Thơ » Việt Nam » Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn » Mạc Thiên Tích » Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh
Đăng bởi Vanachi vào 26/09/2008 04:40
Hễ là làm khách tiêu dao,
Muốn cùng hứng ý trải bầu tam thiên.
Trấn Hà Tiên, mỗi nơi một lạ,
Người bốn phương riêng dạ ước ao.
Ghê thay một thú tân cao,
Quang âm nghiêm nghị, thu hào dễ qua.
Yên nước nhà phải gài then chốt,
Dự phòng khi nhảy nhót binh đao.
Đêm hằng canh trống chuyền lao,
Miễn an đất chúa, quản nào thân tôi.
Dụt vạt sôi, bốn phương thanh phước,
Phép nhà binh, một chước một hay.
Ác vàng vừa lặn hang tây,
Liễu dinh tiếng trống vang dầy sơn xuyên.
Lịnh một truyền, cửa viên giải áo,
Vạc lậu đồng vừa báo sơ canh.
Nhung hàng cơ thứ phân minh,
Đầm rồng bặt nhảy, tăm kình vắng sôi.
Theo sáo trời diễn bày chủ khách,
Rạng muôn quân chia sạch Vị kinh.
Càng khuya càng nhặt máy binh,
Giao nghe nhởm gáy, chuột rình nép hơi.
Ba bốn dùi, đêm đà quá nửa,
Chinh bóng hoè ngã dựa bờ sông.
Tan canh rồi lại rạng đông,
Phù tang một miếng chiêng đồng thả vô.
Vững cơ đồ khoẻ phò thế nước,
Mở đường đi khỏi bước chông gai.
Sắt đinh là chí con trai,
Dành người điều vạc, để ai chống thành.
Đứng vuốt nanh anh tài đã tót,
Vệ thành xưa thú tốt năm mươi.
Hãy cho hết phận tôi người,
Cắp non đòi thuở, vén trời có khi.
Khách phượng trì cũng gồm thao lược,
Chốn thi đàn bảy bước tranh phong.
Thơ rằng:
Trống quân gian thú nổi uy phong,
Nghiêm gióng đòi canh hỏi núi sông.
Đánh phá mặt gian người biết tiếng,
Vang truyền lịnh sấm chúng nghiêng lòng.
Phao tuông đã thấy yên ba vạc,
Nhiệm nhặt chi cho lọt mảy lông.
Thỏ lụn sớm hầu chờ bóng ác,
Tiếng xe sầm sạt mới nên công.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên ngày 26/06/2009 16:15
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên ngày 26/06/2009 16:16
Giang Thành dạ cổ (chữ Hán: 江城夜鼓), có nghĩa tiếng trống đêm Giang Thành, là tên hai bài thơ của Mạc Thiên Tứ; một bằng chữ Hán được xếp trong tập Hà Tiên thập vịnh được khắc in năm 1737; một bằng chữ Nôm được xếp trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh. Cả hai bài đều nói đến tiếng trống canh ban đêm ở đồn Giang Thành. Xưa đồn quân này thuộc trấn Hà Tiên, sau nữa thuộc huyện Hà Châu, tỉnh Hà Tiên; và nay thuộc huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang.
Sông Giang Thành bắt nguồn từ Vương quốc Campuchia, xưa người Khmer gọi sông này là Prêk Ten, vì bên cạnh nó có một thôn ấp cổ tên là Tà Ten[1]. Sông chảy vào Việt Nam theo hướng Bắc Nam, dài khoảng 23 km, nằm trên địa phận xã Tân Khánh Hòa, xã Phú Mỹ, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, rồi đổ vào vũng Đông Hồ ở thị xã Hà Tiên, trước khi ra vịnh Thái Lan.
Sông Giang Thành nối liền với kênh Vĩnh Tế, tạo thành tuyến đường thủy quan trọng từ thị xã Châu Đốc đến thị xã Hà Tiên. Nó cũng góp phần đưa nước ngọt từ sông Hậu về tỉnh Kiên Giang phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Chỗ sông Giang Thành và kênh Vĩnh Tế gặp nhau gọi là ngã ba Giang Thành; và đây chính là một thắng cảnh của trấn Hà Tiên xưa, mà Mạc Thiên Tứ đã chọn làm đầu đề.
Thời Mạc Thiên Tứ cai quản trấn Hà Tiên, ông đã cho xây dựng ở Giang Thành một lũy đất dài 17km, rộng khoảng 1m; chạy dài từ bờ sông đến chân núi Châu Nham, và cho đặt vài đồn canh phòng nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của quân Chân Lạp dưới thời vua Nặc Bồn...
