Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thể loại khác (ngoài thơ)
Thời kỳ: Nguyễn

Đăng bởi Vanachi vào 09/12/2018 11:58

Người Dự Châu họ Trương ấy vốn sinh đẻ tại nước Tề, cơn bát loạn vợ bị giặc bắt, qua ngụ Dự Châu lập nghiệp chắp nối, mới sinh ra một đứa con tên là Nột; chẳng khỏi bao lâu vợ ấy chết, chắp nối một lần nữa lại sinh ra Trương Thành. Vợ sau họ Ngưu dữ, ghen ghét tên Nột, cầm như tôi mọi, cho ăn dơ, bắt đi hái củi mỗi ngày là một gánh, không có thì đánh chửi khổ sở; bao nhiêu đồ ngon cất giấu cho Thành, cho Thành đi học.

Thành lớn lên hay thương anh, thấy anh cực, can gián mẹ không thèm nghe lời. Một bữa, tên Nột vào núi đốn củi chưa đầy gánh, mắc mưa dông lớn ngồi đụt dưới kẹt đá, đến khi tạnh mưa thì trời đã tối, bụng đói lắm, gánh củi ra về, mẹ ghẻ coi không đầy gánh, không cho ăn. Nột đói quá vào nhà trong nằm dài.

Thành đi học về thấy anh hoi hóp, hỏi anh đau sao? Anh nói đói lắm. Thành buồn bỏ đi ra, cách một hồi lộn lưng bánh đem vào cho anh ăn. Anh hỏi bánh ở đâu? Thành nói tôi ăn cắp bột mượn đờn bà lối xóm làm, anh cứ việc ăn, chớ nói ra. Nột ăn rồi dặn em đừng làm như vậy nữa, kẻo ciệc lậu ra mà luỵ tới em; vả lại ăn được một ngày một bữa, có đói cũng không đến đỗi chết.

Thành nói: “Anh yếu đuối lắm, hái củi nhiều làm sao cho đặng?

Qua ngày sau Thành ăn cơm rồi lén vào núi tìm tới chỗ anh làm củi. Anh thấy, thất kinh, hỏi em đi làm gì? Thành trả lời rằng: “Đi hái củi giùm.”

Anh hỏi: “Ai biểu?” Em nói: “Tôi lén đi vô đây.”

Anh nói: “Không nói em làm được không, dầu em làm được cũng không nên làm, em phải về cho mau.”

Thành không nghe, chạy đi bẻ củi giùm cho anh, lại nói: “Mai tôi sẽ đem búa theo.”

Anh chạy lại không cho em bẻ, mà tay em đã trầy ra, giày dép lại rách. Anh nói: “Em không nghe lời mà về, anh phải hại mình anh cho chết đi cho rồi.”

Thành nghe anh dức lắm phải bỏ ra mà về. Nột phải đưa em ra nửa đàng mới trở lại. Đến khi Nột gánh củi về, lại qua trường học dặn thầy rằng: “Em tôi nhỏ dại, xin thầy cầm nó, đừng cho vào núi, cọp hùm dữ lắm.”

Thầy nói hồi sớm mai nầy không biết nó đi đâu, không thấy tựu trường, ta có đánh nó. Nột trở về nói với em rằng: “Tại em không nghe lời, nên mới phải đòn như vậy.”

Thành nói không có; sáng ngày mai lại lót tót cắp búa vào rừng. Anh sợ nói: “Anh đã biểu em đừng đi, sao hãy còn vào đây.”

Thành không nói rằng chi hết, cứ việc đốn hối hả, tháo mồ hôi, chừng đặng một bó, liền bỏ đó mà đi không nói với anh. Thầy thấy tới trưa cứ việc đánh, Thành mới thưa thiệt. Thầy khen Thành có lòng với anh, từ ấy không cấm nữa; anh sợ biểu đừng, Thành cũng không nghe.

Một bữa có người ta đi lấy củi đông, thình lình cọp nhảy ra, ai nấy thất kinh ngã lăn, cọp tha Thành đi, Nột vác búa chạy theo, búa nhằm đùi cọp, cọp đau chạy hoảng theo không kịp.

Nột kêu khóc trở lại, ai nấy can gián, Nột lại khóc hơn nữa mà rằng: “Em tôi không phải như em ai, nó chết đây cũng vì tôi, tôi còn sống mà làm gì!”

