Sự xuất hiện của Lý Thanh Chiếu trên từ đàn đời Tống là một bất ngờ độc đáo. Nếu xét trên bình diện lịch sử văn học Trung Quốc, tác gia văn học nữ không phải là nhiều (Thái Viêm đời Hán, Thái Diễm đời Nguỵ…). Cởi mở như đời Đường với hơn 2200 tác giả mà cũng chỉ có Tiết Đào, Đỗ Thu Nương, lại cũng không phải là hàng tác gia xuất sắc. Quả là nhà thơ nữ Trung Quốc quá hiếm hoi so với những thời đại văn chương như vậy. Huống hồ đối với tình hình xã hội tư tưởng đời Tống, sự xuất hiện của bà rõ ràng là một ngoại lệ. Lý Thanh Chiếu còn là từ nhân hiên ngang đại diện cho một phái, một bên là Tô Thức phái từ hào phóng, tác gia văn học xuất sắc nhất thời Tống. Bấy nhiêu đủ cho chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ về bà.
Lý Thanh Chiếu (1084-khoảng 1151) hiệu là Dị An cư sĩ, người Tế Nam (Sơn Đông). Phụ thân là Lý Cách Phi, một học giả kiêm nhà văn, mẹ bà xuất thân trong một gia đình quan liêu, cũng có tài năng văn học. Lý Thanh Chiếu là người đa tài đa nghệ: làm thơ, điền từ, vẽ tranh, víết chữ…nhưng thành tựu nổi bật của bà là ở lĩnh vực từ. Năm 18 tuổi, lấy chồng là Thái học sinh Triệu Minh Thành, sống một cuộc sống hạnh phúc hài hoà. Thế nhưng những biến động của thời cuộc đã phá tan cuộc sống nhàn tản tĩnh lặng của Lý Thanh Chiếu. Sau khi Biện Kinh thất thủ (Biện Kinh là kinh đô triều Bắc Tống, bị bộ tộc Nữ Chân - tức nước Kim xâm lược), triều đình Nam Tống dời đô về Nam Kinh (nay là Hà Nam). Triệu Minh Thành được bổ nhiệm làm tri phủ Giang Ninh, năm sau thì mất, từ đó, tình cảnh bà trở nên khốn đốn, lưu vong khắp nơi theo bước đường tấn công của quân Kim, có lúc còn bị vu cáo là “ban Kim (thông đồng với giặc). Cuộc sống khó khăn, của cải thất lạc, mất mát, những biến cố thời cuộc đó đã biến tâm trạng vui tươi trong sáng của Lý Thanh Chiếu trở nên đau buồn, u uất.
Sáng tác của Lý Thanh Chiếu có thể chia thành hai giai đoạn rõ rệt: giai đoạn đầu: trước 1127: phản ánh cuộc sống hạnh phúc, viên mãn, giọng điệu hoan hỷ, vui tươi, phần lớn từ nói về phòng khuê, tình yêu, ly biệt, thiên nhiên. Giai đoạn sau: từ 1127 trở đi: cuộc sống tha hương, mất nước, lưu lạc, khốn khó, giọng điệu u buồn, trầm uất, cô đơn, từ đã thoát khỏi phạm vi khuê phòng hướng đến những vấn đề xã hội, trọng tâm ở đây là tâm trạng của kẻ mất gia đình, mất nước, cái buồn riêng hoà lẫn với nỗi đau chung của dân tộc.
Là một phụ nữ quý tộc tài hoa, có học vấn, tình cảm phong phú, có lẽ Lý Thanh Chiếu là từ nhân diễn đạt sâu sắc nhất tâm sự và hoàn cảnh của người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến có những định kiến bất công đối với người phụ nữ, thời đại của bà đúng lại là thời đại các nhà lý học đời Tống hết sức đề xướng lễ giáo phong kiến để khống chế phụ nữ. Viết về nỗi buồn, về tình yêu, tương tư ly biệt - những chủ đề thường thấy của từ, nhiều tác giả là nam giới đã viết thay cho nữ giới (như Liễu Vĩnh, Tần Quán…) nhưng không thể thể hiện đầy đủ được dù tâm lý và tài năng có thừa. Trái lại, Lý Thanh Chiếu đã diễn đạt được những cảm thụ thuộc về nội tâm của chính mình - cũng là của chính phụ nữ. Bà chọn những sự vật dễ gợi liên tưởng, lại dùng bút pháp tinh tế của người phụ nữ để tổ chức những ý tưởng đó, nên nó có một sắc thái khác biệt hơn.
Trần Lê Hoa Tranh