Trong túc cầu giáo, nói đến “Phút 89” là nói đến sự gay cấn tột đỉnh, nói đến những tình huống – những pha bóng kinh điển làm người xem mãn nhãn, nói đến sự xuất hiện của kỳ tích tạo nên những cung bậc cảm xúc ấn tượng cho khán giả. Một cuộc lội ngược dòng ngoạn mục của nhà vô địch để bảo vệ thành công ngai vị của mình, hay một tân vương mới lên ngôi chăng?
“Phút 89” – điều gì đã mở ra? Đó là một “khu vườn Eden huyền thoại xanh ngời” – nơi hương sắc nở rộ, nơi con người từ chối những thánh ân để chọn cho mình một con đường chông gai hơn, nhưng “người” hơn. Thiện ác phân ranh từ đó! Tôi không nói về bóng đá, tôi đang nói về một tập thơ – tập thơ có tên
Phút 89 của nữ sĩ Minh Đan.
Đây là lần thứ hai tôi nói lên cảm nhận về thơ Minh Đan. Minh Đan là bạn tôi (tôi hãnh diện được cô ấy xem là bạn!). Khen một người bạn là việc nên làm. Nhưng cũng có hai trường hợp: cố gắng tìm cái tốt (ai cũng có cái tốt) của bạn để khen, điều này tôn sự khôn ngoan của người khen lên hơn là tôn người được khen; thấy được sự nổi trội, những điều tốt đẹp mang sắc hương riêng của bạn và nói lên nó, điều này không những thoả đáng với đôi bên mà còn thoả đáng cả với người nghe. Tôi tin mình ở trường hợp thứ hai.
Ra sông đãi cát tìm vàng
mang về một gánh ngổn ngang thơ vè
(Thay tựa…)
Minh Đan bắt đầu
Phút 89 của mình như vậy. Điều trớ trêu chăng, khi người “đãi cát tìm vàng” lại mang về những thứ “phi vật chất” như “thơ vè”? Không, đó là một cách tự cười mình thay cho đời sống này, nhưng nó cũng ẩn chứa chính cái cười bao dung của tác giả đối với sự lệch lạc của đời sống khi cho rằng thơ ca là phù phiếm. Là “thơ” hay “vè” xin nhường cho độc giả định đoạt. Đối với Minh Đan, nữ sĩ “đãi cát tìm vàng” và đã mang về được “một gánh” vàng. Vàng đấy! Thơ ca là vàng đấy, tin tôi hoặc tôi sẽ làm cho bạn tin! Còn đối với tôi, Minh Đan đã đào được một kho báu – môt kho báu vô giá nơi hồn thơ của nữ sĩ, nó nằm đây – trong
Phút 89 này.
Minh Đan sử dụng rất nhuần nhuyễn và uyển hoạt các thể thơ truyền thống cũng như tự do đương đại. Tuy vậy, Lục bát biến thể vẫn là “tuyệt kỹ trấn môn” của cô, thi pháp này vẫn chiếm phần quan trọng trong
Phút 89 (hơn 1/3 số thi phẩm). Ai chê Lục bát là cũ, là lỗi thời thì dù có hàm hồ tôi cũng phải phán ngay: anh/chị không làm được thơ Lục bát hay nên nói thế! Lục bát là cái hồn vía của dân tộc, để nó phù hợp hơn với thi cảm đời sống hiện đại, thi sĩ cũng nên làm mới nó bằng nhiều cách và Lục bát biến thể đã được tạo nên. Chúng ta xem những câu sau: “đời choàng giông/ bão lên vách/ em ngoan cường phơi/ ngọc thách gió sương/ mùa chưa xa/ lơ thơ/ cuồng/ hoa rụng rụng/ rêu phong tường/ đìu hiu…” (
Phơi) Cách vắt dòng của những câu thơ trên tựa như sự phối hợp giữa Lục bát và Tân hình thức – một thể thơ rất mới với chúng ta. Nó tạo nên tiết tấu, nhịp điệu mới mẻ cho Lục bát mà vẫn giữ được cái hồn đầy nhạc tính của Lục bát. Ngôn từ vừa cổ phong vừa hiện đại, lại lắt léo thanh bằng trắc đã tác tạo những hình ảnh, gam màu đặc sắc. Nếu đọc lên thành tiếng đoạn thơ trên, nhất là những âm tiết sau: mùa chưa xa/ lơ thơ/ cuồng/ hoa rụng rụng / rêu phong tường/ đìu hiu hẳn bạn sẽ thấy thú vị, thấy những gì mà thanh âm ngôn từ có thể mang lại. Điều này “bất khả thuyết” hoặc giả tôi chưa đủ khả năng để nói rõ với bạn về nó: sự tác động kỳ lạ của những âm tiết ngôn từ lên tâm hồn chúng ta, đó là điều cốt lõi của những câu thần chú trong truyền thuyết chăng? Cứ thế, Lục bát biến thể “tung hoành” theo mức độ và cách thức khác nhau đến “phút 89” và chung cuộc, làm nên những sắc thái khác nhau, đa thanh đa sắc. Như, trong “lạc quan khâu lại những bồi hồi đã qua”: “ước gì mưa rớt đầy sông/ buồn trôi theo nước/ tôi bồng vui đi/ tặng ai kia đoá nhu mì/ nụ cười nhú nắng/ bờ mi khép hờ…” hay trong
Ngày lạ!: “nắng cong cong/ sóng lơn cơn/ bếp than/ hạ nhiệt / mưa hờn ghé vai…” Đối với hai thi phẩm vừa kể, ta còn thấy xuất hiện những hình ảnh rất sáng tạo, xinh xắn như: “tôi bồng vui đi”, “nụ cười nhú nắng”, “nắng cong cong”, “sóng lơn cơn”… Một góc kiêu kỳ của khu vườn đã mở ra.