Nột nói rồi liền lấy búa cắt cổ mà chết, ai nầy chạy lại giựt búa, thì đã phạm vào một tấc, máu chảy như xối, nằm không cục cựa. Mấy người hái củi sảng sốt xé áo ra mà ràng tịt chỗ phạm ấy, xúm nhau lại dịnh Nột về. Mẹ ghẻ khóc mắng rằng: “Mầy giết con tao, mầy làm bộ cắt cổ cho khỏi tiếng nói đó.”

Nột rên mà rằng: “Mẹ đừng lo buồn, em tôi chết, tôi chẳng có lẽ sống.”

Đem Nột lên giường đau đớn nằm không đặng, những ngồi dựa vách mà khóc. Cha sợ Nột cũng chết luôn, mỗi bữa thường lại giường đút cơm cho ăn. Mẹ ghẻ thấy vậy lại càng chửi mắng, Nột thấy vậy bỏ ăn ba bữa mà chết.

Thuở ấy trong làng có một người thầy pháp hay đi âm phủ, Nột gặp dọc đàng khóc lóc hỏi thăm em ở đâu? Thầy pháp nói không nghe ở đâu, bèn trở lại đem Nột đi tới một chỗ đo hội, thấy một người bận áo đen ở trong thành bước ra, thầy pháp đón hỏi giùm.

Người áo đen kéo đãy ra, soạn giấy dư trăm mà không có họ trương; thầy pháp nghi còn có giấy khác. Người áo đen nói: “Đường nầy về phần ta coi, có giấy nào lọt được”. Nột không tin, nài thầy pháp vào thành, thấy quỉ mới quỉ cũ lăng xăng rộn ràng, cũng có người quen, hỏi thăm không ai biết cả. Thoát chút nghe tiếng reo lên, nói có Phật Bồ tát ngự, ngửa mặt lên ngó thấy trên không có một người lớn, hào quang sáng suốt, thầy pháp mầng rằng: “Anh hai có phước là dường nào! Phật Bồ Tát mấy ngàn năm mới ngự vào chốn âm ti mà cứu người khổ não, nay gặp thì là may lắm.”

Thầy pháp nói rồi bắt Nột quì, còn các quỉ thì xăng văng nhảy nhót chúc tụng bốn chữ Từ bi cứu khổ. Tiếng tung hô dậy đất. Khi ấy Phật Bồ tát lấy một nhành dương rưới nước cam lồ xuống mù mù như sương, giây phút tan sương Phật Bồ Tát biến mất.

Nột rờ cổ nghe ướt ướt, chỗ dấu búa không còn đau nữa. Tên thầy pháp bèn Nột trở về ngó thấy làng, mới tử biệt mà đi. Nột chết hai ngày, thình lình sống lại, thuật hết mọi điều gặp gỡ, nói rằng Thành không chết; mẹ ghẻ nói Nột kiếm điều nói láo, lại càng chửi mắng hơn nữa.

Nột không biết lấy điều gì chữa chối, song rờ chỗ phạm búa thì lành, ráng chờ dậy lạy cha, quyết lòng lặn lội tìm em, như tìm không đặng, xin cha chớ trong con trở về, một liều con như đã chết rồi.

Cha không dám cầm, đem con ra nơi vắng vẻ than khóc một hồi. Nột cất mình ra đi, tới đâu cũng hỏi tin em, ăn mày ăn xin trót năm mới tới Kim Lăng, áo quần rách rưới, lẫn thẩn dọc đường. Xảy thấy một đoàn cỡi ngựa hơn mười con. Nột chạy tránh bên mép đàng, có một vị quan trưởng, trạc bốn mươi tuổi sấp xuống, quân hầu tiền hô hậu ủng, lại có một vì thiếu niên cỡi ngựa nhỏ, liếc mắt ngó Nột. Nột sợ là một vì công tử, không dám ngước mặt, chẳng dè vì thiếu niên ấy gò cương xuống ngựa, lật đật hô lên: “Không phải là anh tôi sao!”

Nột ngóc đầu nhìn thì là Thành, liền nắm tay em mà khóc oà. Thành cũng khóc hỏi anh làm sao ra thân lạc loài dường ấy. Nột tỏ sự tình, Thành lại thảm thương hơn nữa. Mấy người hầu cũng rùng rùng xuống ngựa, hỏi căn do bẩm lại với quan trưởng. Vì quan trưởng liền dạy để một con ngựa cho Nột cỡi đi luôn về nhà, hỏi hết nguồn cơn.

