☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
Đăng bởi
Vanachi vào 11/02/2006 14:12
Vào khoảng 6/1937, báo Tiểu thuyết thứ bảy xuất bản tại Hà Nội đăng truyện ngắn Hoa ti gôn của ký giả Thanh Châu. Theo đó câu chuyện kể lại một mối tình giữa một chàng nghệ sĩ và một thiếu nữ.
Sau đó không lâu, toà soạn nhận được của một người thiếu phụ trạc 20, dáng bé nhỏ, thuỳ mị, nét mặt u buồn, mang đến một bì thơ dán kín gửi cho chủ bút, trong đó chỉ gọn một bài thơ Hai sắc hoa ty-gôn, dưới ký tên T.T.Kh. Khi thiếu phụ đi rồi, toà soạn xem thơ nhận thấy thi phẩm ghi lại cảnh tình đáng thương tâm, nhưng người ta chỉ nhớ lờ mờ hình ảnh thiếu phụ kia. Đó là lần đầu và cũng là lần cuối người thiếu phụ nầy xuất hiện.
Câu chuyện Hoa ti-gôn đã khơi lại mối tình xưa mà người thiếu phụ (T.T.Kh.) đã từng yêu một người và từng trao lời gắn bó dưới dàn hoa ti-gôn. Rồi chàng ra đi; nàng ở lại và nhận một mối tình gượng ép. Nàng đã làm bài thơ để giải toả niềm tâm sự.
Trong Hai sắc hoa ti-gôn, tác giả thuật lại câu chuyện tình giữa nàng và chàng nghệ sĩ trót đã yêu nhau, song hoàn cảnh trái ngang, nàng phải gạt nước mắt nên duyên cùng người khác - một ông chồng luống tuổi - để rồi tan nát tâm tư mỗi khi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của một thời quá khứ.
Sau bài thơ nầy, toà soạn Tiểu thuyết thứ bảy lại nhận được bằng đường bưu cục 3 tác phẩm khác cũng mang tên T.T.Kh. Đó là các bài Bài thơ thứ nhất, Bài thơ đan áo (riêng đăng ở Phụ nữ thời đàm) và Bài thơ cuối cùng.
Từ đó về sau, người ta không còn gặp thơ của T.T.Kh nữa và không hiểu tại sao bài Hai sắc hoa ti-gôn lại xuất hiện trước Bài thơ thứ nhất.
Từ lúc T.T. Kh góp mặt vào làng thi ca tiền chiến, người ta đã tốn biết bao công phu đi tìm hiểu về T.T.Kh.. Không ai biết được tên thật cũng như quê quán của nàng. Có người cho nàng là Trần Thị Khánh, một nữ sinh phố Sinh Từ, Hà Nội. Có kẻ cho cô là người yêu của thi sĩ Thâm Tâm, hay đây chỉ là một nhân vật trong tưởng tượng của ông nhằm lâm ly hoá hay thi vị hoá một mối tình tưởng tượng. Rồi, ký giả Thanh Châu, các thi sĩ Nguyễn Bính và J. Leiba cũng nhận T.T.Kh. là người yêu của mình! Kể từ đó, dù cho các nhà văn tốn không biết bao giấy mực nhưng họ vẫn không biết gì hơn về nàng.
Về hoa ty-gôn (antigone in French): loại hoa dây đẹp, không thơm, có hình quả tim vỡ làm mấy mảnh, màu trắng và hồng; ở miền Nam VN gọi là hoa nho vì lá giống lá nho. Tác giả mượn ý màu trắng là màu trinh bạch, ngây thơ khi nàng còn nhỏ dại, và hồng là màu mà nàng phải trải qua những sự đau khổ trong tình trường khi con tim nàng tan vỡ...
Như ta đã thấy Bài thơ cuối cùng, xuất hiện vào giữa năm 1938, trong đó T.T.Kh. giận trách người tình cũ đã đem thơ của nàng lên mặt báo làm lộ chuyện thầm kín “cho khắp người đời thóc mách xem”, thì không còn thấy xuất hiện bài thơ nào khác của nàng nữa.
Mãi tới 2 năm sau, vào giữa 1940, mới thấy xuất hiện bài thơ Gửi T.T.Kh với bút hiệu Thâm Tâm (Nguyễn Tuấn Trình,1917-1948), có lẽ là ông ở xa vừa mới về. Ông tự nhận là người tình cũ của T.T.Kh, gọi nàng bằng tên “Khánh” và nhắc tên nầy tổng cộng 4 lần. Bài thơ nầy là để trả lời cho 4 bài thơ của nàng, nhưng với giọng điệu cay đắng, mỉa mai!
Ngoài ra Thâm Tâm còn 2 bài thơ khác viết cho T.T.Kh như sau: Màu máu ty-gôn, Dang dở.
Đây là những bài thơ tình hay nhất của Thâm Tâm gởi cho T.T.Kh xuất hiện trong năm 1940. Bài thơ Dang dở trên đã chấm dứt “mối tình bí mật” đó. Nhưng...