Bên cạnh đó, các thi pháp hiện đại cũng có thể xem là ưu thế của Minh Đan. Thi pháp này đã xuất hiện không ít trong các tập thơ trước của Minh Đan như
Ngày không bọt. Nhưng đến
Phút 89 nó trở thành thi pháp chủ đạo, được nữ sĩ sử dụng thuần thục và phù hợp với giai điệu của cảm xúc tạo nên hiệu ứng cộng hưởng cho hiệu quả biểu đạt của thi phẩm.
Ta thấy trong
Ngai tình: “anh đặt môi hôn lên mắt gió/ tiếng thở căng mùi da non/ em lên ngai từ mũi tên/ bầu sữa thơm ngày thai nghén”. Ở đây, một trường liên tưởng không xác định được đường biên đã hình thành: anh, môi hôn, mắt gió/ tiếng thở, mùi da non/ em, lên ngai, mũi tên/ bầu sữa, ngày thai nghén, với những ngôn từ mà hàm nghĩa của nó bị rung chuyển bởi một sự tạo tác hàm nghĩa mới, không hề có sự khoanh vùng khi hình thành mà vẫn nằm trong một trường hấp dẫn bởi trung tâm của nó: ngai tình! Có vẻ như cách thức này xém tác tạo nên một trường siêu tưởng như những thi phẩm hiện đại điển hình khác, nhưng không hẳn vậy, nên nó không làm người đọc có cảm giác quá xa lạ. Trong nhiều thi phẩm khác ở
Phút 89 như:
Trước & sau giờ tận thế,
Quan sát… chúng ta sẽ bắt gặp những thi pháp rất độc đáo và thú vị mà tôi sẽ đề cập ở phần bên dưới. Song, điều đáng trân trọng, đáng tán dương ở
Phút 89 nặng ký hơn nhiều so với hình thức nghệ thuật xây dựng nên nó. Đó chính là nội dung tư tưởng của thi phẩm.
Vẫn có những niềm riêng: Khát khao của người con gái về tình yêu, có khi là những tâm sự dịu dàng mà da diết: “trời đất thăm thẳm/ trăng bao đêm trở giấc lạnh miền sương/ cô đơn em cuồng réo tên anh/ vớt vát môi tình vừa kịp khép… ban mai nắm hờ vai áo/ non non chuyện phiêu bồng” (
Tình ơi!); hay dữ dội, cháy bỏng: “triệu triệu lần khao khát đến bên anh/ như nàng kiều trong đêm khuya vượt rào thưa tìm trọng/ giữa mùa trăng, em muốn cúc áo này nới lỏng/ ngọn gió lùa vào thơm mát thịt da…” rồi đớn đau bởi những điều hữu hạn giữa tử và sinh, giữa những rào cản đã cũ kỹ trong quan niệm già nua của xã hội: “cọc tìm trâu có nghĩa lý gì a (!?) / bao nghiệt ngã cứ nặng oằn lên tóc…” nhưng sức sống của tình yêu chân thành, của tuổi thanh xuân tràn trề sinh khí đã hiên ngang lên tiếng cho sứ mệnh “phải sống đẹp”: “nhưng sức sống mỗi phút giây bừng trỗi/ những vui buồn ngày tháng cứ hồng hoan” (
Em muốn…), “Quyền lực trái tim” sau những so sánh với những quyền lực siêu phàm đã khẳng định: “em thách thức: còn ai say đắm hơn anh?/ quyền lực lặng im quy phục/ chiến thắng thuộc về tình yêu chân thật/ khu vườn Eden huyền thoại xanh ngời”. Có lẽ, Minh Đan đã nói thay cho thân phận nữ nhi những khát khao về tình yêu chân thật, về hạnh phúc giản đơn tự thủa xa xưa đến giờ: “anh và em”, không ai có thể và cũng không ai muốn cản ngăn điều đó – dù những bất trắc vẫn thường tìm đến, bằng hình ảnh rất nữ tính: “em đàn bà từ anh - thường trực/ những khát khao không thể đặt vòng” (
Không thể đặt vòng).
