... Có người đã nhận xét : cái khó đối với một người vẽ chân dung là biết nhận ra một chân dung đẹp đã đạt được (chân dung đẹp theo nghĩa nghệ thuật, chứ không phải người mẫu đẹp); nhận ra rồi thì dừng lại đó, đừng thêm bớt nữa, đừng “vờn” nữa. Dừng lại đúng lúc.

Làm nhà thơ làm thơ và chữa thơ cũng vậy. Phải biết lúc nào câu thơ đẹp đã hiện ra thì chụp lấy nó. Và tất nhiên là phải sành sỏi trong nghề mới biết vật lộn với bản thảo, mới biết xóa và biết thêm, mới biết thay và biết giữ lại. Không nhất thiết là cứ chữa thật nhiều mới là hay! Có khi chữa nát trang giấy ra chỉ tổ làm nát bài thơ, làm rách nát tứ thơ. Tất nhiên là cũng có khi do một sự tình cờ mà được một câu thơ hay. Có lần tôi đã “gặp may” như vậy.

Bài thơ Gánh xiếc của tôi có mấy câu, lúc đầu tôi viết:

Gái lệ kiều đi với ngựa voi
Về nhà đứa bé vẫn đùa chơi
Nhưng lòng trẻ đã theo đoàn xiếc
Xếp với màn to của rạp dời.

Dời nghĩa là dời đi, rạp xiếc đã dời đi chỗ khác. Câu thơ cũng gợi cảm, cũng nói lên được cái ngơ ngẩn của chàng trai trước cái trôi nổi của gánh xiếc, của cuộc đời.

Nhưng đến lúc chữa mo rát (bản in thử) thì tôi thấy: “Xếp với màn to của rạp đời”. Tôi choáng ngợp vì thấy chữa rạp đời hay quá. Và tất nhiên là tôi để nguyên, không chữa nữa, không máy móc theo nguyên bản của tôi. Tôi thầm cám ơn người thợ in đã xếp chữ nhầm, hoặc giả đã ý thức chữa giùm tôi câu thơ! Nhưng công bằng mà nói, tôi cũng cảm ơn tôi đã biết nhận ra vàng mà chụp lấy nó; vì có lẽ cái ý rạp đời đã nằm trong luồng cảm xúc của cả bài thơ. Phải có tấm lòng bè bạn mới gặp được những người bạn tốt là như vậy.


Huy Cận, nguồn Văn Nghệ, số ra ngày 8-3-1986)
Thử hữu tắc bỉ hữu
Thử vô tắc bỉ vô
Thử sinh tắc bỉ sinh
Thử diệt tắc bỉ diệt