金嶼攔濤

一島推嵬奠碧連,
橫流奇勝壯河仙。
波濤勢截東南海,
日月光迴上下天。
得水魚龍隨變化,
傍崖樹石自聯翻。
風聲浪跡應長據,
濃淡山川異國懸。

 

Kim tự lan đào

Nhất đảo thôi ngôi điện bích liên,
Hoành lưu kỳ thắng tráng Hà Tiên.
Ba đào thế tiệt đông Nam hải,
Nhật nguyệt quang hồi thượng hạ thiên.
Đắc thuỷ ngư long tuỳ biến hoá,
Bàng nhai thụ thạch tự liên phiên.
Phong thanh lãng tích ưng trường cứ,
Nùng đạm sơn xuyên dị quốc huyền.

 

Dịch nghĩa

Một hòn đảo cao ngất, đứng vững trên làn nước gợn biếc,
Chắn ngang dòng sông, có vẻ đẹp lạ, làm cho cửa biển Hà Tiên thêm phần tráng lệ.
Thế sóng biển dứt tuyệt ở bên đông bên nam,
Bóng mặt trời mặt trăng, chói lọi quanh khắp trên dưới.
Con cá rồng gặp nước tha hồ vẫy vùng biến hoá,
Chòm cây khóm đá xan xát men bờ nước.
Tiếng gió dìu dặt, dấu sóng còn dạt dào mãi mãi,
Bức sơn thuỷ lúc đậm lúc nhạt, treo ở nơi nước lạ.


Bản dịch nghĩa của Đông Hồ.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Đông Hồ

Một dẫy non xanh nước bích liền,
Giăng ngang cho mạnh đẹp sông tiên.
Đông nam sóng biển bằng trang cả,
Trên dưới trăng trời sáng rực lên.
Rồng cá vẫy vùng trong cõi nước,
Đá cây xan xát khắp ven miền.
Nghìn thu tiếng gió quanh chân sóng,
Đậm nhạt trăng treo nét lạ nhìn.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Giới thiệu thêm Kim Dữ lan đào

Kim Dữ lan đào, Kim dữ lan đào hay Kim Dự lan đào (金嶼攔濤), là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều mô tả cảnh đẹp của núi Kim Dự, một trong mười thắng cảnh của đất Hà Tiên xưa.

Thi sĩ Đông Hồ giải nghĩa: Kim dữ là hòn đảo vàng. Lan là khép cảnh cửa lại, ngăn chặn, như cánh cửa khép lại. Đào là sóng gió. Vậy, Kim dữ lan đào là hòn đảo vàng ngăn chặn sóng gió từ ngoài biển không lọt vào được bên trong.

Bốn chữ này ngụ ý nói rằng, Hà Tiên tuy là một vùng đất nhỏ nhưng lại có tầm quan trọng trong việc che chắn cho giang sơn của chúa Nguyễn.

Tuy nhiên, có người dịch tên núi là Kim Dự hay Kim Dữ. Và núi này rất thấp, nên còn được gọi là hòn hay đảo. Năm 1831, vua Bảo Đại sai sửa sang đồn luỹ trên núi, cho đặt trọng pháo, vì thế ngọn núi này còn có tên gọi là Pháo Đài.

Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả núi Kim Dữ lớn (Đại Kim Dữ) như sau: “Đại Kim Dữ ở vùng bãi biển phía nam trấn, chu vi 193 trượng 5 thước ta. Đảo nầy ngăn sóng giữ, ấy là hạt ngọc biển của trấn. Nơi bờ có bắc cái cầu ván để thông lối ra vào, phía sau có viện Quan Âm, là chỗ Tống Thị Sương[1] thêu tượng Phật Bà tịnh tu; phía trái có điếu đình, khi có gió mát trăng trong, khách du ngoạn thường buông câu ngâm vịnh. Phía trước có đặt trại thủ bị, phía tây nam xây luỹ đá bao quanh để giữ giặc biển. Đây là cảnh Kim dữ lan đào [đảo Kim (vàng) ngăn sóng], một trong 10 cảnh đẹp ở Hà Tiên.” [2]

Trải bao năm tháng, đồn luỹ xưa trên đỉnh núi chỉ còn là phế tích. Giờ đây, ở nơi đó, người ta đã cho xây dựng một toà kiến trúc bề thế, đó chính là khách sạn Pháo Đài. Còn dưới chân núi, con đường bằng đá (đường Cầu Đá) ngày xưa nay đã được mở rộng và trải nhựa. Năm 2003, người ta cũng đã xây dựng cầu bê tông nối liền đôi bờ của cửa biển Hà Tiên. Đứng từ đỉnh, người ta có thể chiêm ngưỡng cảnh biển, cảnh Đông Hồ và phố chợ Hà Tiên. Núi này nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Cảnh núi Kim Dữ ngày xưa từng được Mạc Thiên Tứ miêu tả bằng hai bài thơ. Bài Kim dự lan đào bằng Quốc âm lại có đến 34 câu ngâm song thất lục bát và một bài thơ bát cú như sau:

Kim dữ này là núi chốt then,
Xanh xanh dành trấn cửa Hà Tiên.
Ngăn ngừa nước dữ khôn vùng vẫy
Che chở dân lành khỏi ngửa nghiêng.
Thế cả vững vàng trên Bắc hải,
Công cao đồ sộ giữa Nam thiên.
Nước yên chẳng chút lòng thu động,
Rồng bủa nhơn xa tiếp bách xuyên.
Đây là cảnh thứ nhất trong mười thắng cảnh xứ Hà Tiên, và cũng là đề tài mở đầu mà Mạc Thiên Tứ đã chọn cho thi phái Chiêu Anh Các ngâm vịnh. Thi sĩ Đông Hồ giải thích: “Tác giả lấy ngay cảnh này làm cảnh mở đầu, bởi vị trí Kim Dữ là địa điểm trọng yếu ở ngay giữa cảng Hà Tiên, ngó ra vịnh Xiêm La. Hình thể nó ví như cửa thành thiên nhiên, chống đỡ ngoại xâm và che chỡ nội địa. Tác giả đã khéo mượn vị trí núi để so sánh với nhiệm vụ, với địa vị của mình là một vị tướng lãnh trọng yếu trấn giữ biên cương; mượn lời vịnh cảnh mà thác gởi chí khí tâm sự mình rất nhiều trong đó.”

