Sự tíchGặp ngày bà Tây Vương Mẫu mở tiệc thọ, cầm vương Phượng hoàng và Hoa vương là Mẫu đơn đều đem lễ vật đến mừng. Sứ thần bên chim là Bạch thanh, sứ thần bên hoa là Náo dương. Giữa đường, hai bên gặp nhau bên nào cũng đòi đi trước. Sứ thần hai bên ra đấu khẩu với nhau. Bên chim khoe Cầm vương là bậc đạo đức nhất, rồi lại kể những nết hay của loài chim. Bên hoa khoe Hoa vương là bậc phú quí nhất, rồi lại kể những vẻ đẹp của các loài hoa. Không những thế, chim kể xấu hoa, hoa kẻ xấu chim, không bên nào chịu bên nào. Tây Vương mẫu phải cho người ra phân xử, đành cho bên hoa đi trước, lấy cớ là cõi đời phần nhiều trọng phú quí hơn đạo đức. Sau đức Khổng Tử biết chuyện, ngậm ngùi than thở, cho là thói đời đã đến lúc suy kém rồi.
Tác giả và tâm lý trong cuốn vănTác giả không biết là ai, nhưng xem kỹ lời văn tác giả ở vào thời gần đây, vì trong cuốn văn, không dùng tiếng cổ. Tác giả thật là một nhà yêm bác, đem gần hết các nết hay, thói xấu của loài chim, loài hoa để ám chỉ người. Tuy một cuốn có hai trăm hai mươi câu, không lấy gì làm dài, song nếu ngâm nga ngoạn vi đủ nhận thấy tấm lòng thương đời của tác giả thiết tha biết là chừng nào!
Thương là thương cho người ta đổ xô về đường vật chất, mà bên tinh thần cứ truỵ lạc đi dần dần.
Thương là thương chữ sắc mỗi ngày thắng được chữ đức, đúng như lời đức Khổng Tử đã nói: Ngô vị kiến hiếu đức như hiếu sắc.
Nay ta thử đọc mấy câu ở đoạn kết như sau này:
Ưa nhân chuộng nghĩa mấy người,
Ít tiền dẫu đến vua tôi cũng thường.
Cha con trong đạo gia đường,
Ít tiền cũng chẳng ra tuồng thân yêu.
Anh em họ mạc dập dìu,
Ít tiền thì cũng ra chiều buồn tênh.
Sắt cầm phu phụ duyên lành,
Ít tiền thì cũng ra tình thờ ơ.
Bạn chơi bất cứ thân sơ,
Ít tiền thì chẳng bao giờ được thân.
Mấy câu này tuy rất giản dị tầm thường, song thật là tả rõ hết tình thái ở trên kim tiền thế giới. Thiết tưởng cuốn văn này là tiếng mõ đêm khuya, tiếng chuông sáng sớm để cảnh tỉnh lòng người.