Thơ » Việt Nam » Khuyết danh Việt Nam » Thơ dân gian » Ca dao » Ca dao về tình yêu, đôi lứa
Đăng bởi Vanachi vào 14/07/2006 05:03
Yêu nhau cởi áo cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.
Yêu nhau cởi nhẫn cho nhau,
Về nhà mẹ hỏi qua cầu đánh rơi.
Yêu nhau cởi nón trao nhau,
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi tôn tiền tử ngày 09/12/2019 23:11
“Cởi áo cho nhau”? Tôi tin rằng chỉ nghe ngữ đoạn này mọi người đều liên tưởng ngay đến câu ca dao quen thuộc: “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”. Đã có quá nhiều những bài nghiên cứu dân gian dẫn câu này để phân tích ở nhiều góc độ và có không ít sáng tác văn nghệ dân gian đưa câu này vào tác phẩm trữ tình, để ngợi ca tình yêu đôi lứa thể hiện qua cử chỉ nhân văn đẹp đẽ của họ (Cởi áo mình đang mặc tặng người yêu thật là một hành vi đẹp). Đa số mọi người đều chung cách hiểu về câu ca dao này như vậy.
Vấn đề tưởng thế là ổn rồi, hà tất còn chuyện gì để bàn cãi nữa. Nhưng hoá ra vẫn có cái để bàn đó, mà lại xuất phát từ câu chuyện ngữ pháp ngôn từ.
Trong một bài giảng về từ “nhau” trong tiếng Việt, tôi đã vài lần đưa tổ hợp “cởi áo cho nhau” ra để các sinh viên trao đổi về ngữ nghĩa thể hiện của từ “nhau” trong cấu trúc này. “Nhau” trong từ điển có 2 nghĩa chính. Ngoài nghĩa chỉ “bộ phận đặc biệt ở dạ con, có chức năng trao đổi chất dinh dưỡng giữa cơ thể mẹ và thai nhi (còn gọi là rau)” còn một nghĩa nữa: “biểu thị quan hệ tác động qua lại giữa các bên”, ví dụ: Họ nhìn nhau âu yếm; Vợ chồng nhà ấy hay cãi nhau; Đôi lứa yêu nhau; Giúp nhau học nhóm...
Tổ hợp “cởi áo cho nhau” trong câu ca dao trên vẫn được hiểu là “đôi lứa nọ đã “cởi áo” của mình để nhường cho người mình thương” (ở đây chắc là chàng trai tặng cô gái (chứ không phải ngược lại) thì mới hợp lẽ thường hơn). Nhưng nhiều sinh viên lại phản bác, cho rằng không hẳn thế. Họ dẫn lời giải thích của GS. Cao Xuân Hạo, khi trước đây, trong bài giảng của mình, ông nói rằng tổ hợp “cởi áo cho nhau” phải hiểu là “cởi áo hộ cho nhau” (giống như: mặc áo cho nhau, tắm cho nhau, làm bài cho nhau…). Như vậy “cởi áo cho nhau” phải được hiểu là hành vi hỗ trợ chứ không phải hành vi nhường nhịn. Có người còn suy luận “xa” hơn, nói rằng với đôi lứa yêu nhau, thì chuyện giúp nhau “cởi áo” là một cử chỉ âu yếm lứa đôi thường tình. Nhiều khi vì tế nhị, vì cô gái e thẹn mà chàng trai nọ phải chủ động làm cái việc mà lẽ ra “nàng” nên tự làm (!). Phân tích như thế quả làm “tâm lý” đấy chứ?
Lập luận đó không phải là không có cơ sở. Nhưng ta lại phải bàn thêm cho rõ hơn.
“Nhau” như vừa dẫn ở trên (nhìn nhau, cãi nhau, yêu nhau) muốn nói hai (hay nhiều) đối tượng đã có sự tác động qua lại trong một hoạt động nào đó. Nói yêu nhau, thương nhau, nhìn nhau, ghét nhau, cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau… dứt khoát là mang hàm ý là có sự “tương tác” từ hai phía, dù hai bên đồng thuận, mang nghĩa tích cực (yêu nhau) hoặc không đồng thuận, mang nghĩa tiêu cực (chửi nhau). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp có “nhau” nhưng lại chỉ xảy ra từ một phía. Ví dụ: hại nhau (Mày làm thế thật hại nhau quá), giết nhau (Thật là giết nhau không bằng), phụ nhau, Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau) v.v… “Nhau” ở đây không còn là sự tương tác hai chiều mà chỉ là hành vi đơn phương một phía.
Chúng ta trở lại câu thơ “Yêu nhau cởi áo cho nhau”. Có lẽ rất ít người hiểu theo nghĩa mà các sinh viên lập luận. Cũng bởi sự xuất hiện câu thơ thứ hai (Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay) đã “tường minh hoá” hành động cao cả được coi là của chàng trai nọ. Có thể chàng trai khi về nhà bị mẹ chất vấn vì chuyện áo trên người không còn nữa. Chàng trai (vì nhiều lý do) không muốn nói đúng sự thật (là đã trót trao cho người yêu rồi, như một vật làm tin hay thêm một trang phục che chở cho cô gái, gặp nắng quá hay lạnh quá), mà đành tìm cách nói dối (qua cầu gió bay mất rồi). Và nếu thì thì hành động “cởi áo cho nhau” chỉ được hiểu là “cởi áo tặng nhau” chứ không thể là “giúp nhau cởi áo (cho nhanh)”.