều kim phấn / Thanh giảm liễu Tam Sở tinh thần; nghĩa là: Mùi hương tiêu tan rồi phấn hương người con gái Lục triều / Sự trong trẻo giảm rồi tinh thần Tam Sở.
[5] Thạch bình: Núi đá dựng đứng như bình phong. Cao Thích 高適 trong Cao thường thị tập 高常侍集 quyển 2 bài 宴韋司戶山亭院 Yến vi tư hộ sơn đình viện có câu: 苔徑試窺踐。石屏可攀倚. Đài kính thí khuy tiễn / Thạch bình khả phan ỷ. Nghĩa là: Lối rêu thử nhòm theo mà đặt chân / vách dựng đứng có thể vin vào mà dựa.
[6] Đồi ngoạ: theo Hán việt từ điển của Đào duy Anh là đồi nhiên tuý ngoạ 頹然醉臥: say quá nằm liều, cũng chỉ kẻ văn nhân thất chí.
[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]