Chưa có đánh giá nào
1 người thích
Đăng ngày 16/01/2015 15:03, đã sửa 6 lần, lần cuối bởi tôn tiền tử vào 21/01/2015 11:46, số lượt xem: 590

Chuông ly biệt hẹn ngày tái ngộ
Biệt ly, chuông gióng rung sương khói
Đau xé lòng, chuông khản khóc khàn
(bom đạn rạn chuông rè nhức nhối)
Chia tay buồn buông toàn âm trầm.

Chuông chia tay buông toàn âm trầm
Bản lĩnh nhắc gìn tim nóng hổi
Hẹn ngày về, tái ngộ chuông thanh thới
từng‘tiếng vọng mai sau’mãi trong ngần.

Vẫn nhớ thuyền trăng quê nhà
Em chèo nhẹ, búp măng thơ quý phái
né bãi bồi ngần ngại những ưu phiền
ngắm nước sâu, chèo khuấy đáy sao đêm.
Chèo khẽ xoá hình em lan xa mãi
để ghép về trên phẳng lại gương liền.

Đầu sóng trăng suông thêm giá lạnh
nhắc người trần thế phận bơ vơ
ôm hờ tà áo, quơ cô quạnh
tới động thâm nghiêm yêu mặn mà?

Màn sương như thoáng cảnh nguyên sơ
áo uống sương trăng hôn không nói
tha thướt cao sang toà nguyệt rọi
áo trăng bay cả cõi trăng thơ.

Mỏng manh "trăng áo" lộ kiêu sa
in ánh sao khuya đã nhạt nhoà
Chùa cổ bờ xa chuông gióng giả
âm ba rung mỏng áo trăng ngà.

Quá sáng, trăng thành nhạc ngân dài
đêm rằm chuông thế ‘vọng tương lai’?
Tình yêu chớm nở hoa hàm tiếu      
thuyền nhạc quê xa vàng dát đầy.

Cứu vớt niềm tin
Xanh hỡi! cho ta trở lại quê
về bên bếp lửa đợi trăng thề
tình nước, tình em, quê chẳng thiếu
may ra chốn cũ lưu huyền diệu
Cứu vớt niềm tin ở yêu mê.

Dịp này mới bay về Hà Nội
(Cuối tháng 3 & đầu tháng 4/2014, dịp ‘người xa xứ’
được mời về nước dự Giỗ trận các liệt sĩ đã hy sinh
ở Hoàng Sa, Trường Sa chống ngoại bang xâm lược.
Rồi tiếp ngay sau đó về đền Hùng Giỗ Tổ).


Sáu thập kỷ! chưa bay về xứ s
Dưới kia rồi! nhìn rõ thủ đô ơi
đẹp, quá đẹp, ngân ‘ca khúc thiếu thời’
chợt cay cay, lệ tủi mừng thầm rỏ.

Nơi sinh, chốn ở - không nơi đó
càng quý Thăng Long, yêu thiết tha
hồn lắng Tây Hồ, Hoàn Kiếm nhớ
bay cao thoả ngắm ‘vành Nhĩ Hà’.

Trừ tịch xưa thủ đô
ánh điện xanh, cùng em hái lộc
guốc gõ cầu Thê Húc
vui sao chen chúc dạo quanh hồ.

Nay thủng thẳng chân đo rặng liễu
ngó nghiêng mặt hồ Gươm
tháp Rùa đơn sơ màu áo nhiễu
(khác loẹt loè băm sáu phố phường).

Nhớ thương
    yêu lắm tiếng rao đêm
đường làng gạch lát nghiêng
Nhớ mùa thu tháng Tám (1945)
đài Độc Lập thiêng liêng.

Về tìm lại mây trắng
Xe bon trong mây? Mây đưa xe.
Ai khơi ký ức? Tự tràn về.
Cao nguyên trở lại, tìm mây trắng
tìm cảnh xưa thanh thản tứ bề.

Tây Nguyên thân thương, ta đã về
Qua B'lao                           
    vào chào thăm
    Đăm B’ri.
Thời gian đi
    nhịp rầm rì
    thác đổ.
Nghe muôn thuở
    ‘tiếng vọng mai sau’cuốn vào thơ
    sâu lắng.
                     
Tự bao giờ
   'Thác Chờ'
    thăm thẳm
Như hai ta
    tình sâu nghĩa nặng?
Tự bao đời
    dáng nước rơi yêu thế
Như thân em diễm lệ
    tuyệt vời?
                               
Cớ sao sắp trọn đời người
Mắt nay mới thực trông vời cảnh tiên?
Đâu ngờ một thoáng thiên nhiên
Hồn thơ mây trắng tâm thiền thảnh thơi.

Cảm nhận êm ả Sài thành
(Nhớ lại những ngày đầu sau chấm dứt
ba mươi năm cuộc chiến cực kỳ tàn khốc
Chấm dứt trong lừng lẫy Võ Nguyên Giáp tài thần tốc
kiểu Quang Trung Nguyễn Huệ năm 1789 của Việt sử oai hùng.)


