Bài thơ thể hiện cảm xúc và suy nghĩ của nhà thơ Nguyễn Đình Thi về đất nước. Đó là một đất nước phải chịu bao đau thương và mất mát nhưng luôn hiên ngang bất khuất, đất nước vốn có truyền thống anh hùng. Cảm xúc về đất nước ấy được thể hiện bằng nghệ thuật sáng tạo hình ảnh, kết cấu độc đáo, ngôn ngữ và giọng điệu giàu hình ảnh, giàu chất trữ tình, gợi cảm. Bài thơ tuy được sáng tác trong một khoảng thời gian dài nhưng cảm xúc liền mạch và thể hiện rất chính xác logic tình cảm. Hình ảnh và cảm xúc thơ có sự vận động, thể hiện một cách rất tinh tế sự đổi thay của đất nước.
Mạch suy tưởng và cảm xúc của nhà thơ về đất nước được chia làm ba phần:
– Phần 1 (7 câu thơ đầu): Hình ảnh mùa thu Hà Nội được tái hiện trong nỗi nhớ của nhân vật trữ tình, đó là một mùa thu đẹp nhưng buồn. Đoạn thơ như một bức tranh đẹp, sinh động, có cảnh, có người. Người và cảnh đều rất đặc trưng cho Hà Nội, có tư thế và tâm trạng của người ra đi vì nghĩa lớn. Biểu tượng cho một thời kì đau thương của đất nước – những ngày chưa có độc lập.
– Phần 2 (từ câu 8 đến câu 21): Hình ảnh đất nước trong một mùa thu mới, mùa thu chiến thắng, mùa thu cách mạng nơi chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người đều vui tươi, nhịp thơ hồ hởi, phấn chấn thể hiện niềm vui của cả dân tộc. Đồng thời khẳng định quyền làm chủ đất nước của dân tộc Việt Nam. Biện pháp lặp cú pháp đã thể hiện một cách tự tin và hùng hồn quyền làm chủ Đất nước của Nhân dân.
– Phần 3 (phần còn lại): Hồi tưởng hình ảnh đất nước đau thương, suy tưởng và tự hào về truyền thống và sức mạnh của dân tộc. Hình tượng đất nước đau thương (câu 22,23), sức mạnh quật khởi (câu 26 đến câu 28, câu 38 đến hết), tinh thần bất khuất (câu 34 đến câu 35).
Ngôn ngữ thơ trong bài
Đất nước giàu tính hình tượng, độc đáo và có khả năng khái quát cao. Cảm xúc thơ chân thực, tinh tế và mãnh liệt. Bài thơ vừa có ý nghĩa khái quát, vừa thể hiện được cảm xúc có ý nghĩa lịch sử.
(Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy văn tại trường THPT chuyên Hùng Vương - Việt Trì - Phú Thọ)