Một cô học trò tiếng Nga từ thuở trường Chuyên tu ngoại ngữ Gia Lâm (1959-1963), được đi học KH-KT nhưng mê thơ Nga, học chuyên ngành điện tử ở một nước XHCN tít tận Đông Âu, mò đâu ra ở bên đó, lúc đó, tờ
Nghiên cứu văn học số 11-1964, có đăng bài báo đầu tay của tôi nhân kỷ niệm 150 năm sinh thi hào Lermontov (1814-1964): “Lermontov - một hồn thơ quật khởi”... Và... “em đọc say mê bài phê bình của thầy, sâu sắc và cuốn hút, xúc động đến tận tâm can” - cô học trò 18 tuổi gửi về một bức thư bình phẩm kín 4 trang giấy pơ-luya mầu xanh da trời. “Cuốn hút và xúc động” thì có lẽ là vậy, “sâu sắc” thì chắc chắn là chưa, bởi khi ấy tôi cũng mới 25, ba năm trước vừa mới bảo vệ luận văn tốt nghiệp đại học về dạy thơ trữ tình của Lermontov ở lớp 8 trường phổ thông (Nga), được bà giáo phản biện đánh giá: “... всестороннее иследование, написанное не только грамотным, но и художественным языком, эмоционально” (một bài nghiên cứu toàn diện, viết bằng thứ ngôn ngữ chẳng những đúng chuẩn mà còn văn vẻ, xúc động). Bức thư của cô học trò tiếng Nga, đi học điện tử, bộc lộ một trình độ cảm thụ tinh tế về thi ca, khiến từ đấy tôi luôn tự răn: đừng bao giờ tưởng mình học ngữ văn mà hơn học trò kỹ thuật về cảm nhận ngôn từ!
Và đây, tối qua một cú điện thoại, lần này là của một chàng, cũng SV tiếng Nga cũ, theo đạo Công giáo: “Em cám ơn thầy về bản dịch
Молитва ạ. Em đọc mà cảm động quá. Không ngờ Lermontov thánh thiện, trong sáng đến thế. Và cái tựa đề
Молитва, thày dịch là “LỜI NGUYỆN CẦU” quá chuẩn ạ. Chứ mây сhục năm trước, trong tập thơ Lermontov do NXB Văn học in, cũng một bài
Молитв của Lermontov, thầy dịch thành “LỜI TÂM NIỆM”, em thấy không ổn ạ”. – “Theo bạn, phải dịch thế nào?” – “KINH CẦU NGUYỆN” ạ. – “Tôi đã dịch đúng như thế từ năm 1964 trong quyển sổ chép thơ của Lermontov để dịch. Nhưng biên tập viên NXB Văn học đã tuỳ tiện chữa lại như vậy, có lẽ do thời ấy còn coi mọi tôn giáo đều là “thuốc phiện” nên các loại kinh đều là điều cấm kị. Hơn ba chục năm sau, tự làm tập Thơ Lermontov song ngữ Nga – Việt (2014), tôi mới lấy lại được CHỮ của mình cho đúng với NGHĨA của nó trong nguyên tác. Tôi có biện giải tại lời chú ở tr. 318 sách song ngữ-2014 nói trên đấy. Sách do thầy-trò tiếng Nga hỗ trợ tài chính xuất bản, nên để tặng là chính.”
Bài
Молитва này và bản dịch nguyên tác của tôi đây, xin trình các bạn phán xét so với bản do biên tập viên chữa không tham khảo ý kiến của dịch giả (trong bản tác giả được nhận theo tiêu chuẩn, tôi đã gạch câu chữ của BTV đi, chữa lại theo bản gốc của mình):
Kinh cầu nguyện
Có những phút buồn đau
Lòng u sầu thổn thức
Tôi thì thầm niệm đọc
Một lời kinh nguyện cầu
Có sức mạnh nhiệm mầu
Trong hợp thanh sinh động
Nghe êm ru ngân vọng
Nhạc huyền bí diệu kỳ
Qua rồi những hoài nghi
Lòng trút xa gánh nặng
Lại lệ rơi, hy vọng
Nghe lòng nhẹ lâng lâng