Hay sự suy nghiệm về bản thân như một niềm kiêu hãnh nên có: “kiêu hãnh mặc đời ghẹo trêu xấu hổ/ hôm nay em ngước lên cao” (
Thị Nở vùng lên), rồi về nghề như một sự tự nhắn nhủ cần thiết: “ta tranh đấu nghĩa là không uốn bút/ soi lương tâm bình thản nghiệp đời/ phút huy hoàng ngửa mặt hót vui/ bầu trời ấy ngút màu xanh cao vợi” (
Ngẫm). Đó là những ý thơ đẹp bởi lột tả thành công cái đẹp. Điều đáng quý là Minh Đan cũng ý thức được vẻ đẹp đó của mình và không cần phải vờ che giấu!
Khác với những tập thơ trước, ở
Phút 89, đề tài thế sự đã kiến tạo nên một cấu thành vững chắc, một kiến trúc nổi bật trong quần thể kiến trúc đẹp. Đó là tấm lòng của nữ sĩ với những cảnh đời không may! Với một em bé bên lề cuộc sống bôn chen: “gặm tờ polymer xương xẩu/ tôi náu cơn đói vào mẩu bánh mì vừa mới ra lò/ bên kia đường một em bé lấm lem/ hơi thở xem chừng đứt quãng/ tôi nâng đời em bằng/ mẩu bánh mì không nhưn, không vị/ em ngấu nghiến cơn đói hoành hành, nuốt trộng giấc mơ thi sĩ/ nắng tháng tư lênh loáng mắt cười”, và Minh Đan thấy cái thấy của một tấm lòng – nữ sĩ nhận lại: “dạ dày tôi bỗng dưng… phấn khích/ ru ngủ mùa phượng vĩ cầm hơi” (
Đi qua cơn đói), cái mùa phượng vĩ cầm hơi đó “ngon” thật! ấm lòng thật!
Hay với những cô gái “lấy chồng xứ lạ”: “sông quê lặng lẽ / nhạn về phố mới/ tương lai trong ánh mắt không màu?” ánh mắt không màu ấy thật buồn, tương lai không màu ấy thật buồn, những thân phận buồn – quê hương xa ngút cũng buồn vậy! Rồi với cả một thiếu nữ xinh đẹp đội lốt quỷ (hay quỷ trong lốt cô gái?) thành “ma làng” gây tội nghiệp tày đình, thiên địa bất dung cũng được nữ sĩ nhìn bằng cái nhìn độ lượng và nguyện mong cho con ma ấy một cái kết có hậu: “những nấm mồ xanh cỏ/ không còn hoen ố/ bầu trời/ tươi tỉnh ngày trong/ cũng từ ấy, em hồi sinh…” Ở vị trí người “quan sát”, nữ sĩ đã thổn thức cho những mảnh ghép dễ vỡ trong đời sống này: là thân phận kẻ ăn mày, phu quét đường, em bé mồ côi, người mẹ già gánh hàng rong, đó không phải sự quan sát đơn thuần mà còn là sự nhập vai, sự hoá thân trải nghiệm – một thủ pháp rất phức tạp để nhìn rõ lòng mình, lòng người: “hàng giờ liền vẽ bức thỉnh cầu/ đánh thức lặng im mở tiếng/ ai thản nhiên thốt lời phỉ báng/ xé lòng mùa thiên di…” Trong “cong cong thế giới mạng”, “đời trinh nữ”… và nhiều bài khác chúng ta sẽ thấy được những tấm lòng như vậy. Đó là tấm lòng của Minh Đan đối với đất nước! Qua nỗi lòng tri ân của nữ sĩ đối với cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ 20 trong một chiều về thăm địa đạo Củ Chi: “chuyến về nguồn bỗng rơm rớm ướt/ lịch sử cài then - tức ngực/ trở lại phố đông chật chội bóng ngày”. Và lột mặt bọn quan tham: “sống quanh mình bao người ton hót/ lời nịnh thần nghe dễ lọt tai/ bản lĩnh nào soi đáy lòng tham?/ vơ vét sạch kho tàng có thể/ mặc ai oán, ai than, ai kể” (