Đối với hai bài thơ trên, thi sĩ có lời bình, trích: “Bài Hán thi là bài nguyên xướng, bao nhiêu thi liệu, bao nhiêu từ ngữ về biển khơi về sóng gió tác giả đều dành hết cho bài này. Làm thơ Hán, sẵn thi liệu, sẵn điển cố, sẵn thành ngữ cho nên lời thơ dễ lưu loát, dễ phong phú”.

Vậy mà bài thơ Nôm hoạ lại, ý tứ vẫn chu đáo lời thơ vẫn thanh thoát. Tác giả đã tìm được vần chốt then rất đắc địa. Vần then vừa để hoạ vần tiên của bài Hán thi, mà lại nói đúng được hình thế vị trí tác dụng của cảnh đảo Kim Dữ.

Hai câu đầu: ý nói đất này không phải là đất chiếm đoạt. Họ Mạc đến đây trấn giữ chính là hành động thuận theo ý Trời và ứng với lòng người.

Câu ba & bốn: nói về công nghiệp ngăn ngừa chống đỡ ngoại địch và che chở bảo vệ cho dân cư đất nước.

Câu năm & sáu: ý nói đối với biển Bắc (chỉ nước Trung Quốc) thì giữ được thế lực chắn chắn vững vàng; còn đối với Trời Nam (chỉ chúa Nguyễn) thì dựng được công lao to lớn.

Cây bảy & tám: ý nói sau khi giữ gìn lãnh thổ trong ngoài đều được yên lành, trên dưới đều được no ấm, rồi thì đem chánh lịnh mà cai trị, lấy nhân nghĩa mà ban bố cho khắp chốn xa gần đều được nhờ, ví như dòng nước lai láng chứ chan tràn ngập khắp các sông lạch.

Ngoài ra, Mạc Thiên Tứ đặt chữ Kim ở đầu đề có một dụng ý văn hoa mà tự hào. Bởi sẵn có chữ Kim thành thang trì, là thành vàng ao sôi, ý nói về thành trì kiên cố, hào luỹ vững vàng [3].


Bùi Thuỵ Đào Nguyên

Chú thích
1. Lịch sử Phật giáo Đàng Trong ghi tên cô là Tống Thị Lương và cho biết rằng cô là con một nhà giàu ở Hà Tiên, giỏi nữ công, giàu nữ hạnh. Khi đến tuổi mười sáu, nhiều nhà quyền thế cậy người đến cầu hôn, nhưng tất cả đều bị cô từ chối. Tương truyền, một hôm có một vị sư lạ tìm đến nhà cô khất thực. Người nhà cô cho gì, sư cũng không nhận chỉ nằng nặc đòi xin chiếc áo lót của cô đang phơi ngoài sân. Cha mẹ cô thấy việc bất nhã nên la mắng, xua đuổi nhà sư. Cô chạy ra khuyên can cha mẹ, thì thấy nhà sư nhìn cô mỉm cười rồi đi thẳng. Sau đó, lúc nào cô cũng thấy hình như có đức Phật hiển hiện ở bên mình, nên nài nỉ xin cha mẹ đi tu. Được phép, cô lập am thờ Quan Âm ở trên núi Kim Dự, rồi thêu một bức hình Quan Thế Âm bồ tát lớn, cứ mỗi mủi kim lại niệm Phật một câu, suốt ba tháng mới xong... (Theo Đại Nam Liệt Truyện tiền biên, quyển 6. Dẫn lại theo, Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, Nxb TP. HCM, 1996, tr. 385).
2. Đối diện với Đại Kim Dữ là Tiểu Kim Dữ. Sách Gia Định thành thông chí chép ngọn núi nhỏ này như sau: Ở ngoài cảng Hà Tiên, chu vi 74 trượng, như con cá Kim Ngao trấn nơi cửa biển, làm trụ tiêu cho thuyền bè ra vào.
3. Văn học Hà Tiên, Nxb Văn Nghệ TP. HCM, 1999 (tr. 25, 169, 171 và 174).
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lương Trọng Nhàn

Trên làn nước biếc, đảo xanh liền,
Chắn dòng thêm đẹp biển Hà Tiên.
Đông nam sóng biển đều dứt tuyệt,
Trên dưới trăng trời, ánh chiếu lên.
Cá rồng gặp nước tha hồ vẫy,
Khóm đá chòm cây nước bờ men.
Tiếng gió dặt dìu, còn sóng mãi,
Sơn thuỷ tranh treo nước lạ miền.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Đất Văn Lang

Một dải trồi lên, sóng cắt liền
Lạ thường tráng lệ nhất Hà Tiên
Đông nam sóng biển dừng ngay đảo
Trên dưới trời trăng sáng khắp miền
Cá lội nước trong đùa thoả thích
Cây chen đá tảng nối triền miên
Gió ru sóng nhịp hoà ca mãi
Sông núi tỏ mờ đến ngạc nhiên.

Đất Văn Lang
Chưa có đánh giá nào
Trả lời