歎鰲城漢陰完平竄謫歌
집을 지으려고 재목(材木)을 구(求)하나니
천생(天生) 곧은 남글 어이 하여 버렸는고.
두어라 동량(棟樑)을 삼으면 기울 줄이 있으랴.
Năm 1600, Ui In, hoàng hậu đầu tiên của vua Seonjo, qua đời. Năm 1602, tiểu thư Inmok thuộc dòng họ Kim vùng Yeonan, hậu duệ đời thứ 7 của Sejong đại hoàng đế, được tuyển chọn và sắp xếp để kết hôn với vua Seonjo. Bà trở thành hoàng hậu khi mới 19 tuổi. Khi đó vua Seonjo đã 51 tuổi, và đã lập thái tử là hoàng tử Gwanghae, con trai thứ hai của vua Seonjo và quý phi Gongbin của gia tộc Kim vùng Gimhae. Như vậy, hoàng hậu Inmok trở thành kế mẫu của thái tử Gwanghae.
Năm 1603, hoàng hậu Inmok hạ sinh công chúa Jeongmyeong. Năm 1606, hoàng hậu hạ sinh một người con trai là Yi Ui, sau này được tôn làm hoàng tử Yeongchang. Theo Gyechuk ilgi (Nhật ký Gyechuk, năm 1613 – các bản ghi được cho là của một cung nữ ẩn danh thay mặt hoàng hậu Inmok viết ra), hoàng tử Gwanghae và phu nhân đã rất lo lắng, cho rằng địa vị thái tử của Gwanghae đang bị đe doạ, bởi mẹ của Gwanghae chỉ là quý phi, trong khi mẹ của Yeongchang là hoàng hậu. Trên thực tế vua Seonjo và một số người ủng hộ ông đã có kế hoạch đưa Yeongchang lên ngôi thái tử, nhưng Gwanghae sớm phát hiện ra và vua Seonjo đã không thể thực hiện thay đổi này do nhà vua bất ngờ băng hà. Hoàng tử Gwanghae đã đóng vai trò là người cai trị trên thực tế của nhà nước Joseon trong chiến tranh Imjin (cuộc xâm lược của Nhật Bản vào Hàn Quốc từ năm 1592 đến năm 1598) và chính thức lên ngôi vua năm 1608.
Năm 1613, tức 5 năm sau khi vua Gwanghae lên ngôi, cha của thái hậu Inmok là Kim Je-nam bị kết án tử hình vì âm mưu nổi dậy và ủng hộ hoàng tử Yeongchang, người sau đó bị giết ở đảo Ganghwa. Các cuộc họp bàn việc phế truất thái hậu Inmok (gọi là “phế mẫu luận” 廢母論) bắt đầu và kéo dài suốt 5 năm, đặc biệt trở nên căng thẳng vào năm 1617, đẩy tình hình triều chính vào sự căng thẳng gần như sụp đổ. Chỉ một số ít chính trị gia ôn hoà, như Gi-heon và Lee Hang-bok, đề xuất các biện pháp thận trọng, nhưng đại đa số nhất quyết yêu cầu hoàng hậu Inmok thoái vị. Hầu hết những người phản đối quyết định của triêu đình đều bị luận tội, bị lưu đày hoặc cách chức. Do đó, cuối cùng triều đình cũng đạt được thoả thuận luận tội hoàng hậu Inmok và phế truất bà vào tháng Giêng năm 1618.
Bài thơ này của Jeong Hoon được viết sau khi ba vị đại thần là Lee Hang-bok 이항복 (Lý Hằng Phúc 李恒福), Lee Deok-hyung 이덕형 (Lý Đức Hinh 李德馨) và Lee Won-ik 이원익 (Lý Nguyên Dực 李元翼) bị cách chức và lưu đày vì phản đối phế truất thái hậu Inmok. Trong bài thơ 材木 là vật liệu gỗ, nhưng cũng có nghĩa là người thích hợp, đủ năng lực để đảm nhiệm một công việc cụ thể nào đó, trong khi 棟樑 là cột nhà, xà nhà, và thường được dùng với nghĩa bóng là trụ cột (quốc gia).
Tiêu đề bài thơ có nghĩa là: Bài hát về việc các vị đại thần Ngao Thành, Hán Uẩn và Hoàn Bình bị giáng chức và bị lưu đày do phản đối việc phế truất thái hậu Inmok. Ngao Thành là hiệu của Lee Hang-bok, Hán Uẩn là hiệu của Lee Deok-hyung và Hoàn Bình là hiệu của Lee Won-ik.
Ta đi tìm gỗ để dựng nhà
Cây này trời sinh thẳng, sao lại vứt ra?
Nếu làm xà hay cột liệu có vẹo nghiêng chăng
Cần cân nhắc đắn đo.