Sau đó, người ta lại được “biết chút ít” về T.T.Kh. qua bài thơ Dòng dư lệ của Nguyễn Bính. Lúc bấy giờ ai chẳng nghỉ T.T.Kh chính là người tình vườn Thanh của Nguyễn Bính. Nhưng đó chỉ là sự ngộ nhận của một kẻ si thơ T.T.Kh mà thôi.
Thi sĩ Nguyễn Bính lúc còn trẻ có máu giang hồ, vào Nam ra Bắc mấy lần. Một lần dong ruổi, gặp đêm mưa lớn, ông ghé vào trọ tại một nhà ở vùng Thanh Hoá, được người lão bộc tiếp đãi. Nhà có khu vuờn đẹp, trong nhà có cô gái trẻ ngồi quay tơ - mà ông gọi là “Người Vườn Thanh” - đã khiến ông run động, thao thức bâng quơ, nhưng nghĩ mình còn nặng kiếp giang hồ nên chưa dám tính đến chuyện tình duyên.
Rồi mấy năm sau, ông lại có dịp qua vùng Thanh Hoá, bèn tìm đến chốn cũ, thì được người lão bộc năm xưa kể cho nghe “một thiên hận tình”. Thời gian lại qua đi, ông gần như đã quên câu chuyện đó, thì đọc được những bài thơ của T.T.Kh xuất hiện trên báo. Ông thấy những bài thơ đó giống hệt thiên hận tình của “Người vườn Thanh” năm nào, ông nghĩ rằng “Người vườn Thanh” chính là T.T.Kh., và viết bài thơ Dòng dư lệ để tặng nàng.
Mặc dầu xôn xao bàn tán và tranh dành lấy mình và lấy thơ của mình, T.T.KH đã biến mất. Cho đến mùa xuân năm 1938 ngày 30 tháng 10 thì trên Tiểu thuyết thứ bảy lại xuất hiện T.T.KH với Bài thơ cuối cùng. Đó là ba bài thơ mà T.T.KH đã để lại trong lòng tất cả người yêu thơ của bà. Cho đến thập kỷ 80, vẫn có người nói rằng bà còn sống và đã gặp bà, nhưng dù sao đó cũng chỉ là một lời nói mà thôi.
Vậy T.T.KH nàng là ai??? và vì ai mà làm thơ??? Cái nghi vấn đã kéo dài hơn 50 năm cho đến năm 1994. Bà Đ.T.L (tạm dấu tên) đã tiết lộ cái mà thiện hạ cho là “Thiên cơ bất khả tiết lộ” cho nhà văn Thế Nhật, và đó cũng là cái chìa khoá để mở cái cửa nghi vấn cho làng văn học Việt nam.
T.T.KH là gì?
T chữ thứ nhất là TRẦN
T chữ thứ hai là THANH
KH chữ thứ ba là KHÓC
KHÓC ở đây là khóc cho mối tình có duyên không nợ, khóc cho cái éo le cuộc đời. Tạo hoá chớ trêu kiến cho họ gặp nhau rồi đem cho họ bao nhiêu là nước mắc ngậm ngùi khi xa nhau.
THANH là Thanh Tâm, là tác giả của bài Hoa ti-gôn mà tôi đã nhắc ở trên, ông hiện cư ngụ tại Hà nội, là người đã tạo cho T.T.KH những cảm xúc để viết lên những giận hờn, thương xót, và khóc thương. Người đã mang nặng chữ chung, thuỷ với chữ tình, đã gắn bó với thơ T.T.KH, với cái hồn của nàng suốt hơn 50 năm trời đằng đẵng. Một người mà hôm nay thân đã tàn sức đã tận, nhưng tâm hồn vẫn lâng lâng cái trẻ trung, cái nhớ thương ray rứt về cố nhân. Một người có tâm hồn cao thương và sắc đá, trước những thử thách chơ trêu của tạo hoá, nhưng lại mềm mại, đắng cay trong từng ngòi bút ông buông lơi.
TRẦN là Trần Thị Chung (Tên thường goị là Trần Thị Vân Chung), sinh ngày 25-8-1919 tại thị xã Thanh Hoá, Hà Nộị Sinh trưởng trong một gia đình quan lại thời bấy giờ, Vân Chung có một người anh cả, hai người em gái và một người em trai út. Năm 1934, qua mối mai, gia đình nàng đã hứa gả nàng cho mọt luật sư (Lê Ngọc Chấn, ông đã chết sau khi mãn tù cải tạo học tập). Hiện nay bà cùng các con sinh sống ở miền nam nước Pháp trong một thị xã nhỏ và bà vẫn tiếp tục làm thơ, viết văn với nhiều bút hiệu khác khau như Vân Nương, Tơ Sương v.v...
Tôi xin gửi đến bà Vân Chung lời cảm khích vô cùng về những cống hiến của bà cho nền văn học Việt Nam, cảm ơn nhà văn Thế Nhật, bà Đ.T.L cùng những người yêu T.T.KH. Ruốt cuộc cái nghi án văn hoc. nay đã được công bố.