Tiếng chim hót tưng bừng
trên mái cao thành phố
yên bình, chẳng có chi rầm rộ.

Phía dưới, đường xa tít - tan tầm
cứ rủ rỉ như ong rầm rì nhẹ lan?
hoăc xe tăng đại pháo? Tiếng người, xe cộ đó.

Ơn phúc lành tiên tổ
Sài Gòn êm ả, nước nhà dứt chiến tranh!
nguyệt quế (tên em?) mới nở trắng lan can.

Nghe trên loa, chuyện báo hiếu Vu Lan
chuyện thời tiết bão tan…
Ôi yêu sao cảm nhận êm ả Sài thành.

(Bạn thôi căn vặn: Còn“tắm”nước mắt?
Có chứ, do bao mất mát thiệt thòi, thậm chí điêu linh
Nhưng không hề “tắm”máu, không tanh bành đổ nát
Hồng phúc đó, trời ban dân Việt Nam mình.)

           
Anh em ruột xót thương nhau
    vọng tới mai đời

Tột cùng đau xót, khấn hồn anh
Hương khói hiện hình, thừa di ảnh
Hình bóng anh, tim khắc rõ rành
Anh trong em, tận tầng tâm khảm
Sáu thập niên, vẫn thương anh lắm
Huy Tú(*) ơi! đâu cũng có anh.

Vì niềm yêu thơ
Đẹp như em, Thơ mẫn tiệp đời thường
như phổi thở, như tim đập chẳng ngưng
(không tự biết, như vần xoay trái đất)
hệt thiên tiên, vạn vật dưới vầng dương.

Như vũ trụ vô biên chẳng tận cùng
như bão dông, mây trắng, nắng tan sương
như rừng xa che phủ âm u núi
mặt trời mọc, rạng đông bừng đỏ ối.

Thơ giống em, hồn hậu, thương quá đỗi
như Sa Pa, xuân rực núi hoa đào
Hè, cả rừng hoa mận lăn tăn bạc
Thu, vàng dát dãy Hoàng Liên khát khao.

Xởi lởi thơ chào
    đón cuộc đời.
Lòng buồn? Thơ tưới giọt vui tươi.
Cát lầm? Thơ gột thành tinh khiết
trong suốt pha lê rõ cả mười.

Lên khái quát, thơ ngời ngời minh triết
(nhưng chẳng thơ khi thuyết lý tràn).
Rèn luyện tâm, thơ giải toả tâm can.
Tình yêu kỵ sáo nhàm “thơ tán tỉnh”
“Thơ thù tạc” thấp xa 'tình bạn lớn'

Thơ thi thoảng như tia hồng nắng sớm
nhẹ chếch vào phòng ngủ, mớm lời thơ
nhưng thơ kỵ tục tằn (không chịu nổi!)
luôn sáng trong, xao xuyến nối duyên tơ.

Chống ‘đạo văn’, khinh ý vờ lời sến.
Thơ dị ứng đường mòn, đến mệt nhoài
thèm ré giọng, bay lên toà đại đảm
thật từ tim, dũng cảm
    vượt trần ai.

Giằng xé day
    từ đáy tim rung động
thơ hiền dịu, dập dìu sóng tỏ yêu
yêu đắm say, trầm tĩnh biết bao nhiêu
ôi trong trẻo, vút cao tình trầm mặc.

Người thơ luôn tự nhắc
bất thành thi
    những ghi chép thêm vần.
Thơ tham vọng, dẫu tiềm lực như thần
tự đào thải nếu nhàm, nghèo sức sống
thông điệp không, không rúng động tình người.

Bất thành thi, ngán cọc còi
    hình ảnh
cần dâng hiến phát minh nhỏ tinh khôi.
Dám mơ ước thoảng thơm “thiền tiên thánh”
vươn dần lên biểu tượng, hồn thơ ơi!

Bay ngút trời
    hay dở chưa cần hiểu
thi thoảng níu người thơ nhìn lại mình.
Thơ tinh lọc, hệt tranh, ca, vũ điệu
mảnh hồn thơ vượt huyền diệu mông mênh.
                                                                           
Mãi còn vương tuyết nhành mai
Mai vàng điểm xuyết nét thanh tân
Ngực trẻ kiêu sa lịch bội phần.
Trong vắt giọng oanh, hồn nghệ sĩ
Cong veo mày phượng, dáng thi nhân.      
Đã mê lộng lẫy đằm tao nhã
Càng mến hồn nhiên thoát tục trần.
Từ buổi hớp hồn yêu lặng lẽ
Mãi còn vương tuyết đoá mai xuân.

(*) Anh ruột của tác giả:  Nguyễn Huy Tú, trung đội trưởng hy sinh 1948 trận Nà Phạc, Phủ Thông, Bắc Kạn, không mộ, không ngày tháng làm giỗ.