Nằm mơ thấy bao chửng khóc). Hay thái độ căm ghét “gã hàng xóm xấu tính” tự bao đời nay vẫn rắp tâm mưu toan nuốt trọn láng giềng, chà đạp hàng xóm: “bởi túi tham, gã nấp dưới ao sâu/ rào đường lưỡi bò chắn ngang cột mốc/ bứng lấy chén cơm đời tôi khó nhọc/ quen cướp giật rồi”, mặt gã tỉnh không, và xót xa, căm giận trước sự nhu nhược với kẻ tham bạo: căm giận mình yếu đuối trước hung hăng. Đó là những suy nghiệm của Minh Đan về cõi nhân sinh man man những điều khó tỏ! Có khi thấy như “Mê lộ” không lối thoát: “số phận lỏng đinh/ chìa khoá lương tâm tráo trở/ những linh hồn neo thân tạm bợ/ chạy rong khắp ngõ diễn trò, rồi tự nhủ: thôi, nép bên đường nhỏ hẹp/ nhẹ lòng đi giữa hừng đông”. Trong cuộc sống bon chen những mưu toan khác chi “Bàn cờ”, những khiếm khuyết trắng đen điên đảo: “ô trắng không khuyết mà khuyết cả tên mình/ bọc dưới lớp áo thêu mây dệt gió/ sự thật thôi không bỏ ngỏ/ đừng tự hoan ca phù phiếm nhọc nhằn”, nữ sĩ nhắn nhủ: “sống vui như cánh cò thoát tục dưới trăng…”
Minh Đan ưu tư sâu sắc về sự chân thành: khi nào người ta – ít nhất là – thành thật với chính mình? đợi đến khi tận thế chăng?! có lẽ, còn một nới khác: “đi thẳng vào restroom soi gương xem có phải là mình/ chỉ ở đây con người không tàng hình/ không đóng vai chính vai phụ cho vở diễn/ đưa tay lên ngực trái thấy tim còn nhúc nhích/ biết mình sống sót/ sau giờ tận thế maya” (
Trước & sau giờ tận thế), đây là một bài có thi pháp khá độc đáo: sự hôn phối giữa phương pháp giả định huyễn tưởng và phân tâm học tạo nên hiệu ứng hư thực xen kẽ nhưng vẫn rất tách bạch trong nhận thức.
Tôi nói với Minh Đan thế này: “có lẽ để viết cho thoả cái mạch cảm xúc của tôi đối với
Phút 89, tôi phải viết đến vài trăm trang”! Có thể là tôi nói ngoa về khả năng đó của mình, nhưng lòng là chân thật muốn vậy. Nên, “giam” trong bài viết nhỏ này, tôi khó lòng mà thuyết phục với các bạn rằng: đây là một kho báu!
Trong tập thơ này,
Phút 89 chỉ là cái tựa tập thơ, không hề xuất hiện trong thơ. Dĩ nhiên, đó là tâm ý của Minh Đan, có thể trùng với cái ý tôi đã nói ở trên, có thể không. Nhưng tôi thấy rằng,
Phút 89 còn là một “thời điểm”, một “bước ngoặc” rất ý nghĩa với Minh Đan. Đó là một bước chuyển hoá của cái đẹp trong thơ Minh Đan, một thành tựu đáng tự hào của cô.
Phút 89 và những tập thơ như vậy sẽ khiến một ai đó nói rằng “đáng lo cho thế hệ thơ trẻ Việt và thơ Việt trong tương lai” thấy rằng họ đã lo quá sớm, tôi tin thế!
Đó là cảm nhận của cá nhân tôi. Thôi thì, mời độc giả tự cảm nhận và đừng quên lời nhắn nhủ của tác giả: “nhặt nhạnh vụn vặt quẳng đi/ bỗng dưng cây đẹp như khi đâm chồi” (
Đánh thức), cùng với lời mời mà bạn sẽ nhận được khi bước vào khu vườn này: “rót nhau rượu lòng thành thật/ môi tình đừng uống mông lung”.
Nhà thơ Nguyễn Kiên Giang