Số là ngày cọp tha Thành đi, không biết làm sao lại bỏ Thành bên đường. Thành nằm đ1o hơn một đêm, xảy có ông Trương Thiên Hộ ở trong kinh đô mà về, đi ngang thấy Thành đẹp đẽ, thương mà ôm lấy, hỏi quê quán thì Thành nói ở xa xác, mới chở Thành về nhà, cho thuốc men đặt mấy chỗ dấu cọp.

Cách ít ngày Thành lành đã, ông Thiên Hộ không con bèn nuôi làm con. Khi ấy Thành thuật lại đầu đuôi, Nột lạy tạ ông Thiên Hộ. Thành lật đật vào nhà trong lấy áo quần tơ lụa cho anh mặc rồi dọn yến tiệc đãi anh.

Ông Thiên Hộ hỏi cha mẹ ở tại Dự Châu có mấy anh em?

Nột thưa rằng không có, nói cha khi còn nhỏ thì ở nước tề, sau mới lưu lạc ở đất Dự Châu. Thiêng Hộ nói mình cũng là người tề.

Lại hỏi cha mẹ Nột ở làng nào? Nột thưa rằng: “Nghe cha nói ở ấp Đông Xương.’

Thiên Hộ lấy làm lạ, nói mình cũng là đồng ấp, hỏi làm sao mà dời qua đất Dự?

Nột thưa rằng: “mẹ chính bị quân binh bắt, cha mắc giặc hết sự nghiệp, đi buôn bên đất Dự Châu cho nên mới ở đó. Thiên Hộ mới hỏi tên cha; Nột thưa lại. Thiên Hộ nhìn Nột trân trân, vội vã chạy vào nhà trong.

Bỗng chút mẹ ông Thiên Hộ ra hỏi Nột rằng: “Có phải mầy là cháu nội ông Trương Bính Chi chăng?”

Nột Thưa phải. Mẹ ông Thiên Hộ vùng khóc lớn nói với ông Thiên Hộ rằng: “Ấy là em mầy đó.”

Anh em tên Nột sửng sốt không hiểu chi cả. Mẹ Thiên Hộ mới nói mình làm bạn với cha Nột được ba năm, gặp cơn giạc giã lạc loài qua đất bắc, làm bạn với ông Chỉ huy nửa năm sanh Thiên Hộ; qua sáu tháng ông Chỉ huy mất lộc; Thiên Hộ nhờ phụ ấm làm quan, bây giờ cũng thôi.

Lại rằng: “mẹ ngùi ngùi nhớ kiểng nhớ quê, có cho người qua Tề hỏi thăm mà không nghe tin tức gì, ai ngờ cha bay chạy qua phía tây mà ở”. Lại nói với Thiên Hộ rằng: “Mầy nhận em làm con thì mất phước.”

Thiên Hộ thưa rằng: “Có hỏi Thành mà Thành không hề nói là người tề, tại nó còn nhỏ lắm cho nên không nhớ.”

Vậy lấy theo tuổi thì Thiên Hộ đã 41 tuổi làm anh cả. Thành 16 tuổi làm em út, Nột 20 làm anh ba. Thiên Hộ đặng hai em, lấy làm vui mầng, tính trở về quê quán, bà mẹ dùng dằng sợ về không chỗ gởi mình. Thiên Hộ nói thế ở chung được thì ở chung, bằng chẳng thì ở riêng, trong thiên hạ có nước nào là không có cha.

Khi ấy mới bán hết nhà đất quyết chí ra đi. Tới nơi Nột với Thành chạy về báo trước cho cha hay. Té ra từ Nột đi, mẹ ghẻ cũng chết, còn một mình cha già, bỗng chốc thấy Nột vào và mầng và sợ, thấy Thành lại mầng quá nói không được, nước mắt chan hoà.

Nột Thành lại nói có mẹ con Thiên Hộ tới, ông già vùng lau nước mắt, không biết làm sao mà mầng, không biết làm sao mà buồn, đứng sửng sốt. Thiên Hộ vào chào hỏi rồi, mẹ Thiên Hộ ôm ông già mà khóc, ông già thấy tôi tớ trai gái hầu hạ đầy nhà, ngồi đứng không yên.

Thành không thấy mẹ, hỏi ra thì mẹ đã chết rồi, van khóc om sòm. Thiên Hộ xuất tiền cất nhà cửa, rước thầy dạy hai em; ngoài tàu ngựa giậm, trong nhà tôi tớ dầy dầy, hoá ra một nhà sang giàu dưới thế.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]