Tiếng ai than khóc nỉ non?
Hay vợ chú lính trèo hòn Cù Mông.
Khảo dị:
Tiếng ai than khóc nỉ non?
‡ Vợ chàng lính ‡ thú lên hòn Cù Mông.
Đèo Cù Mông thuộc tỉnh Bình Định, nằm gần biển, tuy không dốc nhưng dài và quanh co khó đi, xưa là nơi tiêu điều vắng vẻ, nước độc mà thiêng, cực chẳng đã lắm người dân Bình Định mới lên xuống. Bài ca dao là lời oán trách về cảnh chiến tranh, vợ chồng chia ly khi chồng bị bắt đi lính, vợ vượt đèo trèo núi đi thăm chồng.
Theo Hoàng Thúc Trâm (Hoa Bằng) trong
Quốc văn đời Tây Sơn, từ năm Tân Mão (1771), Nguyễn Nhạc quật khởi ở thượng đạo ấp Tây Sơn (Quy Nhơn). Đến năm Mậu Tuất (1778) thì lên ngôi, kỷ nguyên là Thái Đức. Trong 8 năm ấy, đánh Cựu Nguyễn, chống quân Trịnh. Nhạc tất phải động viên số dân chúng ở miền mình đã kiểm soát, nhất là Quy Nhơn, để dưới cờ có thể có một số binh khá đông ngõ hầu mới ứng phó được với tình thế. Trong gia đình quân nhân, khi tiễn chồng ra trận, lòng chinh phụ nào chẳng dặc dặc buồn, mắt chinh phụ nào là chẳng hoen mờ ngấn lệ. Lại thấy chồng phải trèo núi Cù Mông (Quy Nhơn) với bao vất vả nhọc nhằn, rồi dần chìm khuất trong lùm cây kẽ đá, người chinh phụ càng “Nhìn rặng núi càng ngơ ngẩn nỗi nhà” càng có thể oà lên mà than, mà khóc… Vì vậy bài ca dao này được sáng tác vào thời Tây Sơn, hoặc thời vua Thái Đức trị vì.
Tuy nhiên, theo Quách Tấn là người quê ở Bình Định, từng nghe cha ông kể lại, nên đính chính rằng khi nhà Tây Sơn dấy binh đánh binh tàn bạo của nhà Nguyễn thì nhân dân Bình Định hưởng ứng nhiệt liệt. Lính không đợi bắt, và đồng bào, một số tự nguyện theo quân lính ra nơi chiến trường ở phục dịch cho quân đội. Vì sao thế, vì là một ách chuyên chế được cởi, hai là vì những của cải đánh lấy được của bọn tham quan ô lại và của bọn nhà giàu sống trên mồ hôi nước mắt đám bình dân đều được chia một nửa, còn một nửa dùng làm quân lương. Đến lúc vua Thái Đức lên ngôi việc đối xử với quân lính được chu đáo, nên ca dao còn có câu “Ơn vua Thái Đức chí tình, Cù Mông vắng vẻ nhưng mình vẫn vui”. Lòng nhân dân Bình Định đối với nhà Tây Sơn luôn luôn vàng đá, cho nên suốt 143 năm dưới ách cường quyền, người Bình Định vẫn thờ Tây Sơn tam kiệt tại đình làng Kiên Mỹ, mỗi năm cúng tế đến hai lần, vào mùa xuân và mùa thu, mặc dù bị chế độ cai trị của nhà Nguyễn làm khó dễ. Vì vậy, câu ca dao trên có lẽ ra đời thời Cảnh Thịnh, lúc cháu đã cướp ngôi bác, và đưa người Phú Xuân vào cai trị dân địa phương, cái óc “coi dân như rác” của nhà Nguyễn sống lại làm khổ nhân dân. Hoặc cũng có thể câu kia lúc Nguyễn Ánh đã cướp được thành Quy Nhơn bắt dân Bình Định đi lính để đánh lại quân của Cảnh Thịnh.
[Thông tin 3 nguồn tham khảo đã được ẩn]