Tác giả cùng thời kỳ
Dịch giả nhiều bài nhất
Lê Đình Cẩn (1870-1914) hay được gọi là Cử Cẩn, Lê Cẩn, người làng Hoà Vinh (nay thuộc xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), sau về cư trú ở thôn La Hà, nay thuộc thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa. Ông là chí sĩ yêu nước chống Pháp, khởi xướng thành lập và là Hội chủ Duy Tân hội Quảng Ngãi.
Năm 1903, Lê Đình Cẩn thi đỗ cử nhân, sau đó được bổ làm Huấn đạo huyện Mộ Đức, nhưng chỉ một thời gian ông bỏ quan về nhà mở trường dạy học, kết giao với các nhân sỹ, tham gia hoạt động yêu nước. Năm 1906, ông cùng một số nhà yêu nước ở tỉnh nhà khởi xướng thành lập Duy Tân hội Quảng Ngãi, chủ trương đoàn kết các giai tầng xã hội vì sự nghiệp cứu nước, tiến hành các hoạt động mang tính hợp pháp, theo phương hướng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, như mở trường dạy học, lập hội cày, hiệu buôn, thực hiện cắt tóc ngắn, phá bỏ hủ tục, chống bọn cường hào hà hiếp dân nghèo. Lê Đình Cẩn và các nhà lãnh đạo Duy Tân hội Quảng Ngãi bí mật liên lạc với phái Đông Du của nhà yêu nước Phan Bội Châu để học tập kinh nghiệm, mở rộng quan hệ với bên ngoài, mua sắm vũ khí, chờ thời cơ tiến hành bạo động.
Các hoạt động cải cách, tiến bộ của Duy Tân hội ngày càng lan rộng và ảnh hưởng rõ rệt trong quần chúng khiến thực dân Pháp và bọn tay sai phong kiến Nam Triều lo sợ, tìm cách ngăn cản, đàn áp. Nhân có việc xô xát giữa Lê Đình Cẩn và Daudet - tên công sứ hống hách, ngang ngược, bọn chúng ghép ông vào tội “đả mạ thượng quan” rồi đày lên làng Rí (Sơn Hà), âm mưu cắt đứt mối liên hệ của ông với đồng bào, đồng chí và phong trào Kháng thuế - Cự sưu đang bắt đầu dâng cao ở Quảng Ngãi cùng nhiều tỉnh Trung Kỳ. Trong cảnh ngục tù, Lê Đình Cẩn vẫn dõi theo phong trào yêu nước, sáng tác những vần thơ đầy hào khí, kêu gọi mọi người đoàn kết, đấu tranh.
Khổ sở vì bị tù đày lại bị ảnh hưởng lam sơn chướng khí, Lê Đình Cẩn lâm trọng bệnh, nên bọn địch đưa ông về giam ở kho thóc Ba La (Tư Nghĩa). Ông qua đời vào một ngày mùa đông năm 1914 trong cảnh lao tù. Thi hài được an táng tại đồi La Hà, cách quận lỵ Tư Nghĩa 500m về hướng đông nam.
Lê Đình Cẩn còn có người em ruột tên Lê Quý Cơ (Lê Cơ), đỗ tú tài đồng khoa với ông, sớm tham gia các hoạt động yêu nước. Khi xuất dương sang Tàu, Lê Quý Cơ từng gặp chí sĩ Phan Bội Châu ở Quảng Đông, Quảng Tây, được uỷ nhiệm mang về nước nhiều tâm thư cách mạng. Sau đó Lê Quý Cơ cũng bị Pháp bắt đày đi Lao Bảo, chết tại đây lúc mới 25 tuổi, thi hài được thân nhân mang về cải táng tại La Hà.
Lê Đình Cẩn còn để lại một số bài thơ cổ vũ mọi người đoàn kết đấu tranh, đồng lòng cứu nước. Bài thơ trường thiên Xin đúc một chữ đồng (hơn 100 câu, theo thể song thất lục bát) do ông sáng tác rất được phổ biến tại Quảng Ngãi trong thời gian diễn ra cuộc vận động Duy Tân đầu thế kỷ XX. Nhiều giai thoại hiện còn lưu truyền trong dân gian cho thấy ông là một con người có chí khí, không chịu khuất phục bạo quyền.
Lê Đình Cẩn (1870-1914) hay được gọi là Cử Cẩn, Lê Cẩn, người làng Hoà Vinh (nay thuộc xã Hành Phước, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi), sau về cư trú ở thôn La Hà, nay thuộc thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa. Ông là chí sĩ yêu nước chống Pháp, khởi xướng thành lập và là Hội chủ Duy Tân hội Quảng Ngãi.
Năm 1903, Lê Đình Cẩn thi đỗ cử nhân, sau đó được bổ làm Huấn đạo huyện Mộ Đức, nhưng chỉ một thời gian ông bỏ quan về nhà mở trường dạy học, kết giao với các nhân sỹ, tham gia hoạt động yêu nước. Năm 1906, ông cùng một số nhà yêu nước ở tỉnh nhà khởi xướng thành lập Duy Tân hội Quảng Ngãi, chủ trương đoàn kết các giai tầng xã hội vì sự nghiệp cứu nước, tiến hành các hoạt động mang tính hợp pháp, theo phương hướng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, như mở trường dạy học, lập hội cày,…