Giới thiệu thơ:
Bài chữ Hán (xem bên trên)
Bài chữ Nôm
Bài Giang Thành dạ cổ trong tập Hà Tiên thập cảnh khúc vịnh, gồm một khúc vịnh dài 36 câu (99-134) và kết bằng một bài thơ Đường luật như sau:
Trống quân Giang thú nổi oai phong
Nghiêm gióng đòi canh ỏi núi sông
Đánh phá mặt gian người biết tiếng
Vang truyền lệnh sấm chúng nghiêng lòng
Phao tuôn đã thấy yên bao vạc
Nhiệm nhặt chi cho lọt mảy lông
Thỏ lụn sớm hầu trưa bóng ác
Tiếng xe sầm sạt mới nên công.
Bài Giang Thành dạ cổ này sóng đôi với bài Tiêu Tự thần chung, thi sĩ Đông Hồ giải thích thâm ý của tác giả như sau: Ngoài việc để “tiếng chuông” chùa Tiêu đối lại với “tiếng trống” ở đồn Giang Thành; Mạc Thiên Tứ còn muốn nói lên rằng: một cảnh biểu thị cho đạo đức là chùa chiền, một cảnh biểu thị cho ý thức quân sự là đồn lũy.
Toàn thể hai bài đều tả tiếng trống canh ban đêm ở một đồn thú bên sông. Nhờ tiếng trống này mà đối phương không dám xâm lấn cõi bờ, giúp cho nước nhà được yên ổn, an vui.
Bình riêng cho bài Hán thi, Đông Hồ viết: Nửa bài trên tả tiếng vang động của trống mõ, khí thế hùng mạnh của quân lính; nửa bài dưới kể công lao của những người tướng sĩ, đem thân ra chống đỡ cho biên thùy được yên ổn, triều đình được vững vàng. Qua đây, tác giả còn có ý muốn kể công của mình đối với chúa Nguyễn ở Đàng Trong...[2]
Tài liệu liên quan.
Trích Tuy Tĩnh tử tạp ngôn của An Tây mưu lược tướng Doãn Uẩn (1795-1850):
Mùa thu năm ngoái, ta vâng kiếm lệnh của nhà vua đi dẹp giặc cỏ ở nơi sơn cùng thủy tận, nhân đó có dịp tới Hà Tiên. Cảnh vẫn còn đó mà người xưa đâu tá? Vừa rời khỏi yên ngựa, áo vẫn nồng khói đạn, lòng vẫn nặng trĩu gươm lệnh, chưa kịp nhắp chén rượu tẩy trần, ta đã hạ lệnh cho tướng sĩ mau dâng lên Hà Tiên thập cảnh đề của cố Mạc tướng công...
Mùa thu, nửa đêm, trời không trăng sao...Ta quên ăn quên ngủ đọc liền một mạch. Mắt có nhìn thấy cảnh vật đâu, nhưng qua thơ Mạc tướng công, cảnh vật cứ như hiển hiện trước mắt mình. Bây giờ là nửa đêm chăng, ta không nhớ kỹ nữa vì thơ và rượu làm người say ngầy ngật, ta đương trầm ngâm đọc "Trống đêm ở Giang Thành" của Mạc tướng công trong thư phòng của chính người xưa. Cũng chính bấy giờ, từ đồn Giang Thành, trống quân báo giặc tới bỗng thúc lên từng hồi... Ta vốn cúc cung tận tụy vì mệnh vua, vội tiếc rẻ gài thơ hay vào bao gươm lệnh, rồi cùng tướng sĩ lên mình ngựa xông pha vào chốn lằn tên mũi đạn mà dẹp tan bọn giặc cỏ ngu si mê cuồng...
...Tiệc rượu khao quân cử ngay trước trận, ngay bên gò đống xác giặc. Tướng sĩ nói:
- Rượu ngon. Giá có đồ nhắm thì tuyệt...
Sực nhớ, ta cười ha hả, rút bài thơ hay trong bao gươm lệnh ra sang sảng nói:
- Thức nhắm đây.
Rồi sang sảng đọc lớn bài "Trống đêm ở Giang Thành" của Mạc tướng công. Tướng sĩ ngồi im phăng phắc lặng nghe quên cả rượu trước mắt và "đồ nhắm" ở đâu đâu.
Đọc xong, ta nói: thơ hay phải nói cái thực, đã là thực thì thành thơ hay ngay! Đó, ta và các người, những cái thực, đang là bài thơ hay mà người xưa miêu tả...
Giới thiệu đoạn văn trên, nhà văn Trần Thanh Giao viết:
Có lẽ không có lời phẩm bình nào về thơ Mạc Thiên Tích độc đáo như lời phẩm bình này !