Giữa năm 1972, trước ngày tôi lên đường nhập ngũ, tôi được một người bạn dẫn đến gặp nhà thơ Khương Hữu Dụng tại nhà riêng ở phố Phan Bội Châu, Hà Nội. Nhà thơ lúc đó đã 65 tuổi, mái tóc dài rủ xuống bạc phơ bồng bềnh, đôi mắt tinh anh, đi lại nhanh nhẹn. Nhà thơ hóm hỉnh hỏi: Anh lính mới có thích thơ không nhỉ? Tôi nói, cháu vừa đọc bài “Đợi anh về” của bác trên Báo Văn nghệ, thích nhất câu: Tay vít một nhành hoa/Níu áo mùa xuân hỏi. Nhà thơ cười bảo, được người khác nhớ cho một câu như thế đã là hạnh phúc rồi. Bác rút trên giá sách xuống một cuốn thơ mỏng tặng tôi, bảo bài đó cũng có trong tập này mới xuất bản. Đó là tập “Quả nhỏ”. Tôi mang cuốn thơ về đơn vị, anh em chuyền tay nhau đọc. Tôi thầm nghĩ: Bác quả là nhà thơ hạnh phúc, vì đại đội cháu trong hành trang đi B có nhiều cậu chép và thuộc lòng thơ bác!

Sau nhiều năm tôi trở về Hà Nội, làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân. Tôi vẫn thỉnh thoảng được gặp bác, khi ở nhà riêng, khi thì trụ sở Hội Nhà văn. Nhà thơ Khương Hữu Dụng có con trai đầu là Khương Thế Xương, đã hy sinh trong kháng chiến. Hôm ấy là ngày đầu năm 1999, Bảo tàng Quân đội mang các kỷ vật đang lưu giữ của liệt sĩ đến để gia đình xem lại. Lúc đó có mặt bà Võ Thị Thắng, người sinh viên yêu nước hơn 30 năm trước đã hiên ngang trước mũi súng quân thù trong bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười chiến thắng” (bà Thắng vốn là bạn với con trai thứ hai của nhà thơ là Đại tá Khương Thế Hưng, có thời kỳ là phóng viên chiến trường của Báo Quân đội nhân dân). Bà nói với nhà thơ lúc đó tuổi đã ngoại chín mươi: “Trong tù con ở chung với chị Mỹ Hoa (bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước). Những người tù cả nam lẫn nữ đều thuộc bài thơ “Kinh nhật tụng” của người chiến sĩ. Chúng con ở “chuồng cọp” truyền khẩu nhau những vần thơ có tính chiến đấu ấy. Nhưng chúng con cứ tưởng “Kinh nhật tụng” là của Bác Hồ. Có lần đến nhà, con đã kể với bác là hồi trong tù bọn con học thuộc “Kinh nhật tụng” của Bác Hồ rất hay, bác cứ cười chúm chím. Thì ra tác giả ngồi bên mà không biết…”

Lúc đó tôi cũng có mặt ở đấy, phần nào bị bất ngờ. Tôi vẫn nhớ những tác phẩm của bác, còn thuộc những câu thơ đậm chất thi sĩ của bác, chẳng hạn: Một tiếng chim kêu sáng cả rừng (trường ca Từ đêm Mười chín); Bàn cờ thế sự quân không động/Mà dấy quanh mình nỗi bão dông (Lên Côn Sơn); Ngủ ở Yên Châu ngỡ Mộc Châu/Nửa đêm quờ áo mặc thêm vào/Ô hay!Ai bảo Yên Châu nóng/Mưa núi chiều nay mát gió Lào (Đêm Yên Châu)… Nhưng quả thực, tôi không thể ngờ sức mạnh của bài thơ “Kinh nhật tụng” trong cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù lại có tác dụng lớn lao đến thế! Vào thời điểm sau ký kết Hiệp định sơ bộ 6-3-1946, bọn phản động xuyên tạc việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ký hiệp định và cũng là để giải đáp thắc mắc của một bộ phận quần chúng, Bác Hồ đã nói: “Hồ Chí Minh không bán nước!”

Xúc động bởi câu nói đầy tâm huyết, khí phách của vị lãnh tụ kính yêu, nhà thơ Khương Hữu Dụng đã viết “Kinh nhật tụng”, về sau có sự trợ tác của hai bạn thơ Nguyễn Đình Thư và Nguyễn Đình (vì là sách “kinh” nên không in tên tác giả). Bài thơ ngót trăm câu theo thể song thất lục bát dễ nhớ, dễ thuộc, đăng trên một tờ báo giấy dó xuất bản ở Hà Nội trước ngày Toàn quốc kháng chiến. Từ đó tuy không báo nào in lại, song nó đã lan toả rất nhanh thông qua truyền khẩu, trở thành bài thơ có “số phận kỳ lạ” nhất của thơ ca cách mạng Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, bao nhiêu chiến sĩ bị địch bắt, tra tấn cực hình đều thuộc lòng cả bài hoặc từng đoạn để động viên, khích lệ nhau giữ vững khí tiết, như trường hợp bà Võ Thị Thắng đã kể. Khi nhà thơ quy tiên (17-5-2005), trong đám tang có rất nhiều nhà cách mạng từng bị tù đày đến viếng và họ đều nhắc đến “Kinh nhật tụng” của người chiến sĩ. Ngay cả trong thời bình, thời kinh tế thị trường hôm nay, những câu “kinh” ấy vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự, đề cập tới những vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội về rèn luyện phẩm chất người cán bộ đảng viên, về mối quan hệ giữa đảng cầm quyền với nhân dân, đất nước...


Quang Đẩu
(Báo Quân đội nhân dân)
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.