Thơ » Việt Nam » Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn » Mạc Thiên Tích » Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh
Đăng bởi Vanachi vào 25/09/2008 04:41
Muôn cùng lời chúng phô trương,
Rằng: nơi Nam Phố một phương lạ đời.
Khắp dưới trời rằng nơi cảnh vật,
Muôn miệng truyền hẳn thật nào ngoa.
Thanh thanh nước trải dòng la:
Đố ai dệt được long sa cho tày.
Phẳng lặng thay bãi dài biển rộng,
Mây phượng trì một giống quang tinh.
Đã hay lai láng dòng xanh,
Cá phun nước mực, hạc quanh khói trà.
Nhạn gần xa hãy còn hiệp lũ,
Chốn bãi nồm bay phủ mừng xuân.
Thích ai gỏi vược rau thuần,
Giang hồ du khách mở gần hải môn.
Mặt cá tôm đều bày nhan nhản,
Đầm giao long chưa hẳn doành khơi.
Có khi mạc được thợ trời,
Cũng toà nhật nguyệt, cũng ngôi tinh thần.
Thú giang tân này là đệ nhất,
Nghĩ trần hoàn một vật một ưa.
Nguồn trong nước sạch thấy chưa,
Câu phao ống ngọc, lưới lừa dòng ngân.
Khách giang tân tấm lòng mài mại,
Sự muôn năm dường hãy mới qua.
Mảng còn ngoạn cảnh lân la,
Địch ai trổi tiếng gió xa đưa gần.
Khúc vừa ngưng, giọng cười ha hả,
Tưởng tượng dường chẳng bạ trần ai.
Nước thu dãi dạng trời dài,
Vui trong tạo hoá, khác ngoài kiền khôn.
Ghe ngư thôn ngâm đề Đỗ Phủ,
Sức tài hèn chưa đủ đua bơi.
Thơ rằng:
Dòng Nam phẳng lặng khách dầu chơi,
Hai thức như thêu nước với trời.
Bãi khói dưới kia hương lại bủa,
Hồ gương trong đó gấm thêm rơi.
Sóng chôn vảy ngạc tình chi xiết,
Nhạn tả thơ trời giá mấy mươi.
Một lá yên ba dầu lỏng lẻo,
Đong trăng lường gió nước vơi vơi.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên ngày 24/06/2009 17:49
Nam Phố trừng ba (chữ Hán: 南浦澄波), có nghĩa bãi Nam sóng lặng [1], là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều nói đến một cảnh biển ở phía Nam trấn Hà Tiên (Việt Nam).
Sau khi quân Xiêm tràn sang đánh phá dữ dội Hà Tiên vào năm 1771, văn thơ thì mất mát, còn người thì tản lạc; lâu dần rồi không ai còn nhớ Nam Phố mà Mạc Thiên Tứ đã nói trong thơ hiện ở đâu.
Đến năm 1960, thi sĩ Đông Hồ mới công bố lần đầu Nam Phố chính là Bãi Ớt. Ông viết:
"Người khách du lịch đến Hà Tiên vào mùa gió Tây Nam, lúc nào nhìn ra mặt biển cũng thấy cảnh sóng bạc trùng trùng. Như vậy mà, có một chỗ gọi là Nam Phố (tục danh là Bãi Ớt) ở trên đường Rạch Giá - Hà Tiên, cách trấn lỵ Hà Tiên độ 11 cây số. Vì nhờ vị thế nằm khuất vào hai đồi núi nhô ra, che cho cánh bãi không bị sóng gió lọt vào, khiến cho cảnh bãi biển, tuy là trong mùa động Nam mà vẫn yên lặng êm đềm như mặt nước hồ thu.[2]"
Nhưng theo bài viết "Cần xác định đúng địa điểm Nam Phố trừng ba" của tác giả Trương Minh Đạt, thì Nam Phố không thể ở xa trấn lỵ Hà Tiên đến như vậy. Ông dẫn ra nhiều tài liệu, trong số đó có ba tài liệu đáng chú ý như sau:
*Sách Hoàn Vũ Ký của Tĩnh Sơn Nguyễn Thu đời Thiệu Trị, chép về Nam Phố (dịch):
Tại bãi biển, từ tỉnh lỵ (tức vị trí phố chợ ngày nay) nhìn ra thì thấy, đó gọi bãi Nam, tức tên trong mười bài vịnh, cảnh Nam Phố trừng ba là đó vậy.[3]
*Bài thơ Nôm Hà Tiên thập cảnh tổng vịnh, có câu:
Đông Hồ Lộc Trĩ luôn dòng chảy,
Nam Phố Lư Khê một mạch xanh.
*Trên vách tường phía tả Mạc Công Miếu, tức Đền thờ họ Mạc ở Hà Tiên, có chép một bài văn tế xưa (1847)[4], trong có đoạn (dịch):
Cao nghiêm nhà trung nghĩa, Bình San Tô Châu non chót vót,
Vĩnh viễn đời khói hương, Đông Hồ Nam Phố ánh trăng trong.
Căn cứ vào thơ và văn tế vừa ghi trên, thì rõ ràng Mạc Thiên Tứ và Nguyễn Hữu Lập đều nói rằng: Nam Phố, Lư Khê, Đông Hồ là ba nơi ở kề cận nhau.
Sau khi phân tích kỹ càng, Trương Minh Đạt kết luận: Nam Phố chính là cái bãi cát dài và rộng, nằm phía trước hai quả núi Đại và Tiểu Tô Châu, bên trái vàm sông Giang Thành (còn gọi là sông Hà Tiên), lối vào vũng Đông Hồ, nơi có nhiều loài vạc quây quần kiếm ăn, và người dân địa phương đã gọi nơi đó là cồn Quay Vạc.[5]
Bài Nam Phố trừng ba trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, gồm một khúc vịnh dài 32 câu (235-266) và kết bằng một bài thơ Đường luật như sau:
Dòng Nam vững rạng khách dầu chơi
Hai thức như thêu nước với trời
Bãi khói dưới không hương lại bủa
Hồ gương trong có gấm thêm rơi
Sóng chôn vảy ngạc tình chi xiết
Nhạn tả thơ trời giá mấy mươi
Một lá yên ba dầu lỏng lẻo
Đong trăng lường gió nước vơi vơi.[6]
Nam Phố là cảnh thứ tám trong Hà Tiên thập cảnh. Ở bài, tác giả chú trọng đến điểm "trừng ba", để đối lại với cảnh thứ bảy là "ấn nguyệt" (Đông Hồ ấn nguyệt). Và thi sĩ Đông Hồ có lời bình đại để như sau:
"Cảnh trăng Đông Hồ, đẹp thì có đẹp nhưng không lạ. Cảnh Nam Phố mà trừng ba mới là thật đặc biệt. Bởi vì, trong thời kỳ gió mùa Tây Nam, các bãi biển ở Hà Tiên đều phải hứng chịu gió, nên lúc nào biển cũng có cảnh sóng bạc trùng trùng...Chính Mạc Thiên Tứ đã nhận thấy điểm đặc biệt đó, mới chọn đầu đề cho thơ.
Cả hai bài đều tả cảnh biển Nam Phố phẳng lặng êm đềm, khách đến chơi không e ngại gì sóng gió. Thơ này có ý quảng cáo tốt cho xứ Hà Tiên, rằng người dân đến ở sẽ không gặp khó khăn trở ngại. Mọi người sẽ luôn được mặc tình thỏa thích, vì đó là nơi yên lặng thanh bình..."[7]